01/01/2016 06:29 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Bóng đá Việt Nam đã trải qua một năm 2015 mà những thất bại là đáng kể hơn thành công. Ông chủ quán trò chuyện cùng với nhà báo Phạm Tấn.
Tôi không thích những cuộc bầu chọn hay phải lựa chọn ra những việc ấn tượng tốt nhất hay xấu nhất. Nó hiếm khi phản ánh được thực chất của vấn đề. Thành tích của U22 giành vé vào vòng chung kết U23 châu Á chưa phải là thước đo, vì chúng ta mới chỉ đá với ba đội là Nhật Bản, Malaysia và Macau.
Hãy chờ tới vòng chung kết để có một đánh giá xác thực hơn. Hay U23 Việt Nam (U22 có bổ sung nhiều cầu thủ 23 tuổi) giành HCĐ ở SEA Games là bước tiến so với giai đoạn 2009 - 2013 thì nó vẫn còn cách xa đỉnh cao 2008 hay thậm chí cũng thua cái cách chúng ta đứng thứ hai ở SEA Games 2003.
Một nhận định nữa là thành tích ấy tương xứng với chất lượng vừa phải của lứa cầu thủ chúng ta có. Nhưng ai là người phải chịu trách nhiệm cho việc bóng đá Việt Nam không có những cầu thủ giỏi? Các CLB trực tiếp đào tạo cầu thủ, còn Liên đoàn là nơi khuyến khích, thúc đẩy, tạo ra những chuẩn mực chung, sân chơi chung để phát triển bóng đá trẻ. Hiện tại, tất cả các giải trẻ đều đang đá theo thể thức cúp, trong khi thế giới tổ chức league, trung tâm đào tạo bóng đá trẻ có hoạt động chủ yếu là cho các đội phủi với thành phần chủ yếu là dân văn phòng thuê sân đá để giảm cân, xả stress, giao lưu.
Việc U23 Việt Nam giành quyền vào VCK U23 châu Á 2016 chưa phải thước đo đánh giá sự thăng tiến của BĐVN. Ảnh: V.S.I
V-League là một lăng kính phản chiếu khác mà tôi thấy không có sự chuyển biến trong quãng thời gian 10 năm.
Chúng ta hãy so sánh nó với thời điểm VPF ra đời và tổ chức V-League. Mùa 2012 là năm đầu tiên giải tổ chức bởi VPF. Những đánh giá về V-League tới đây cần phải tách bạch, vấn để nào là VPF chịu trách nhiệm, còn lại VFF phải giải quyết cái gì. VPF cải tiến được thu nhập cho các trọng tài, nhưng VFF vẫn nắm trọng tài qua Ban Trọng tài, và chất lượng trọng tài vì thế là do VFF.
VPF điều hành giải nhưng kỷ luật, xử lý tiêu cực là do VFF áp đặt thông qua Ban Kỷ luật. VPF rõ ràng có trách nhiệm lớn khi chất lượng giải không cao (chúng ta tập trung vào một đội như HAGL gần xuống hạng là do các đội khác không hấp dẫn, không có cái mới mẻ, và đua tranh vô địch không kịch tính, sớm ngã ngũ). VFF xử lý kỷ luật lại thiếu nhạy cảm. Nhưng tôi muốn nói rằng nếu xét về cấu trúc của Liên đoàn thì đến nay đã hoàn chỉnh rồi nhưng vận hành và hiệu quả thì kém hẳn so với giai đoạn cách nay 10 năm.
Hãy nhìn vào đội U23 Việt Nam chuẩn bị cho vòng chung kết U23 châu Á. Thông thường, quá trình tập huấn phải giải quyết hai tiêu chí: làm quen khí hậu và có những trận đấu cọ xát với các đội có điểm tương đồng về hình thể, chuyên môn. U23 Việt Nam sẽ đấu với Jordan, UAE và Australia nhưng chúng ta lại phải cọ xát với 2 CLB hạng thấp của Nhật, trong đó phải đá hai lượt với các cầu thủ hạng Tư. U23 giờ đang tập trung điều chỉnh với múi giờ Qatar chênh với chúng ta 4 tiếng và làm quen với thời tiết ở bán cầu nam từ... Bình Dương.
Đó là sự chuẩn bị thô sơ chưa từng có. Lý do là tài chính hạn hẹp. Mà tài chính kém thì đưa các doanh nhân vào Liên đoàn chỉ làm chật chỗ. Lý do thứ hai là quan hệ chuyên môn đối ngoại không tốt. Mà quan hệ đối ngoại kém thì có chân ở nhiều liên đoàn khu vực và châu lục chỉ làm lãng phí thời gian. 10 năm trước chúng ta chuẩn bị cho U23 tham dự SEA Games bằng những chuyến tập huấn châu Âu và các trận giao hữu chất lượng.
Một bộ máy hoàn chỉnh về cấu trúc nhưng lại không hiệu quả thì tức là có vấn đề về nhân sự.
Tôi ngạc nhiên là người ta trả lời một cách hồn nhiên về sự vắng mặt ở Đại hội VFF của Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức là do ông ấy rất bận. Nói như thế hoá ra là các vị khác đi họp toàn là người rảnh rỗi, không có việc gì làm. Ông Đức phụ trách tài chính, tài trợ, một lĩnh vực quan trọng. Nếu đội tuyển chính còn không có tiền tài trợ để hoạt động thì các đội tuyển trẻ sẽ bị bỏ rơi.
Chúng ta thấy ông ấy tích cực nhất ở việc gì thời gian qua ngoài việc tận dụng mọi cơ hội để (khi HAGL vô địch giải giao hữu, khi U23 thất bại ở SEA Games) tấn công HLV Miura để làm sao có nhiều quân của ông ấy lên tuyển? Tôi nghi ngờ là mục tiêu đưa các cầu thủ của họ lên tuyển là để làm hình ảnh, và dễ đưa ra nước ngoài hơn. Tôi ngạc nhiên là VFF lại sử dụng một nhân vật cũ cho Hội đồng HLV quốc gia.
Ông Nguyễn Sỹ Hiển là một người toàn diện trước đây nhưng bóng đá hiện đại cần sự trẻ hoá. 4 thành viên còn lại của Hội đồng trẻ hơn, nhưng Chủ tịch là quan trọng. VFF nói rằng một người kinh qua đầy đủ các vị trí chuyên môn làm chuyên môn sẽ tốt nhưng nhìn vào bộ máy của họ thì không ai có chuyên môn đầy đủ cả. Một tổ chức quản lý và điều hành bóng đá mà không có những người giỏi nhất về chuyên môn là bất cập.
Nhưng ai sẽ làm tốt hơn bộ máy hiện tại khi VFF không hấp dẫn với xã hội?
Những gì VFF bị truyền thông và dư luận đánh giá khiến nhiều người có sự lựa chọn về sự nghiệp không thích về với tổ chức này. Nhưng bất cứ Liên đoàn bóng đá nào, dù là FIFA hay các quốc gia thành viên cũng đều có những sức hút đáng kể. VPF dự kiến có doanh thu 130 tỉ trong năm 2016. VFF có doanh thu năm 2013 là 59 tỉ (chi khoảng 65 tỉ).
VFF có một khối tài sản bất động sản lớn là các toà nhà cũ và hiện tại, hệ thống cơ sở hạ tầng tạo doanh thu như sân tập, bể bơi... Và ảnh hưởng của bóng đá là rất lớn ở nhiều địa phương. Có thể bóng đá bị phê phán, nhưng vẫn là môn thể thao quy tụ những tập đoàn hàng đầu như Viettel, Vingroup, FLC, HAGL, Đồng tâm, Than, T&T, Becamex...
Người ta nói rằng sẽ tổ chức một hội nghị để bàn về tương lai bóng đá Việt Nam nhưng nay vẫn chưa thấy.
VFF nợ mọi người lời giải thích. Nhưng nó cho thấy Liên đoàn không thích cuộc hội thảo này dù ai cũng thấy cần thiết.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất