03/04/2022 19:05 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Được xây dựng từ thời Pháp thuộc, chợ Sắt có thể là một trong những tụ điểm thương mại nổi tiếng nhất Việt Nam, ít nhất cũng trong những năm cuối của thời bao cấp, do hàng hóa phong phú, được cung ứng từ Nhật Bản, vùng lãnh thổ Hong Kong… qua đường cảng biển.
Chợ Sắt khi mới xây dựng trong một bức ảnh của người Pháp với tên tiếng Pháp là Au Grand Marché (chợ Lớn). Tuy nhiên, do chợ được xây dựng bằng sắt thép, với các cột đúc bằng gang khá đẹp và khung mái bằng thép, lợp tôn như trong ảnh nên được người Việt Nam gọi là chợ Sắt.
Theo một số ghi chép, lúc đầu đây là khu chợ dành cho người bán cau, trong ảnh cũng thể hiện có các rổ cau đang được bày bán. Chợ Sắt cũng chỉ trở thành rất nổi tiếng với các mặt hàng áo quần, xa xỉ phẩm và đồ điện máy vào cuối những năm bao cấp, khi ngành vận tải biển bắt đầu phát triển ở Hải Phòng.
Năm 1992, chợ Sắt được xây lại bằng 15 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, nhưng cũng như nhiều ngôi chợ được hiện đại hóa, chợ Sắt dần hoang vắng. Dù vậy, tòa nhà 6 tầng ở mom sông Tam Bạc vẫn vẹn nguyên trong ký ức của người Hải Phòng.
Nhưng vật đổi sao dời, thành phố Hải Phòng đã chấp nhận cho một trung tâm thương mại, khách sạn cao tầng được xây tại đây. Và từ giữa tháng Ba vừa qua, chợ Sắt chỉ còn là tòa nhà hoang đã được quây tôn, để lại sự trống vắng ở một góc thành phố và cả trong lòng người đất cảng. 400 tiểu thương trong chợ được chuyển sang một khu chợ tạm ở quận Kiến An, với lời hứa một chợ Sắt mới cũng sẽ được xây lên.
Nhưng nhiều người Hải Phòng đã quen với chợ Sắt hơn trăm tuổi ở góc sông Lấp và sông Tam Bạc. Không chỉ là một nơi để bán mua, chợ Sắt là một phần hồn vía của thành phố này. Nếu chuyển khỏi nơi này, nhiều người hỏi rằng chợ Sắt liệu có còn là “chợ Sắt” nữa hay không?…
Lưu Quang Phổ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất