GÓC MARCOTTI: Nếu chi đậm, nên mua thủ môn hơn là hậu vệ!

20/06/2015 12:45 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) – Trước một thị trường chuyển nhượng đang chuẩn bị mở ra với vô vàn những màn mua bán khó lường, ký giả người Italy Gabriele Marcotti đã đưa ra những lời khuyên rất thú vị cho các CLB đang cần cải thiện hàng thủ...

Kỳ chuyển nhượng hè lại đến, và điều đó làm tôi suy nghĩ về câu hỏi, liệu có những qui tắc, xu hướng mua bán hay không và chúng thực sự sẽ gây ảnh hưởng như thế nào cho chính CLB đó? Đặc biệt, nếu đã vung một khoản tiền lớn thì lại càng phải xem xét thật kỹ lưỡng.

Tôi đã chia các cầu thủ thành 6 loại dựa trên vị trí thi đấu, gồm: thủ môn, hậu vệ biên, trung vệ, tiền vệ, tiền vệ công và tiền đạo. Tôi cũng nhìn vào top 10 cái tên dựa trên giá trị chuyển nhượng, tính từ mùa 2008-09 đến mùa 2013-14. Ý tưởng ở đây là đánh giá xem liệu giá trị chuyển nhượng và mức độ thành công có tỉ lệ như thế nào cho mỗi nhóm vị trí đó.

Tôi đã loại ra một vài bản hợp đồng ra khỏi vòng xem xét vì tôi cho rằng 1 mùa giải thường là không đủ để đánh giá mức độ thành công. Tôi cũng chỉ tính những thương vụ từ năm 2008 vì chúng gần đây hơn và tỉ giá tiền không thay đổi quá nhiều.

Số liệu chuyển nhượng được lấy từ trang web Transfermarkt.com. Họ có thể chính xác hoặc không chính xác, bởi không phải CLB nào cũng công khai mức phí chuyển nhượng, vì vậy họ đã lấy nguồn từ cả những kênh truyền thông khác, tuy nhiên mức độ tỉ mỉ là đáng kinh ngạc. Hãy đừng quá chú ý tới tiểu tiết mà hãy cùng nhìn vào bức tranh toàn cảnh.

Thang điểm đánh giá là từ 1 đến 5, 5 là chất lượng cao nhất và 1 là chất lượng thấp nhất. Tiêu chí đánh giá cho các cầu thủ thi đấu ít sẽ như sau: nếu anh ta tốn rất nhiều tiền để chiêu mộ nhưng lại gặp chấn thương (thường xuyên) và thi đấu ít, anh ta sẽ bị điểm thấp, dù đó không phải lỗi của anh ta đi chăng nữa. Chấn thương luôn là một rủi ro, nhưng khi đã bỏ nhiều tiền để mua cầu thủ thì mức độ kỳ vọng cho họ dĩ nhiên lớn hơn, và việc gặp chấn thương thường xuyên dĩ nhiên kéo theo sự thất vọng.

Tóm lại, các tiêu chí chính để đánh giá cho điểm vẫn là màn trình diễn, mức giá, tình trạng hợp đồng và độ tuổi (trả 50 triệu euro cho một cầu thủ 22 tuổi vẫn rẻ hơn so với việc 50 triệu cho một cầu thủ 28 tuổi).

Chúng ta cũng không nên nghĩ quá nhiều tới những con số để dẫn đến việc so sánh giá cả các vị trí với nhau. Có lý do khiến cho các tiền đạo thường đắt giá hơn các thủ môn, tôi sẽ không bàn điều đó trong bài viết này. Điều cần tìm hiểu là xu hướng, qui luật chung. Cụ thể hơn, tôi muốn đánh giá xem liệu những bản hợp đồng đắt giá thể hiện như thế nào trong từng nhóm vị trí.

Thủ môn

 

Giá CN (triệu euro)

Từ-Đến

Năm

Điểm

Manuel Neuer

30

Schalke-Bayern

2011

5

David de Gea

18

Atletico-Man Utd

2011

4

Hugo Lloris

12,6

Lyon-Spurs

2012

4

Samir Handanovic

10,6

Sunderland-Liverpool

2013

3

Shay Given

9

Newcastle-Man City

2013

2

Sebastien Frey

9

Fiorentina-Genoa

2011

2

Heurelho Gomes

9

PSV-Spurs

2008

1

Thibaut Courtois

9

Genk-Chelsea

2011

5

Roberto

8,6

Benfica-Zaragoza

2011

2

Phí trung bình: 12,78 triệu euro

Điểm trung bình: 3/5


Neuer là thủ thành số một ở cả cấp CLB lẫn cấp ĐTQG và sẽ là không quá khi đánh giá anh là một trong những cái tên hay nhất thế giới trong khung thành. Anh lại chỉ mới 29 tuổi.

David De Gea gặp khó trong khoảng thời gian mới tới Premier League, nhưng giờ anh đã là một trong những đôi găng hay nhất giải. Hugo Lloris cũng đã khẳng định bản thân như một trong những thủ môn hay nhất châu Âu ở tuổi 28 và giá trị của anh đang là cao. Samir Handanovic đã được kỳ vọng nhiều, nhưng anh dường như không đáp ứng được, chủ yếu vì hàng thủ trước mặt chơi rất tồi. Simon Mignolet cũng đã “mất giá” phần nào trong mùa thứ hai bắt cho Liverpool.

Shay Given chơi tốt cho Manchester City trong 18 tháng trước khi mất suất vào tay Joe Hart. Sebastien Frey đã chơi rất hay trong màu áo một đội Genoa rất tồi 2 mùa trước khi bị bán ở tuổi 33 với giá trị giảm 4 triệu euro so với khi mua. Heurelho Gomes ban đầu chơi ổn trong màu áo Tottenham Hotspur, nhưng sau đó dành 2 năm rưỡi trên băng ghế dự bị và ra đi miễn phí.

Thibaut Courtois được Chelsea mua về từ Genk và gửi sang Atletico Madrid ngay lập tức. Ở đó, anh 2 năm liên tiếp giành danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất La Liga. Anh sau đó trở lại Anh và trở thành một trong những thủ môn xuất sắc nhất xứ sở sương mù. Trong khi đó, Roberto đã xuống hạng cùng một tập thể Real Zaragoza yếu kém, nhưng tôi vẫn cho 2 điểm vì cuối cùng thì Zaragoza cũng bán anh đi được với giá trị không lỗ.

Hậu vệ biên

 

Giá CN (triệu euro)

Từ-Đến

Năm

Điểm

Dani Alves

35,5

Sevilla-Barcelona

2008

5

Fabio Coentrao

30

Benfica-Real Madrid

2011

1

Aleksandar Kolarov

27

Lazio-Man City

2010

1

Jose Bosingwa

20,5

Porto-Chelsea

2008

1

Glen Johnson

20

Portsmouth-Liverpool

2009

3

Aly Cissokho

16,2

Porto-Lyon

2009

2

Domenico Criscito

15

Genoa-Zenit

2011

3

Lucas Digne

15

Lille-PSG

2013

2

Jordi Alba

14

Valencia-Barcelona

2012

5

Mauricio Isla

13,9

Udinese-Juventus

2012

1

Giá trung bình: 20,83 triệu euro

Điểm trung bình: 2,5/5


Daniel Alves đã đặt ra một chuẩn mực hoàn hảo về hậu vệ biên trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại kể từ khi chuyển sang Barcelona, giành một tá danh hiệu. Fabio Coentrao thì trở thành chuẩn mực hoàn hảo về sự phung phí khi về Real Madrid chủ yếu để ngồi dự bị và nói chuyện với đồng hương Cristiano Ronaldo.

Aleksandar Kolarov đá chính tổng cộng 40% số trận cho Man City cho đến nay vì phải chia sẻ vị trí với Gael Clichy. Anh ta chơi không tồi, nhưng với cái giá đó thì hẳn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng chúng ta kỳ vọng nhiều hơn. Giữ hẳn vị trí khỏi tay Clichy chẳng hạn.

Jose Bosingwa đã cống hiến tương đối cho Chelsea trong năm đầu tiên, sau đó thì gặp các chấn thương và màn trình diễn đi xuống trước khi ra đi miễn phí vào năm 2012. Glen Johnson có 6 mùa giải tại Anfield, đá chính 67% số lần ra sân, cống hiến tương đối nhiều. Anh kết thúc với việc ra đi miễn phí.

Aly Cissokho đã chơi tốt trong 3 năm nhưng sau đó chỉ ra đi với giá 6 triệu euro. Domenico Criscito đã chơi ở Nga 4 năm, gần như không thể bị thay thế. Lucas Digne mới chỉ 21 tuổi nên có lẽ chưa nên đánh giá quá nhiều, nhưng vẫn cần nhìn ra rằng anh không thể cạnh tranh nổi với Maxwell.

Jordi Alba đã có một khoảng thời gian chấn thương nặng, nhưng khi có mặt thì anh gần như không thể bị thay thế. Ở tuổi 26, anh đã có những dấu ấn lớn trong màu áo cả CLB lẫn ĐTQG.

Mauricio Isla có lẽ là một sự phí phạm của Juventus. Anh đến Queens Park Rangers và góp phần khiến đội bóng này... xuống hạng.

Trung vệ

 

Giá CN (triệu euro)

Từ-Đến

Năm

Điểm

Thiago Silva

42

AC Milan-PSG

2012

4

Marquinhos

31,4

Roma-PSG

2013

2

Joleon Lescott

27,5

Everton-Man City

2009

1

Dimitro Chygrynskiy

25

Shakhtar-Barcelona

2009

1

David Luiz

25

Benfica-Chelsea

2011

4

Bruno Alves

22

Porto-Zenit

2010

2

Phil Jones

19,3

Blackburn-Man Utd

2011

2

Mamadou Sakho

19

PSG-Liverpool

2014

2

Kolo Toure

18,7

Arsenal-Man City

2009

1

Andrea Ranocchia

18,5

Genoa-Inter

2010

1

Phí trung bình: 24,84 triệu euro

Điểm trung bình: 2/5


Thiago Silva đã hốt tất cả những danh hiệu tập thể trên đất Pháp, cũng từng vô địch tại Ý, nhưng anh cũng gặp nhiều chấn thương trong màu áo Paris Saint-Germain. Marquinhos chơi rất tốt và còn rất trẻ, có thể tiến xa, nhưng vẫn chưa phải cần thủ đá chính.

Joleon Lescott cống hiến cho Manchester City 5 mùa, góp công vào 2 danh hiệu, nhưng chỉ có đúng một mùa đá chính hơn 20 lần. Anh ra đi miễn phí. Dimitro Chygrynskiy tốn rất nhiều tiền và thất vọng cũng rất nhiều, nhưng Barcelona cũng “chỉ” lỗ 10 triệu euro. David Luiz thất thường và không thực sự có một vị trí chắc chắn trong suốt 3 mùa rưỡi chơi cho Chelsea, nhưng hãy cộng điểm cho anh ta vì mang về quá nhiều tiền cho CLB.

Bruno Alves không giúp cho Zenit trở thành thế lực châu Âu nhưng anh ta đã góp công không nhỏ trong 2 danh hiệu quốc nội. Phil Jones 23 tuổi nên còn thời gian để phát triển, dù vẫn chưa thực sự khẳng định được vị thế tại CLB.

Mamadou Sakho chưa thể ra sân nhiều cho Liverpool vì các chấn thương liên tiếp, nhưng đã ra sân thì anh chơi rất tốt. Kolo Toure tỏa sáng cho Manchester City trong một mùa, nhưng rồi gặp nhiều chấn thương và đi xuống trước khi rời đội mà không mang lại đồng tiền nào. Andrea Ranocchia chưa bao giờ thể hiện được tiềm năng, cho dù hiện đang là đội trưởng của Inter Milan.

Kết luận

Trung vệ thực sự là một canh bạc khi tỷ lệ thành công với những cái tên giá cao của họ còn không đạt nổi một nửa thang điểm trung bình. Trên thực tế, thường không có nhiều hậu vệ xứng đáng với một số phí chuyển nhượng quá cao nếu xét trên khả năng đóng góp cá nhân. Đôi khi sự sắp xếp và tương trợ trong một hệ thống phòng thủ quan trọng hơn những cá nhân riêng lẻ tắc bóng hay, kèm người giỏi. Danh sách trên đã cho thấy rằng đầu tư nhiều tiền vào một cái tên ở hàng trung vệ là tương đối mạo hiểm.

Tương tự với các hậu vệ biên, trừ cặp đôi của Barcelona, hầu hết đều là những canh bạc thua cuộc. Điều đáng nói là họ hầu như không phải là những người thực sự có khả năng thay đổi toàn bộ cục diện trận đấu như những tiền đạo hay thủ môn, do đặc tính vị trí. Đầu tư quá nhiều tiền vào những cầu thủ này nhìn chung không thực sự hiệu quả.

Thủ môn lại là một vị trí khác. Sự đầu tư cho vị trí này có hiệu quả và khả năng thành công tương đối rõ rệt. Người ta thường nói quá lên rằng thủ môn là 50% sức mạnh của tập thể. Trên thực tế, họ cũng như những tiền đạo, là những người có khả năng thay đổi kết quả của trận đấu. Việc cản phá một cú sút đôi khi khó chẳng kém gì dứt điểm để ghi bàn.

Nhìn nhận dưới góc độ chuyển nhượng, việc vị trí thủ môn thường bị đánh giá không đúng mực cũng khiến cho mức giá của họ ít khi lên cao. Tuy nhiên, khi nhìn vào mức độ thành công của những thủ môn đắt giá, có thể thấy rằng khả năng để một cầu thủ cống hiến tương xứng với số tiền bỏ ra là lớn hơn so với các hậu vệ. Chưa kể rằng, họ cũng dần phát tiết tài năng sớm hơn như những vị trí khác, nhưng cùng lúc vẫn giữ nguyên khả năng cống hiến lâu dài và bền bỉ.

Vu Chân
Biên dịch

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm