18/03/2021 07:31 GMT+7
(lienminhbng.org) - Bắt đầu từ ngày 15/3/2021, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã đồng loạt ra quân xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn và sử dụng ma túy.
Hẳn chúng ta còn nhớ, vào thời điểm dầu năm 2020, khi Nghị định 100/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực, các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã bị xử phạt mạnh tay, nghiêm khắc, tạo ra chuyển biến lớn trong nhận thức và hành vi của các tài xế.
Nhưng rồi do dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội hoặc phải hạn chế tụ tập đông người. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát cũng phải tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh... cho nên việc tuần tra kiểm soát, xử phạt người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, dù vẫn duy trì, nhưng không còn là "chiến dịch" hay "đợt cao điểm" nữa.
Nhưng giờ đây, khi trạng thái "bình thường mới" dần trở lại,nhu cầu giao thông tăng cao, các hoạt động du Xuân, lễ hội càng ngày càng nhộn nhịp thì cũng là lúc các tai nạn giao thông lại liên tiếp xảy ra và nạn lạm dụng rượu bia khi lái xe đang có dấu hiệubùng phát.
Dù hơi khập khiễng, nhưng hãy thử làm một phép so sánh, cho đến nay, số ca tử vong do Covid-19 trên cả nước mới ở con số 35. Trong khi đó, chỉ tính trong 2 tháng năm 2021, toàn quốc xảy ra 2.355 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.230 người, cao hơn nhiều lần so với số người chết vì dịch bệnh Covid-19.
Trong nhiều vụ tai nạn thương tâm, nguyên nhân do sử dụng rượu bia, sử dụng ma túy chiếm tỷ lệ không nhỏ. Trong 7 ngày Tết nguyên đán vừa qua, có hơn 100 người chết vì tai nạn giao thông và cũng có gần 2.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông bị xử lý.
Phải thấy rằng, mặc dù chống dịch Covid-19 vẫn phải coi như chống giặc, nhưng bên cạnh đó, nạn lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông cũng cần phải coi là "giặc" để kiên quyết xử lý và thậm chí phải "trường kỳ kháng chiến". Cuộc chiến này đã đang và sẽ còn phải diễn ra ngay trong điều kiện diễn biến mới, phức tạp của dịch Covid-19.
Bởi thế, dư luận hoan nghênh kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” của lực lượng chức năng.
***
Ngay trong ngày đầu ra quân (15/3), theo thống kê của Cục CSGT, cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 7.300 trường hợp vi phạm quy định về an toàn giao thông, tước 667 giấy phép lái xe, trong đó có hơn 600 tài xế vi phạm quy định về nồng độ cồn, 2 trường hợp dương tính với ma túy. Điều đáng lo ngại là vẫn còn những câu chuyện về người vi phạm có hành vi, thái độ coi thường pháp luật.
Điển hình, tại chốt 141 ở Hà Nội, một người đàn ông phả ra mùi rượu bia nồng nặc, vậy mà vẫn đưa ra lý do “hài hước” là do “…uồng thuốc hoạt huyết, nên chắc trong hơi thở có cồn”. Hay là tại TP.HCM, một người điều khiển xe máy khi bị kiểm tra đo nồng độ cồn, mặc dù đã vi phạm nhưng vẫn kêu toáng lên “tôi nhậu từ 10h, ngủ đến 14h mới dậy đi công chuyện, không lẽ như vậy cũng bị phạt”. Có lẽ nên coi đó là những hành vi cố tình vi phạm, cần phải xử phạt nghiêm khắc, mạnh tay.
Lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông là vấn nạn bắt nguồn từ ý thức của tài xế. Nếu không nâng cao ý thức đó thì hẳn rằng, cũng giống như dịch bệnh, nạn lạm dụng rượu bia sẽ lại lây lan trên các tuyến đường khắp mọi miền đất nước, để lại những hậu quả khôn lường.
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất