02/06/2020 07:11 GMT+7
(lienminhbng.org) - Nhìn lại một tháng 5 vừa kết thúc, chúng ta không khó để nhận ra: những vấn đề về bảo tàng hiện đang được dư luận đón nhận với tâm lý khá phức tạp.
Điển hình cho câu chuyện này là trường hợp đề án xây dựng bảo tàng nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, vừa được tỉnh Vĩnh Long phê duyệt vào gần cuối tháng 5 và lập tức gây ra những tranh cãi khá gay gắt.
Để rồi, từ một bảo tàng chưa được xây dựng, nhiều người cũng nhắc lại câu chuyện của Bảo tàng Hà Nội – công trình gần như không đón khách trong suốt 10 năm kể từ khi khánh thành và từng được đưa ra chất vấn tại kỳ họp Quốc hội về việc quản lý, sử dụng.
Tất nhiên, tâm điểm của những ý kiến đa chiều ấy vẫn là tính hiệu quả của những bảo tàng này. Và ở đó, người ta cũng không thể tránh khỏi những lập luận theo tư duy “quy ra thóc”.
Đơn cử, khi Bảo tàng Nông nghiệp tại Vĩnh Long được ước tính có kinh phí khoảng 400 tỷ đồng (gồm cả ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa), đã có những so sánh nhắc tới việc địa phương này đang phải gồng mình chống hạn, và cần ưu tiên nguồn lực đầu tư vào những hồ trữ nước ngọt, kênh mương, đê đập... để cuộc sống của người nông dân đỡ vất vả hơn.
So sánh ấy có phần cực đoan, nhưng nó gắn với một thực tế: Trong nhận thức của rất nhiều người, bảo tàng là một thiết chế không quan trọng - thậm chí là lãng phí - trong cuộc sống thường nhật. Nói như PGS Nguyễn Văn Huy, một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này, tâm lý chung của xã hội hiện nay là... sợ bảo tàng: Nếu lãnh đạo các địa phương “sợ” phải bàn chuyện xây loại công trình này, thì người dân lại rất dễ phản ứng khi nghe tới việc xây bảo tàng bằng ngân sách.
***
Thật ra, ngay ở góc độ “quy ra thóc”, không phải bảo tàng nào cũng là gánh nặng về ngân sách như định kiến của nhiều người.
Đơn cử, trong hơn chục năm qua, nhiều bảo tàng tại Việt Nam luôn là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, thậm chí đã được nhắc đến và vinh danh trên nhiều trang web quốc tế nổi tiếng về du lịch. Đó là trường hợp của những Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (tại Hà Nội) hay Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (tại TP.HCM).
Và tất nhiên, nguồn lợi mà những Bảo tàng này mang về cũng không chỉ là tiền bán vé, mà còn là những hiệu ứng về kích thích du lịch, phát triển dịch vụ hay giáo dục lịch sử, văn hóa...
Chỉ có điều, những điểm sáng như vậy chỉ chiếm số ít trong hệ thống hơn 160 bảo tàng trên toàn quốc. Ở những trường hợp còn lại, thẳng thắn, sự thiếu hiệu quả mà dư luận từng nhắc đến là có cơ sở.
Không khó để đi tìm câu trả lời cho sự khác biệt ấy, khi mà tại nhiều cuộc hội thảo, phân tích của các chuyên gia đều cho thấy: Những bảo tàng hút khách gần đây đều gắn với việc đặt con người vào trung tâm của mỗi sự kiện trưng bày, đều có những cách tiếp cận đa tuyến, đa chiều, với những câu chuyện sinh động luôn thay đổi. Xa hơn, đó còn là câu chuyện của nghệ thuật trưng bày, của những nghiên cứu công phu về nhu cầu của khách tham quan hay của những chương trình giáo dục liên kết với cộng đồng và trường học.
Cách làm ấy không xa lạ so với xu hướng phát triển từ rất lâu của các bảo tàng trên thế giới vốn luôn đề cao tiêu chí “3E”: Education (giáo dục) - Enrichment of knowledge (làm giàu tri thức) - Entertainment (giải trí) cho cộng đồng. Thế nhưng, nó vẫn là một khoảng cách không nhỏ so với nhiều bảo tàng, vốn vẫn giữ nguyên cách tiếp cận cứng nhắc, nặng về tuyên truyền và duy ý chí.
Nói cách khác, dù xây mới hay duy trì hoạt động, các bảo tàng hiện tại đang đứng ở ngã ba đường: Hoặc có sự nghiên cứu, tiếp cận phù hợp để trở thành một thiết chế văn hóa theo đúng nghĩa, hoặc tiếp tục đi theo những lối mòn cũ kĩ để ngày càng trở nên xa lạ với người xem.
Chúng ta đừng sợ bảo tàng. Nếu có, hãy sợ một quan niệm đã từng phổ biến, rằng bảo tàng chỉ gắn với mục đích tuyên truyền thuần túy.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất