BLV Anh Ngọc: Râu quai nón và tóc da đỏ, Italy đáng yêu trong vẻ xù xì

16/06/2014 21:20 GMT+7 | Bảng D

(lienminhbng.org) - “The old and the young”, người nhiều tuổi và người trẻ, chứ không phải là “the good”, nghĩa là thiện, và “the bad and the ugly”, là ác tà nữa. Pirlo và Balotelli không còn là hai mặt của một Italy trái ngược nữa, mà là một phần quan trọng của đội Thiên thanh giờ đã trở nên ít đẹp trai hơn, trang phục thi đấu cũng ít khêu gợi hơn, nhưng biết đoàn kết và chiến thắng.

Chúng ta có thể nói gì về những con người ấy, một người có bộ râu quai nón đầy trễ nải vừa li thân vợ và một người trẻ trung, có chỏm tóc kiểu da đỏ và mới rồi được chấp nhận lời cầu hôn? Họ giống như hai mặt của một vấn đề. Pirlo giống như một người làm rượu, còn Balotelli như một chàng thanh niên thích ngồi quán bar.

Pirlo là dạng đàn ông Italy cổ điển, với tóc dài và râu ria xồm xoàm, dáng mặt lơ đễnh và trông lúc nào cũng như suy nghĩ (chả trách vì thế mà anh viết cuốn, “Tôi tư duy nghĩa là tôi chơi bóng”, nhại câu “Tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại” của Descartes). Balotelli thì khác, hiện đại hơn nhiều, có vẻ lấc cấc của một thanh niên tiên tiến, sành điệu, chẳng coi ai ra gì và sống bản năng nhất có thể. Một người mới tan vỡ gia đình, nhưng cuộc chia tay ấy không có gì quá ầm ỹ.

Người kia, sau một cuộc chia tay người tình để lại cho anh một con gái, đang tìm thấy trong cuộc sống mới một chiếc nhẫn đính hôn. Một người đã nói sẽ chia tay đội tuyển sau World Cup. Người kia là hiện tại và tương lai của một Thiên thanh đang thay đổi màu da theo thời cuộc, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.  

Họ cùng tồn tại với nhau trong đội và cùng là những nhân tố quan trọng làm xương sống cả về tinh thần lẫn chiến thuật của đội tuyển mà chiến thắng Anh trong ngày ra quân của họ đã khiến tất cả ngỡ ngàng. Chưa bao giờ có một đội tuyển nào chuyền chính xác đến thế kể từ năm 1966. Một tỉ lệ chính xác lên đến 93%, cao chưa từng có, nhưng trên thực tế là sản phẩm từ đôi tay và cái đầu của Cesare Prandelli, người đang biến Italy thành một cỗ máy có khả năng cầm bóng nhờ sự xuất sắc của Pirlo trong cơ chế hai regista (anh và Verratti).

Một tờ báo của Italy thậm chí đã gọi cái cách cầm bóng và điều chỉnh nhịp độ chơi của đội Thiên thanh là “TikItalia”. Người viết bài báo ấy không quá lời. Và Pirlo chính là bộ não của cái gọi là “TikItalia” ấy, một dạng nhà thiết kế lỗi lạc trong bóng đá mà người Anh đã không thể nào khống chế nổi.

Trước giải, họ thậm chí còn đưa những tính toán của nhà khoa học Hawking vào để giải thích rằng Anh sẽ vô địch. Nhưng chẳng khoa học nào của Hawking có thể giúp Anh kèm nổi Pirlo, chẳng thể nào ngăn cản được những suy nghĩ của anh trong việc giúp Italy vận hành một cách uyển chuyển và gây những ấn tượng sâu sắc. Sâu sắc đến mức mà quý cô Luise Ciccone, tên thật của ca sĩ Madonna, một người gốc Italy (vùng Abruzzo) cũng phải viết lên trên trang mạng xã hội của mình: “Go Italy”.

Balotelli, trong bài thi đầu tiên ở World Cup của mình, đã không run rẩy, không một lần phản đối trọng tài hay đối thủ, không trả đũa khi bị đá xấu, không có những động tác ngu ngốc như giơ tay sỉ nhục các cổ động viên đối địch la ó mình. Anh chơi một cách cần mẫn, chịu khó di chuyển không bóng và hy sinh cho đồng đội khi lui về hỗ trợ phòng ngự tuyến hai. Và bàn thắng bằng một cú đánh đầu thể hiện phẩm chất của một trung phong kinh điển mà từ thời Christian Vieri, Thiên thanh không sở hữu.

Người Anh gọi đó là “header”. Người Italy nói “colpo di testa”. Còn tiếng thổ dân ở vùng Amazon, nơi diễn ra trận đấu này thì phức tạp hơn, “xikunahity”. Có lẽ Balotelli thích một cái gì đó phức tạp: Sống phức tạp, chơi bóng cũng phức tạp và yêu ai đó thì càng tự đẩy mình vào những rắc rối. Nhưng anh thích thế. Người Italy sẽ tiếp tục yêu anh trong một mối quan hệ tình cảm đầy phức tạp, vì da anh đen, và anh là con của những người nhập cư, cho đến khi anh phát điên trở lại.

Người Brazil thì khác. Họ thích anh cả khi anh điên lẫn không điên. Những người carioca (Rio de Janeiro) sống trong các favela (khu ổ chuột) mà tôi gặp ở đây đều bảo rằng họ nhìn thấy ở anh con người của chính họ, nổi loạn, chống đối, hay phản ứng, cực kì bản năng và chẳng biết sợ là gì. Tình yêu với Fanny và niềm tin của Prandelli đã giúp anh bình tâm và đá. Khi Balotelli không điên, anh là người mà tất cả đều yêu mến và kì vọng thành người hùng. Anh đã như thế, ở trận đấu với Anh.

Với Pirlo lạnh lùng và Balotelli nóng bỏng, Italy sẽ tiến xa đến đâu? Không ai biết, nhưng trước hết, họ đang được yêu mến. Yêu mến kể cả khi Pirlo đá một quả phạt không thành bàn ở cuối trận (người Mỹ, vốn không thích bóng đá nhiều như chúng ta lắm, thậm chí còn viết như thế này trên nhật báo USA Today, “đấy là quả phạt trực tiếp không thành bàn đẹp nhất trong lịch sử World Cup”). Yêu mến đến mức các cổ động viên Brazil bắt đầu thần tượng Balotelli. Ở sân Manaus, họ thậm chí còn làm hình anh bằng bìa carton và rước như thể đấy là tượng Chúa.

Còn có thể mong đợi gì hơn nữa sau một sự khởi đầu đáng yêu như thế của một Italy trong cái vẻ xù xì thô ráp của hai “lo”, Pirlo và Balo?

Anh Ngọc
Phóng viên TTXVN, từ Rio de Janeiro

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm