Góc nhìn 365: 'Đánh thức' Hỏa Lò

02/07/2020 07:08 GMT+7

(lienminhbng.org) - Thông tin từ Ban quản lý Khu di tích nhà tù Hỏa Lò cho biết: từ cuối tháng 7 này, chương trình tham quan, trải nghiệm nhà tù vào buổi tối sẽ được triển khai, với tên gọi Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt.

Độc đáo trải nghiệm nhà tù Hỏa Lò về đêm

Độc đáo trải nghiệm nhà tù Hỏa Lò về đêm

Từ ngày 24.7, Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ triển khai hành trình trải nghiệm về đêm với tên gọi: “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt”.

Có thời lượng 45 phút, tour tham quan này được xây dựng với cái đích đưa người xem trở về ký ức và không gian của nhà tù Hỏa Lò xưa, giữa những câu chuyện quanh sự hy sinh, gian khổ và tinh thần kiên trung bất khuất của bao thế hệ cha anh tại đây. Đặc biệt, chương trình có sự hỗ trợ từ các công nghệ về âm thanh, ánh sáng với mục đích đánh thức mọi cảm xúc, giác quan của du khách.

Và như những gì được chia sẻ sau lần vận hành “giới thiệu” vào tuần qua, chương trình này đã nhận được những đánh giá khá tích cực.

Theo đó, chỉ trong vòng 45 phút, du khách được ngược dòng thời gian để khám phá di tích qua những điểm đến đặc biệt. Và đồng hành cùng lịch trình ấy là những câu chuyện xúc động gắn với từng địa điểm cụ thể. Đó là các hình thức tra tấn xiềng đơn, xiềng kép, ăn cơm nhạt, uống nước lã... tại trại giam nam; là tấm gương hi sinh của bà Nguyễn Thị Quang Thái (vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp) tại trại giam nữ; là chuyện tranh thủ các đợt tắm nắng để tuyên truyền hoạt động cách mạng dưới gốc bàng hay những cuộc vượt ngục kỳ diệu của các chiến sĩ cách mạng tại 2 chiếc cống ngầm trong quá khứ…

Chú thích ảnh
Đài tưởng niệm đêm Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, sự hỗ trợ từ các kỹ thuật nhấn sáng, hắt bóng, hệ thống âm thanh, tiếng động... thay đổi qua từng điểm tham quan cũng là một yếu tố thú vị ngay từ lời khuyến cáo: không đón trẻ em dưới 16 tuổi.

***

Cần nhắc lại, theo thống kê của ngành du lịch, tính chung trong thời gian từ năm 2016 đến 2019, lượng khách đến Nhà tù Hỏa Lò là 1,4 triệu lượt người. Con số ấy, phần nào, vẫn thấp hơn những trường hợp khác, mà điển hình là Văn Miếu - Quốc Tử Giám với trên 6 triệu lượt khách, hay đền Ngọc Sơn với gần 4 triệu lượt khách...

Điều ấy không hẳn đến từ lựa chọn chủ quan của du khách. Như phân tích của các chuyên gia, với đặc trưng là một nhà tù xây từ thời Pháp, và từng được tiếp tục khai thác công năng này trong gần một thế kỷ, Hỏa Lò cần những cách tiếp cận rất riêng để phát huy thế mạnh về du lịch của mình.

Chú thích ảnh
Trại giam nữ tù chính tri trong hành trình trải nghiệm đêm Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: TTXVN

Trong một lần trò chuyện với người viết, PGS Nguyễn Văn Huy – chuyên gia về bảo tàng – từng tỏ ra rất tiếc nuối khi nhắc tới Hỏa Lò. Như lời ông, lịch sử gần 100 năm kể từ khi xây dựng (1896) của Hỏa Lò có quá nhiều câu chuyện gắn kèm. Đó là chuyện của các chiến sĩ cách mạng bị giam tại đây thời Pháp thuộc, với cuộc vượt ngục nổi tiếng (bằng đường cống ngầm) năm 1945, là chuyện của các phi công Mỹ với kỷ niệm về "Hilton Hỏa Lò" trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại…

“Những câu chuyện ấy, nếu biết khai thác, sẽ là mỏ vàng vô giá để du khách tìm đến Hỏa Lò” – ông nói – “"Chưa kể, nhà tù này lại nằm cạnh một loạt kiến trúc Pháp cổ và không gian văn hóa khác như phố sách Hà Nội, Bảo tàng Công an nhân dân hay Thư viện Quốc gia. Nếu biết kết nối, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một quần thể điểm đến đáng chú ý trong lòng Hà Nội”....

Từ câu chuyện cũ, rõ ràng những gì đang diễn ra tại Hỏa Lò là một điểm sáng trong việc khai thác các di tích tại Hà Nội.

Tận dụng các yếu tố về công nghệ hiện đại để thay thế hoặc hỗ trợ cho cách thuyết minh truyền thống, xây dựng hướng tiếp cận di tích một cách đa chiều, khai thác các tour du lịch và tham quan vào những giờ đặc biệt để phát triển “nền kinh tế về đêm” - vốn rất cần thiết cho du lịch – không phải là những gì quá mới trên thế giới. Nhưng với trường hợp của nhà tù Hỏa Lò, đó là tín hiệu vui về sự thay đổi trong tư duy của chính chúng ta.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm