10/03/2014 11:13 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Liên tiếp 2 vòng đấu ở V-League có cầu thủ gãy chân vì những pha vào bóng thô bạo. Cà phê thể thao trò chuyện với nhà báo Hồng Ngọc quanh chủ đề này để cùng tìm kiếm nguyên nhân.
Cà phê thể thao: Chào Hồng Ngọc! Cảm giác của anh thế nào khi V-League liên tiếp có những cầu thủ gãy chân vì những pha vào bóng thô bạo?
Hồng Ngọc: Rùng rợn. Nhưng tôi đã rùng rợn từ rất lâu rồi, mỗi khi chứng kiến những pha vào bóng bằng cả hai chân, hoặc vào bóng cao chân bằng gầm giầy, nhưng không bị trừng phạt nặng, thậm chí bỏ qua, tại V-League. Vì nó có thể làm gãy chân cầu thủ bất kỳ lúc nào. Tôi ngạc nhiên là đến tận bây giờ mới có cầu thủ gãy chân.
Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Tấn Hiền phát biểu rằng “gãy chân mà nói bóng đá bạo lực thì chưa chắc đúng”.
V-League có những trọng tài và trưởng ban trọng tài như ông Nguyễn Tấn Hiền thì mới có cầu thủ gãy chân. Gãy chân là việc không hề dễ dàng xảy ra. Nó chỉ xảy ra khi một cầu thủ vào bóng bằng gầm giầy ngang ống đồng của một cầu thủ khác vào chân trụ, nhưng chỉ trúng chân mà không trúng bóng. Nhưng trong bóng đá, người ta cấm những pha vào bóng bằng gầm giầy cao chân chứ chưa cần xét đến việc có trúng bóng hay không, và khi nhận thấy pha vào bóng đó có nguy cơ gây tổn thương đến cơ thể của cầu thủ tranh chấp phía bên kia, hầu hết các trọng tài trên thế giới đều phạt thẻ đỏ. Chỉ trừ V-League và Premier League. Đó là lý do hai giải đấu này xuất hiện việc cầu thủ gãy chân, chứ các giải khác hầu như không có chuyện đó. Những pha vào bóng như thế có thể khác nhau về động cơ giữa V-League và Premier League, nhưng tính chất hành vi thì giống nhau, và đều là các pha vào bóng thô bạo.
Ngăn chặn một việc là phải ngăn chặn từ nguy cơ, chứ đợi khi có cầu thủ gãy chân rồi thì khóc cũng vô ích.
Nhiều ý kiến cho rằng bóng đá là môn thể thao đối kháng, đối kháng thì phải có va chạm, và va chạm thì khó tránh khỏi chấn thương. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
Tất cả các môn thể thao đều có luật. Luật đó dùng để bảo vệ người chơi và tính chất của cuộc chơi. Quyền anh chuyên nghiệp khắc nghiệt là thế, nhưng cũng phải bảo vệ người chơi bằng việc võ sỹ đeo găng tay có độ xốp cao để giảm lực đấm vào cơ thể đối phương. Hoặc trọng tài có quyền dừng trận đấu bằng khái niệm knock out kỹ thuật, khi một bên tấn công liên tục mà bên kia không còn khả năng chống đỡ dù chưa đo sàn. Các môn đấu võ, đấu kiếm không chuyên nghiệp thì người chơi có rất nhiều thiết bị bảo hộ.
Trong bóng đá thì cầu thủ chỉ có thiết bị bảo hộ đáng kể nhất là thiết bị bảo vệ ống quyển, nhưng nó chỉ giúp bảo vệ trước các pha va chạm thông thường chứ không bảo vệ được pha vào bóng cao chân bằng gầm giầy.
Vào bóng bằng gầm giầy là cách tranh chấp bất cân xứng. Nó hoàn toàn không gây nguy hiểm cho “thủ phạm” trong bản thân động tác đó, nhưng lại đổ toàn bộ nguy cơ và rủi ro lên “nạn nhân”. Vì gầm giầy còn có những chiếc đinh, vốn được thiết kế để giúp cầu thủ khỏi trượt ngã khi di chuyển trên mặt cỏ, lại trở thành vũ khí gây tổn hại cho đối phương khi dùng để tranh chấp.
Còn chấn thương từ các nguy cơ tranh chấp khác cân xứng hơn nên ít bị coi là hành vi thô bạo, trừ khi là đánh nguội. Đó là một phần của bóng đá, bởi vì đôi khi chỉ là việc vào bóng chậm hơn đối phương 1% giây cũng thành lỗi và có thể gây chấn thương cho đối phương. Hoặc một pha trượt ngã, hay đơn giản là bởi một động tác sai, không phù hợp với quy tắc chuyển động của khớp hay cơ cũng có thể gây ra chấn thương.
Anh có coi V-League là một giải đấu bạo lực? Và đâu là nguyên nhân của điều đó?
V-League là một giải đấu bạo lực nhất mà tôi biết. Những pha vào bóng triệt hạ, và cả vũ khí “võ mồm” luôn được sử dụng. Bạo lực ngôn ngữ là khởi nguồn của bạo lực hành vi. Nhưng tại V-League và bóng đá Việt Nam nói chung, bạo lực ngôn ngữ thậm chí thường xuyên xuất hiện trong quan hệ giữa cầu thủ và trọng tài. Ban tổ chức giải chưa bao giờ chống lại bạo lực ngôn ngữ. Chỉ một câu nói còn gây tranh cãi về khác biệt văn hóa của Luis Suarez với Evra khiến anh ta bị treo giò 8 trận, trong khi V-League chưa từng có án kỷ luật nào vì lời nói cả.
Nguyên nhân thì có nhiều. Xã hội ta coi bạo lực là vũ khí giải quyết tối thượng. Nền văn hóa của chúng ta đề cao việc áp đặt một chiều thay vì dựa trên tương tác thông qua đối thoại và hợp tác. Người áp đặt thì thỏa mãn, nhưng người bị áp đặt thì ấm ức chờ dịp phản kháng.
Khi trọng tài Việt Nam xử lý một pha va chạm, anh ta trừng mắt lên và đe dọa cầu thủ phạm lỗi, hoặc phạt thẻ với đầy vẻ uy quyền mà không một lời giải thích. Còn trọng tài châu Âu thường giải thích với cầu thủ khi họ không phục quyết định của mình. Nó giúp cầu thủ hiểu luật hơn, và cũng giải tỏa được sức ép.
Nền văn hóa của chúng ta cũng quá đề cao chiến thắng, thậm chí chiến thắng bằng mọi giá. Chả có quan điểm hay triết lý của cuộc chơi gì cả, nên chiến thắng là tất cả, bằng cả những hành vi bẩn thỉu như hối lộ trọng tài để được thiên vị, và chơi thô bạo. Bóng đá Việt Nam lại có một thời gian dài giao cho Ban tổ chức trận đấu thực hiện các trách nhiệm tài chính với trọng tài, giám sát. Nhưng Ban tổ chức trận đấu và đội chủ nhà lại là một, tạo điều kiện cho đội chủ nhà hối lộ trọng tài, giám sát. Việc đội bóng tiếp xúc với trọng tài, giám sát trước trận đấu được coi là bình thường trong nền văn hóa “trọng cái tình”, nên việc hối lộ cũng rất dễ thực hiện.
Thế nên, rất nhiều đội chủ nhà có lối chơi bạo lực được các trọng tài dung túng, mà điển hình là SLNA, Hải Phòng, và cả Hà Nội T&T. Nó trở thành một “trường phái” bóng đá ở V-League, khiến đối thủ không còn dám chơi bóng nữa, và thủ phạm càng lấn tới.
Việc phạt nặng “thủ phạm” Đình Đồng liệu có phải là cách để giúp V-League thoát khỏi vòng xoáy bạo lực?
Không giúp được gì cả, nếu sau đó các trọng tài lại dung túng cho các hành vi thô bạo khác, chỉ vì nó chưa làm đối thủ gãy chân. Việc xử lý nghiêm minh chỉ có ý nghĩa khi nó là cả quá trình, chứ không phải là hành động đơn lẻ chỉ để đối phó với dư luận, giải quyết được tâm lý hả giận của đám đông thôi.
Để loại bỏ triệt để bạo lực khỏi V-League, chúng ta có quá nhiều việc phải làm. Đầu tiên là phải quán triệt các trọng tài nặng tay với các pha vào bóng thô bạo, và đối xử công bằng. Các trọng tài cũng phải học cách giao tiếp với cầu thủ. Muốn vậy, phải có biện pháp ngăn chặn đội bóng đi đêm với trọng tài mà cấm tiếp xúc là một trong số đó, và tập huấn lại trọng tài.
Nhưng chính các đội bóng cũng phải thay đổi nhận thức. Thay vì đặt chiến thắng lên quá cao bằng cách thưởng thật nhiều tiền và coi là mục tiêu duy nhất, hãy chú tâm vào chất lượng của thứ bóng đá mà họ chơi. Hãy hỏi vì sao Hà Nội T&T cứ thắng ở trong nước mà lại vắng khán giả, và thi đấu quốc tế cứ thua vì bị đuổi người.
Đó là chưa kể một thứ khác khó thay đổi hơn: Tâm lý kích động bạo lực của khán giả, rất phổ biến ở nhiều địa phương.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất