Góc Hồng Ngọc: World Cup và chuyện bình đẳng giới

29/05/2014 13:03 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Cũng là World Cup nhưng lại là một World Cup, chính xác hơn, một giấc mơ World Cup, “đã qua” với bóng đá nữ Việt Nam. Phê bình gia Hồng Ngọc trở lại với Cà phê thể thao tuần này.

Cà phê thể thao: Chào mừng anh trở lại với chuyên mục, lại đúng vào dịp buồn là đội tuyển bóng đá nữ đã để trượt vé dự VCK World Cup 2015?

Hồng Ngọc: Tôi lại nghĩ đó là tin vui!

Cái gì? Anh không muốn đội tuyển bóng đá nữ của chúng ta có mặt tại VCK World Cup?

Tôi muốn, nhưng là được dự World Cup một cách xứng đáng, với nền móng tốt, kỹ chiến thuật tốt, và tự tạo ra cơ hội để dự giải đấu đó, cũng như có khả năng tranh đấu tại VCK. Chứ không phải bằng cách nhân cơ hội một đội tuyển mạnh của châu lục bị cấm tham dự, và vòng loại cuối cùng được tổ chức trên sân nhà, trong khi bản thân đội tuyển nữ của chúng ta chẳng có tiến bộ gì (giờ chúng ta tụt hậu thấy rõ so với Thái Lan), và bóng đá nữ Việt Nam hoàn toàn thiếu nền tảng phong trào lẫn đỉnh cao.

Vậy thì đội tuyển nữ VN dự World Cup để làm gì? Để nuôi dưỡng chủ nghĩa cơ hội và bệnh thành tích? Để trở thành rổ đựng bóng ở VCK World Cup, và “niềm tự hào dân tộc” mà chúng ta tự vơ lấy bỗng dưng biến thành nỗi hổ thẹn trước cả thế giới bóng đá?

Trong khi chúng ta có thêm cơ hội để hoang tưởng rằng đội tuyển nữ của chúng ta thuộc nhóm “tinh hoa” của bóng đá nữ thế giới, thì chúng ta vẫn mỏi mắt tìm gặp một người phụ nữ Việt Nam chơi bóng đá. Hình như họ tập hợp hết ở “giải vô địch quốc gia” rồi, nơi các nữ cầu thủ được nhận lương từ các Sở TDTT từ nguồn ngân sách nhà nước, và bạn không thể tìm ra một câu lạc bộ bóng đá nữ nào sinh hoạt theo cách tự nguyện bằng nguồn lực xã hội.

Bóng đá nữ Việt Nam trong đó có đội tuyển nữ đã không được đầu tư tương xứng, nếu xét tương quan với bóng đá nam, và những thành tích quốc tế mà họ đạt được?

Đầu tư từ đâu? Nếu là từ nhà nước, thì anh đang tiếp cận vấn đề bằng tư duy bao cấp. Nếu là từ VFF, thì anh đang đánh đồng bóng đá nam và nữ. Liên đoàn bóng đá là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, về nguyên tắc là tự cân đối thu chi. Nhưng nguồn thu của VFF toàn đến từ bóng đá nam. Nếu là từ doanh nghiệp, thì đó là câu chuyện xã hội hóa, doanh nghiệp có tìm thấy lợi ích của họ trong hoạt động đó thì họ sẽ đầu tư, không cần chúng ta kêu gọi hay trách móc. Nếu là từ khán giả thì anh hãy đến sân vận động giải VĐQG bóng đá nữ để hỏi… khán đài xem tại sao khán giả không đến.

Hình như anh vẫn đang giữ tư tưởng trọng nam khinh nữ ?

Anh hãy thực tế đi! Chúng ta bị đòi cả chục triệu USD để mua bản quyền truyền hình trực tiếp VCK World Cup bóng đá nam, trong khi bản quyền truyền hình VCK World Cup bóng đá nữ là thứ quà tặng đi kèm. Cả thế giới ứng xử như thế, không phải riêng tôi. Mà anh có biết CLB bóng đá nữ nào mới vô địch UEFA Champion League cho nữ không?

À, ờ. Để tôi Google đã. Mà có thật là có giải bóng đá như thế không, để tôi còn biết đường tìm kiếm?

(Cười to) Thật sự thì tôi cũng không biết, đoán đại thế để hỏi anh thôi. Chắc anh không phải dùng Google với giải đấu tương tự của bóng đá nam chứ?

Dĩ nhiên! Nếu không biết nhà vô địch của giải đấu đó trong năm là ai, thì chúng ta còn gì để bàn về bóng đá nữa! Vậy thì rốt cục khái niệm “bình đẳng giới” trong bóng đá phải được hiểu như thế nào?

Bình đẳng giới nói riêng hay bình đẳng xã hội nói chung phải được hiểu là về mặt cơ hội. Anh này có quyền chơi bóng đá thì chị kia cũng có quyền chơi bóng đá. Còn anh hay chị chơi giỏi hơn thì đó là vấn đề nỗ lực cá nhân và cả năng khiếu, thể chất nữa. Và công chúng chấp nhận trả tiền để xem ai chơi bóng đá thì lại là vấn đề nhu cầu xã hội.

Bình đẳng về cơ hội là việc gỡ bỏ những rào cản về đẳng cấp, giới tính, chủng tộc về mặt luật lệ lẫn định kiến để giúp mọi người trên thế giới không bị giới hạn cơ hội để thành công. Không còn mặc nhiên “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa” nữa. Nhưng để con sãi biến cơ hội được làm vua đến hiện thực được làm vua lại là chuyện khác.

Bình đẳng về cơ hội là chị lao công từ nhỏ được học, rồi được lập trình và được kinh doanh, còn có chọn con đường và làm được như Bill Gates hay không tùy thuộc vào khả năng, nỗ lực của chị.

Sự bình đẳng về mặt xã hội cũng như sự tôn trọng mà xã hội dành cho chị lao công và Bill Gates là ở chỗ họ đều nhận được sự ứng xử như nhau trước pháp luật như những công dân, và được phục vụ như nhau tại cùng một nhà hàng.  Nhưng không có nghĩa là họ phải được phục vụ như nhau khi một người tiêu tiền tại nhà hàng bình dân, còn người kia trả tiền ở nơi sang trọng. Trong một xã hội có thể chế lành mạnh, nơi thành tựu của cá nhân phản ánh gần đúng cống hiến của cá nhân đó cho xã hội, thì nghĩa là những cá nhân thành đạt hơn đã cống hiến lớn hơn cho xã hội. Bill Gates đã làm thay đổi cả thế giới, còn chị lao công chỉ làm sạch được khu phố mình dọn dẹp, cho dù mỗi người đều làm tốt phần việc của mình.

Vậy theo anh cần làm gì để bóng đá nữ nhận được sự bình đẳng về cơ hội như anh nói?

Chú trọng phát triển bóng đá học đường từ cấp tiểu học. Đó là lúc mà trẻ em còn thích vui chơi, chưa tự tạo ra rào cản giới tính khi lựa chọn và tham gia trò chơi. Nếu nhà nước, VFF đầu tư vào bóng đá học đường thì cũng không bị quy kết là phân biệt giới tính, và cũng không có bệnh thành tích. Đó là đóng góp lớn với cộng đồng khi tạo điều kiện cho trẻ em được rèn luyện sức khỏe, được vui chơi. Nó sẽ nuôi dưỡng những công dân tương lai có lối sống tích cực, có sức khỏe tốt để tăng năng suất lao động và giảm chi phí y tế. Và là cách tạo nền móng tốt nhất cho bóng đá cả nam và nữ, vì nhiều người chơi bóng đá hơn sẽ tạo ra nhiều cơ hội để lựa chọn và phát triển tài năng hơn, cũng như tạo ra đội ngũ công chúng thật sự yêu và gắn bó với bóng đá hơn.

Thế này ngành giáo dục của chúng ta lại thêm nặng gánh đây. Tạm dừng tại đây đã nhé, hẹn anh cuối tuần sau.

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm