(TT&VH) - Vở cải lương Phù Vân của Đoàn nghệ thuật Cải lương Quảng Ninh (tác giả Nguyễn Sĩ Chức, chuyển thể cải lương NSƯT Ngọc Chi, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai; ) vừa công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 12/8. Mây trên phông nền sân khấu, mây trên lớp lớp phông màn, rồi từng đám mây trắng lơ lửng trong tầng không... Nhưng cái cảm giác mây trên đỉnh Phù Vân Yên Tử cuộn về cùng với những nỗi niềm của tiền nhân mới khiến người xem thật sự nao lòng...
1. Khá nhiều vở diễn đã khai thác giai đoạn lịch sử có rất nhiều biến cố gắn với sự chuyển giao vương triều giữa nhà Lý và nhà Trần hơn 700 năm trước: Rừng trúc (tác giả Nguyễn Đình Thi) và vở diễn đang trên sàn tập Nhà hát kịch VN mang tên Mỹ nhân và anh hùng (tác giả Chu Thơm). Cốt truyện không mới với việc Thái sư Trần Thủ Độ sắp xếp mọi việc ở hoàng cung, từ chuyện đưa người tình trở thành công chúa Thiên Cực, rồi mai mối cháu ruột là Trần Cảnh kết hôn với công chúa Lý Chiêu Hoàng dẫn đến việc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng... Sau 10 năm chung sống nhưng không sinh được mụn con nào để dòng dõi nhà Trần được tiếp nối, Trần Thủ Độ ép Trần Cảnh kết hôn với chị gái của Lý Chiêu Hoàng là công chúa Thuận Thiên. Khi đó, Thuận Thiên đang có mang 3 tháng với Trần Liễu. Không chấp nhận sự xếp đặt đó, Trần Cảnh bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử. Lý Chiêu Hoàng cũng bỏ cung ra nương náu cửa chùa. Bằng tình, lý, uy quyền và cả sự khéo léo, Trần Thủ Độ đưa bằng được họ về cung, giúp Vua dẹp được “thù trong, giặc ngoài”, đưa nhà Trần trở thành triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử phong kiến nước ta...
NSƯT Tiến Mác thể hiện vai Trần Thủ Độ
Trên cái nền lịch sử ấy, với những diễn tiến đã được nhiều cuốn sách phản ánh hay các vở diễn tái hiện, vở Phù Vân có được những điểm nhấn cần thiết: sự day dứt vò xé tâm can ba người đàn bà mà mỗi người đều có những nỗi niềm riêng (Thiên Cực - Lý Chiêu Hoàng - Thuận Thiên); nỗi day dứt khôn nguôi khi Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh phải lựa chọn giữa đi và ở... Vì thế, vở diễn giải quyết khá rốt ráo mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa tình yêu và bổn phận, giữa lý trí và tình cảm, giữa trách nhiệm và sự tự do...
NSƯT Tiến Mác vào vai Trần Thủ Độ được khán giả vỗ tay nhiệt liệt về phần ca.
2. Phù Vân - đỉnh thiêng Yên Tử nhưng Phù Vân trong vở diễn này còn là quyền lực, ngai vàng và bổng lộc... Tất cả đều qua đi, “còn chăng chỉ áng mây bay ngang trời”. Cái khoảng khắc đạo diễn để cho Chiêu Hoàng và Trần Cảnh đứng trên đỉnh cao Yên Tử đối thoại với nhau, khi Chiêu Hoàng cất tiếng: “Thiếp hiểu nỗi lòng Hoàng thượng, vì thiếp từng làm vua...”, dễ làm người xem rơi nước mắt... Có nhiều đoạn diễn xúc động như vậy khiến khán giả rưng rưng.
Còn nhiều thời gian để đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai trau chuốt vở diễn này và cả sự nỗ lực của các diễn viên trẻ cho đến ngày tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 vào trung tuần tháng 10 tới tại TP.HCM. Không chỉ những người Quảng Ninh ở Hà Nội mà nhiều người Hà Nội đã ôm chầm lấy chị chúc mừng sau đêm diễn. Phù Vân về Hà Nội đắm say như thế, cũng là đáng mừng cho nghệ thuật cải lương.
Hải Đông