14/06/2014 15:13 GMT+7 | Ký sự World Cup
(lienminhbng.org) - Tôi không nghĩ đấy là thiên đường, bởi căn hộ của bà Graca nằm trên một trong những con đường lớn nhất của thành phố. Tiếng xe chạy qua ầm ầm cả ngày lẫn đêm, tiếng còi xe cảnh sát và cấp cứu lúc nào cũng inh ỏi, tiếng chó mèo trong khu chung cư thỉnh thoảng lại rộ lên. Cả những tiếng cãi nhau của một đôi vợ chồng nào đó ở nhà kế bên. Nhưng nó có một điểm đặc biệt: nhà của Graca chỉ cách sân Maracana huyền thoại vài bước chân.
… Nhưng thực ra, căn hộ nhỏ mà chúng tôi ở trọ của bà Graca đã là một dạng Maracana đặc biệt. Người phụ nữ to béo với khuôn mặt phúc hậu và giọng nói sang sảng ấy đã biến phòng khách nhà bà thành một sân bóng: bà ngồi trên ghế salon xem trận đấu và tivi thì để rõ to, chẳng khác gì muốn cả xóm nghe thấy. Truyền hình Brazil đang chiếu lại trận khai mạc World Cup mà Brazil chiến thắng, và Graca muốn xem lại tất cả các tình huống, các bàn thắng, nghe lời các chuyên gia nói và tự mình tham gia bình luận cứ như thể bà cũng là chuyên gia.
Tôi chẳng hiểu bà nói gì hết, vì bà nói nhanh quá, nhưng tiếng bà to lắm, tiếng của mấy tay BLV trên sóng cũng thế, ầm vang cả trong căn hộ tầng 4 mở cửa nhìn xuống phía dưới con đường vốn đã không có lấy một giây bình yên. Bà bảo, bóng đá thật đặc biệt. Nó khiến cho máu bà sôi lên ùng ục. Có lẽ máu của 200 triệu người Brazil khác cũng thế, nhất là khi Brazil thi đấu, ở một World Cup tại chính đất nước của họ. Ở “pais do futebol” (đất nước của bóng đá), bóng đá đang trở về nhà.
Graca là một nhà giáo về hưu. Bà từng có những năm tháng dạy đại học ở Brazil, và cũng như không ít người Brazil khác, bà coi World Cup này không chỉ là một dịp để được gào thét như những kẻ cuồng si, khi cả một dân tộc mất trí vì trái bóng dưới chân, mà còn là một dịp để kiếm tiền. Bà và con gái cho thuê một phòng trong căn hộ gần Maracana của mình, và tôi tình cờ kiếm được căn phòng ấy trên một trang web cho thuê nhà. Căn phòng nhỏ và cũ kĩ hơn nhiều căn hộ ở “tập thể Kim Liên” của Kiev mà tôi đã thuê trong cả tháng ở Ukraine cho EURO 2012. Nó không có “chuồng cọp” như ở Kiev, không có những tủ chất đầy các sách về triết học, không có một cầu thang ẩm ốc và thoang thoảng mùi vôi vữa của một công trình dường như mãi mãi dang dở từ thời XHCN.
Nhà của Graca bé chật chội hơn, cũ hơn, thậm chí ở góc nhà còn có một cái võng cáu bẩn, nhưng lại vui vẻ hơn và đầy tiếng động từ trong chính nhà bà, với cái tivi bật to hết cỡ, với tiếng bà ầm ỹ sau mỗi pha bóng nguy hiểm, tiếng đường phố không yên tĩnh, vừa thoang thoảng mùi thức ăn từ hàng xóm bay sang, lại cả mùi từ con chó mà bà chủ đang nuôi. Khác với sự buồn tẻ trong căn hộ Kiev, đấy là những dấu hiệu của cuộc sống ở một trong những nơi đầy chất sống, sống đến mức hỗn độn, một nơi như Rio, với con đường từ sân bay đến sân bóng cũ kĩ và tắc nghẽn, những căn nhà lụp xụp không trát vữa trải dài suốt hai bên, và xa xa là bóng dáng của các favela (khu nhà ổ chuột).
Căn hộ của Graca chỉ cách Maracana vài bước chân. Những ngày có trận đấu ở đây, có lẽ chỉ cần mở cửa sổ là có thể nghe thấy tiếng cổ động viên hò hét ầm ỹ và cả tiếng dậm chân của họ trên những khán đài. Sân bóng đã được thu nhỏ lại so với kích thước khổng lồ của nó vào năm 1950, khi ở nơi đây xảy ra một trong những bi kịch lớn nhất trong lịch sử Brazil hiện đại: họ thua Uruguay trong một trận chung kết mà không ai ở Brazil tin là họ sẽ thất bại. Những nỗi đau ấy bây giờ ở đây người ta vẫn còn nhắc đến, với sự cay đắng, và dù bọn trẻ sinh ra nhiều năm sau đó đã được chứng kiến một hoặc hai lần Brazil đoạt được Cúp vàng, thì trận thua 64 năm về trước vẫn là một nỗi đau không thể gột rửa, một dạng “Hiroshima” của bóng đá Brazil, hay một kiểu ám sát JFK đối với người Mỹ.
Maracana bây giờ không có được cái vẻ uy nghi, mạnh mẽ và đầy huyền ảo như quá khứ nữa. Sân bóng bây giờ được bao vây bởi các lực lượng cảnh sát bắt đầu tăng lên theo số lượng, bởi các đại lộ chằng chịt và đầy ắp xe và bởi những cách thiết kế đô thị rối rắm từ hàng thập kỉ nay. Không khí bóng đá vẫn chưa tồn tại ở Rio. Mới chỉ có lá cờ vàng-xanh trên các cửa sổ, những tranh vẽ đội tuyển Brazil trên những bức tường ngoại ô, và tiếng oang oang của bà Graca trong căn hộ nhỏ bé của mình nhìn xuống đại lộ Maracana. Chủ nhật này mới có trận đấu đầu tiên ở Maracana, Argentina gặp Bosnia. Sân bóng trông cứ như một nàng Lọ Lem đang nằm ngủ. Những cơn rồ dại vì thắng và vì thua chưa biến nơi đây thành chảo lửa. Cơn bão ấy kiểu gì cũng đến thôi. Nhưng trước đó tôi đã cảm thấy nó ngay ở đây, từ căn hộ của bà Graca.
Có lẽ, căn hộ nào ở Rio này cũng như nhà của Graca. Không biết khi Brazil sút ba lần tung lưới Croatia trong ngày khai mạc, có trận động đất nào làm rung chuyển đất nước này không, nhưng những cuộc bãi công và biểu tình những ngày tháng qua đang khiến cả thế giới nhìn về họ và đặt ra một câu hỏi, rốt cuộc thì những người biểu tình muốn đi đến đâu và chính phủ sẽ giải quyết những vấn đề theo cách nào, một khi cuộc bầu cử Tổng thống sẽ đến vào tháng 10, nghĩa là 3 tháng sau khi World Cup kết thúc.
Hình như có ba World Cup đang tồn tại song song trên mảnh đất này, một World Cup của những người không muốn nó diễn ra, hoặc nhân cơ hội này để đưa ra các yêu sách và buộc thế giới phải chú ý đến họ và những nỗi thống khổ của họ. World Cup của những kẻ cơ hội đã bỏ túi không ít tiền đầu tư của chính phủ vào các công trình phục vụ giải. Và World Cup của những người muốn nó diễn ra, vì tình yêu bóng đá mà họ mang, vì cả những nguồn lợi mà giải đấu đem lại, như với Graca.
Bà chủ nhà nói tiếng Bồ Đào Nha, còn tôi nói tiếng Ý, nhưng cả hai bên đều hiểu nhau, không ít thì nhiều. Graca đón tôi bằng sự nhiệt tình của một người Brazil đang đón khách phương xa đến nhà của mình để xem bóng đá và tìm hiểu xem, bóng đá là thế nào với cuộc sống của họ trên mảnh đất này. Họ chào đón du khách đến Brazil cũng như họ chờ đợi Chúa Jesus Cứu thế ở Rio phù hộ cho Brazil. Với hai cánh tay dang rộng trên không trung.
Anh Ngọc
(từ Rio de Janeiro, Brazil)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất