Góc nhìn 365: Từ 'Quốc tổ' đến Di sản Thế giới

20/04/2021 06:50 GMT+7

(lienminhbng.org) - Chúng ta đang chuẩn bị đón ngày Giỗ tổ Hùng Vương của năm 2021. Và, cũng đã gần một thập niên trôi qua, kể từ năm 2012 - thời điểm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Chào tuần mới: Mâm cơm trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương

Chào tuần mới: Mâm cơm trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương

Tâm điểm của tuần mới này chính là ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch). Năm nay giỗ Tổ Hùng vương có 2 thời điểm chính là 17/4 và 21/4 (mùng 6 và 10/3 Âm lịch).

Đằng sau sự tôn vinh ấy là một câu chuyện dài về tục thờ cúng Quốc tổ từng tồn tại nhiều thế kỷ ở Việt Nam.

Ở thời điểm bắt đầu, vào cuối thập niên 2000, tỉnh Phú Thọ đã khởi xướng ý tưởng đề nghị UNESCO công nhận lễ hội đền Hùng là Di sản Thế giới.

Ý tưởng ấy đã nhanh chóng nhận được góp ý từ giới chuyên môn: Thay vì bó hẹp trong một địa phương, di sản này cần được tiếp cận ở quy mô rộng, gắn với tín ngưỡng thờ cúng Quốc tổ của cả một dân tộc. Bởi, cách xây dựng hồ sơ theo hướng ấy rất phù hợp với một tiêu chí luôn được UNESCO đề cao: Di sản sinh ra từ cộng đồng, do cộng đồng gìn giữ, bảo vệ và trao truyền qua nhiều thế hệ.

Giỗ tổ Hùng Vương, Giỗ tổ Hùng Vương 10/3, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Lễ hội đền Hùng, Lễ hội đền Hùng là Di sản Thế giới, vua Hùng, ngày giỗ tổ
Đoàn dâng hương khởi hành lên núi Nghĩa Lĩnh. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN

Để rồi, trong bối cảnh UNESCO đang “xiết” lại danh sách đề cử của những quốc gia đã từng nhận danh hiệu Di sản Thế giới, hồ sơ về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được Việt Nam triển khai xây dựng từ năm 2010 để ưu tiên đệ trình, thay cho hồ sơ của Đờn ca tài tử Nam Bộ như dự kiến trước đó.

Như lời các chuyên gia của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đơn vị tham gia lập hồ sơ, lựa chọn này cũng gắn với một áp lực đặc biệt: hồ sơ về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cần được UNESCO công nhận ngay trong lần “ứng thí” đầu tiên. Bởi, bên cạnh câu chuyện về sự ưu tiên để “đi trước”, đó còn là hồ sơ gắn với giá trị linh thiêng của dân tộc và sẽ tạo ra những hệ lụy không nhỏ trong trường hợp thất bại.

***

Thế nhưng, quá trình khảo sát, thu thập tư liệu xây dựng hồ sơ đề cử Tín ngưỡng Hùng Vương lại đem tới cho người trong cuộc những hi vọng đặc biệt vê hồ sơ của Việt Nam.

Thực tế, tục thờ cúng những cá nhân (hoặc triều đại) sáng lập ra quốc gia vốn phổ biến ở các nước Đông Á. Thế nhưng, việc mở rộng quy mô, thu hút toàn bộ cộng đồng tham gia vào nghi lễ này như tại Việt nam lại là điều không dễ gặp.

Để so sánh, tại nhiều nước, việc thờ cúng này thường được chỉ dồn tụ vào một địa điểm, không gian nào đó, đồng thời những nghi thức hành lễ gắn với việc thờ cúng này chủ yếu do giai cấp thống trị thực hành. Điển hình, tại Nhật Bản, tục thờ Thần Vũ Thiên hoàng tại đền Kashiara được cho là đã tồn tại từ hàng chục thế kỷ nhưng chỉ tới thế kỷ XIX, ngôi đền này mới được mở cửa cho người dân vào dâng tế.

Trong khi đó, ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng lại đi theo một con đường ngược lại, khi lan tỏa từ trung tâm của kinh đô Văn Lang tới khắp mọi miền. Và, ngay cả các triều đại phong kiến cũ cũng nhất mực thuận theo sự lan tỏa này: Không chỉ “mở cửa” cho cộng đồng cùng tôn vinh vua Hùng, các vương triều Lê sơ, Lê Trung Hưng và nhà Nguyễn còn rất thoải mái cấp sắc phong cho các đình đền thờ Hùng Vương hay miễn thuế, cấp ruộng đất quanh đó để người dân thu hoa lợi và coi sóc đền.

Để rồi, bên cạnh gần 1.500 ngôi đền thờ Hùng Vương từng tồn tại trên khắp Việt Nam và cả ở nước ngoài trong lịch sử, người ta còn chứng kiến một hiện tượng vô cùng đặc biệt: Ở nhiều địa phương, cộng đồng còn rước bài vị các vua về bàn thờ để phối thờ cùng gia đình, dòng họ. Có nghĩa, “Quốc tổ” Việt Nam luôn có sự gần gũi thường nhật, can dự vào mọi hành vi, hoạt động của mỗi người Việt trên bước đường phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử.

Bởi thế, khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh vào năm 2012, nhiều người đã nhắc lại nhận xét của cố GS sử học Hà Văn Tấn: “Không ở đâu trên trái đất này, có một dân tộc tin rằng có một mộ tổ chung, một ngôi đền tổ chung, để một ngày trong năm, hành hương về tưởng niệm như trường hợp Việt Nam”.

Ngày Giỗ tổ, chúng ta hãy cùng nhìn lại biểu tượng kết tinh cho sự đoàn kết và tinh thần hướng về nguồn cội của dân tộc Việt qua câu chuyện cũ.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm