27/06/2014 16:21 GMT+7 | World Cup 2018
(lienminhbng.org) - Bên cạnh những cầu thủ không thể tham dự World Cup vì những lý do bất khả kháng như chấn thương, tại World Cup 2014, giới mộ điệu cũng chứng kiến một số ngôi sao buộc phải rời khỏi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh này do những hành vi phi thể thao, đó là Luis Suarez (Uruguay) - bị cấm thi đấu do "cắn đối thủ", hay bộ đôi Sulley Muntari và Kevin-Prince Boateng của Ghana - bị Liên đoàn bóng đá Ghana đuổi về nước do vi phạm kỷ luật đội tuyển.
Những vụ việc như thế này không phải là hiếm có trong lịch sử World Cup. Dưới đây là 5 trường hợp điển hình về các cầu thủ từng phải bỏ cuộc chơi trong nỗi hổ thẹn:
Bê bối doping của Willie Johnston (1978)
Huấn luyện viên (HLV) Ally McLeod của Scotland đã đi ngược lại ý muốn của liên đoàn bóng đá nước này khi lựa chọn Willie Johnston vào đội hình tham dự World Cup 1978. Johnston trước đó đã nổi tiếng với màn uống ké một ngụm bia của khán giả trước khi thực hiện một pha phạt góc.
Cuộc hành trình của cầu thủ này tại World Cup 1978 cũng không kéo dài lâu vì sau thất bại 1-3 mở màn trước Peru, anh bị kiểm tra doping thay cho đồng đội Archie Gemmill không cung cấp được mẫu thử. Rốt cuộc anh đã cho kết quả dương tính với một chất cấm, vốn là một thành phần trong thuốc hạ sốt mà anh đã mua từ dược sĩ. Và thế là Liên đoàn bóng đá Scotland ngay lập tức đã viện cớ này để vời anh về nước sớm. Chiến dịch World Cup của Scotland sau đó thảm bại ngay từ vòng đấu bảng và cầu thủ 32 tuổi này bất đắc dĩ trở thành kẻ "giơ đầu chịu báng". Johnston chỉ trích Ban lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Scotland là “những kẻ nghiệp dư” và anh không bao giờ được chơi cho đội tuyển quốc gia kể từ đó.
Tình án của Larios (1982)
Là một tiền vệ tài năng của bóng đá Pháp, nhưng Jean-Francois Larios lại có sở thích "lăng nhăng" với phụ nữ, và theo nhiều nguồn tin, đây chính là nguyên nhân khiến anh phải sớm cuốn gói khỏi đất Tây Ban Nha ở World Cup 1982.
Trong năm đó, Larios đã để mắt đến vợ của Michel Platini - đồng đội của anh ở cả câu lạc bộ (CLB) St Etienne (Pháp). Thật kỳ lạ là HLV Michel Hidalgo đã gọi cả hai anh chàng đang hằn thù nhau cao độ này vào đội tuyển quốc gia. Trong đội tuyển, Larios nhận rằng mình vai trò rất hạn chế so với "tình yêu của nước Pháp" Michel Platini, và anh chủ yếu dành thời gian bên bể bơi. Rốt cuộc anh tự thấy mình phải thu xếp hành lý để trở về nước. Kể từ đó, người ta không còn thấy anh chơi bóng cho "Les Bleus" lần nào nữa. Theo HLV Hidalgo, vấn đề giữa Larios và Platini là "rất tế nhị và không làm ảnh hưởng đến đội bóng, song Jean-Francois Larios đã làm một việc đúng đắn đó là tự loại anh ấy khỏi đội".
Tượng đài Maradona sụp đổ (1994)
Kỳ World Cup thứ tư, đồng thời là lần cuối cùng, của Diego Maradona được ghi dấu bởi sự kiện "Cậu bé Vàng" bị đuổi về nước trong tủi hổ sau khi không vượt qua bài kiểm tra dopping.
Ở giải năm đó, ông vẫn chứng tỏ mình có thể cất bài tráng ca chiến thắng cuối cùng trên sân khấu bóng đá quốc tế, khi ghi bàn vào lưới Hy Lạp và thi đấu trong trận thắng Nigeria 2-1. Nhưng sau đó ông nhận kết quả dương tính với chất kích thích ephedrine. Bất chất lời giải thích rằng ông đã sử dụng nước uống tăng lực “Rip Fuel” được sản xuất tại Mỹ, Maradona vẫn bị cấm thi đấu. Đó là giải đấu cuối cùng của ông trong màu áo sọc xanh-trắng.
Cái đầu nóng của Keane (2002)
Sự bất đồng của tiền vệ Roy Keane với HLV Mick McCarthy của tuyển Ireland đã lên tới đỉnh điểm khi ngôi sao của Manchester United này thể hiện sự khinh bỉ của mình với ông thầy ở trại huấn luyện của đội ở Saipan (Nhật Bản). McCarthy lúc đó quyết định cho Keane nói lên suy nghĩ của mình trước toàn đội - điều mà rốt cuộc lại khiến cả hai bên đều bẽ mặt. Tràng đả kích với đầy những từ ngữ tục tĩu của Keane dành cho McCarthy khiến anh bị đuổi khỏi World Cup 2002. Tiền vệ Matt Holland, khi đó cộng tác với tờ "The Independent", đã viết: “Người ta nói Roy Keane đã vượt quá giới hạn. Theo tôi anh ấy đã vượt xa đến mức như Bob Beamon đã làm khi ông phá kỷ lục nhảy cao thế giới ở Mexico năm 1968”. Sau này Keane có trở lại chơi cho tuyển quốc gia khi McCarthy đã rời khỏi băng ghế chỉ đạo.
Cơn giận dỗi đáng kinh ngạc của Anelka (2010)
Không vui mừng với quyết định của HLV Raymond Domenech cho mình chơi tự do trên hàng công trong trận mở đầu với Mexico, Nicolas Anelka cũng tái hiện màn hài kịch của Roy Keane. “Tôi chỉ sỉ nhục một người mà phần còn lại của đội Pháp đã sỉ nhục”, Anelka nói với tờ MetroNews hồi đầu năm nay. Domenech thì thừa nhận ông đã bị sốc vì sự thiếu tôn trọng của Anelka hơn là những lời nói của anh. Khi truyền thông loan tin rộng rãi sự vụ này cũng là lúc Anelka lên máy bay rời Nam Phi. Các cầu thủ Pháp còn lại thì tổ chức một cuộc đình công đầy bê bối để ủng hộ tiền đạo “lắm tài nhiều tật” này. Một vài người trong số này cùng Anelka đã bị Liên đoàn bóng đá Pháp trừng trị sau đó. Anelka kết thúc sự nghiệp dưới màu áo tuyển quốc gia với trát phạt cấm thi đấu 18 trận.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất