GÓC Hồng Ngọc: VFF và 'văn hóa' đối phó

07/11/2013 19:51 GMT+7 | Các ĐTQG

(lienminhbng.org) -  Đề tài VFF “tạm ngưng” chức vụ HLV trưởng đội tuyển U23 của ông Hoàng Văn Phúc và trưởng đoàn U23 của ông Trương Hải Tùng đã nóng suốt hơn một tuần qua. “Thú vị” hơn là chỉ sau 2 trận, ông Hoàng Văn Phúc đã được phục chức. Gặp lại nhà báo Hồng Ngọc trong chầu Cà phê thể thao tuần này, chuyện vẫn còn “nóng hổi”.

Cà phê thể thao: Anh cảm thấy như thế nào khi HLV Hoàng Văn Phúc bị tạm ngưng chức vụ HLV trưởng đội tuyển U23 khi đang diễn ra BTV Cup?

Hồng Ngọc: Tôi không có thói quen kết luận hay suy diễn khi còn mơ hồ về sự việc. Nhưng đầu tiên là ngạc nhiên và tò mò, vì SEA Games đã cận kề. Và những gì HLV Hoàng Văn Phúc đã làm với đội U23 không thể nói là tồi, cho dù có thể chúng ta kỳ vọng nhiều hơn.

Điều ta cần tìm hiểu trước khi nhận xét là nguyên nhân của việc ngưng chức vụ là gì, và ý nghĩa của nó ra sao. Đó là cách tiếp cận của “trường phái nguyên tắc”, mà tôi thuộc số đó. Những người theo “trường phái thực dụng” thì còn phải tìm hiểu thêm: có giải pháp nào thay thế tốt hơn không.

Nguyên nhân của việc ngưng chức vụ, qua phát ngôn của VFF, là 35 phút cuối trận tồi tệ của đội tuyển U23 ở trận cuối vòng bảng, với CLB Bangdu Atletico. Và như trả lời phỏng vấn của lãnh đạo VFF, thì sau trận đấu họ đã nhận được rất nhiều tin nhắn bày tỏ sự thất vọng, thậm chí phẫn nộ từ những người quen đã xem trận đấu. Chỉ 35 phút chơi tồi thì chắc chắn không phải là lý do để VFF tạm ngưng chức vụ của ông Hoàng Văn Phúc, mà có thể 35 phút ấy thể hiện một thái độ mà VFF cho là tiêu cực: cố tình đá lỏng chân để chọn ngôi nhì bảng, tránh đội chủ nhà Bình Dương ở bán kết BTV Cup. Cách giải thích này có vẻ được chấp nhận.



HLV Hoàng Văn Phúc bị đình chỉ nhiệm vụ rồi nhanh chóng trở lại vị trí HLV trưởng

Nếu việc chủ hòa với Bangdu Atletico bằng cách lơi lỏng ở 35 phút cuối trận thật sự là nguyên nhân, anh có chấp nhận được lý do đó không?

Tôi thuộc trường phái nguyên tắc, và không chấp nhận việc đang thắng mà lại chủ hòa. Đội tuyển không phải của riêng ai, mà là đại diện cho cả một nền bóng đá. Nếu khán giả không hài lòng thì đó là vấn đề. Nhưng điều đó phải trở thành một nguyên tắc tối cao, chứ không phải là thủ thuật đối phó với tình huống. Trong trường hợp này, rõ ràng là VFF đã xử lý để đối phó tình huống, không phải bằng nguyên tắc.

Tuy nhiên, tôi vẫn tôn trọng những người theo trường phái thực dụng, đặt hiệu quả lên trên, và không xung đột trực diện với các nguyên tắc. Nếu coi việc U23 tham dự giải BTV Cup có ý nghĩa tập huấn, thì họ cũng có thể lựa chọn đối thủ để việc tập huấn đạt được những giá trị tốt nhất. Nhưng không phải bằng cách cố tình để thua. Hoặc là anh công khai mục tiêu thủ hòa trước trận đấu. Hoặc HLV kín đáo ứng xử bằng cách bố trí đội hình và đấu pháp phù hợp với mục tiêu. Chứ không phải bằng cách dẫn trước 2 bàn rồi cố tình để cho đối phương gỡ hòa khi kết thúc trận đấu, mà thái độ thi đấu đó khiến khán giả dễ dàng nhận ra được.

Anh dựa vào đâu để khẳng định rằng VFF tạm ngưng chức vụ của ông Phúc là đối phó với tình huống, chứ không phải dựa vào nguyên tắc đặt khán giả lên cao nhất?

Về cách họ xử lý và thông báo quyết định. Thứ nhất, khi lãnh đạo VFF trả lời phỏng vấn, yếu tố “dư luận” sau trận đấu đã được đề cập trước tiên, và ra quyết định rất nhanh mà chưa cần nghe giải trình. Thứ hai, họ công bố quyết định tam ngưng chức vụ với ông Phúc trước truyền thông, nhưng lại… không gửi cho ông Phúc. Tức là mục đích xoa dịu dư luận quan trọng hơn việc tác động đến công việc cho nó trở nên tốt hơn. Cách hành xử này cũng thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu tính tập thể, và không đàng hoàng.

Nếu VFF thật sự muốn chấn chỉnh thái độ tiếp cận của HLV và đội bóng, họ hoàn toàn có thể phê bình ban lãnh đạo đội U23, thậm chí kỷ luật nội bộ, trên tư cách là người sử dụng lao động. Đó là cách vừa chấn chỉnh những sai lệch, vừa giữ được thể diện cho những người có liên quan. Thể diện là điều rất quan trọng trong các nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Nho giáo.

Bây giờ thì VFF đã phục chức cho ông Phúc rồi?

Điều đó củng cố nhận định của tôi rằng quyết định của VFF mang tính đối phó. Nếu nghi ngờ về thái độ thì nhắc nhở, hoặc thậm chí sa thải nếu quá bất đồng quan điểm. Nếu nghi ngờ về hành vi là phạm pháp và có cơ sở ban đầu thì có thể tạm đình chỉ chức vụ để điều tra. Sau khi điều tra, phải công bố kết luận rõ ràng là người bị nghi ngờ vô tội thì mới khôi phục lại chức vụ. Ở đây chỉ là nghi ngờ về thái độ, không có điều tra, và cũng không có kết luận sau điều tra hay giải trình rằng HLV Hoàng Văn Phúc có vô tội không, nhưng vẫn phục chức. Đó là lối hành xử vô nguyên tắc. Nó giống như cách những đứa trẻ chơi với nhau, hôm nay không ưa thì tẩy chay, vài hôm sau thì quên, lại chơi với nhau như không có chuyện gì xảy ra vậy!

Anh có vẻ nặng về nguyên tắc nhỉ? Nguyên tắc là gì, nếu không phải là để phục vụ kết quả cuối cùng?

Nguyên tắc là những những giá trị, chuẩn mực, phương pháp cơ bản mà nhân loại đúc rút ra, để tối ưu hóa lợi ích trong dài hạn và tổng thể. Nếu anh thiếu nó, hoặc chủ ý xâm phạm nó, thì đạt được lợi ích trước mắt sẽ vi phạm lợi ích lâu dài, đạt được lợi ích cho mình sẽ vi phạm trực diện với lợi ích chung. Không có nguyên tắc thì chúng ta sẽ liên tục phải xử lý, đối phó với tình huống, mà không biết thế nào là đúng. Chỉ đơn giản nước rò thì bịt, thấy phản ứng thì xoa dịu. Nhưng bịt chỗ này thì sẽ rò chỗ khác, và xoa dịu phản ứng này thì phát sinh phản ứng khác, thậm chí với mức độ nghiêm trọng hơn.

Dân gian ta có truyện ngụ ngôn về đẽo cày giữa đường. Đó là bài học cơ bản về việc thiếu nguyên tắc, mà chạy theo xử lý tình huống, chạy theo dư luận. Kết quả là không có cái cày nào được tạo ra cả.

Đối phó với dư luận, đó có vẻ là cách ứng xử khá thường xuyên của VFF?

Không chỉ với VFF. Khi một hệ thống không cất nhắc tầng lớp tinh hoa lên để lãnh đạo, mà lựa chọn từ những người mà gia cảnh xuất thân của họ chỉ suốt ngày chạy theo lo cơm áo, mà cũng thiếu nỗ lực học tập và rèn luyện để thay đổi nhận thức và thói quen, thì việc thiếu nguyên tắc là khó tránh khỏi. Tất nhiên họ sẽ chỉ biết đối phó với tình huống.

Khi những nhà lãnh đạo lấy “dư luận” để làm vũ khí, và từng cố gắng để “tạo dư luận”, thì khi không tạo được dư luận theo ý mình, chính họ sẽ bị dư luận dẫn dắt và đè bẹp. Rất tiếc, đó là vấn đề hệ thống, mà VFF không có khả năng tự thoát ra. Đơn giản như chức vụ Chủ tịch VFF vẫn cứ bị cơ cấu, và thường là biệt phái hay là “khách mời” của Tổng cục TDTT thì bóng đá Việt Nam không thể tự mình thoát khỏi vòng luẩn quẩn ấy.

Tức là chúng ta còn nhiều dịp cà phê bình loạn tiếp…Hẹn anh tuần sau nhé.

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm