19/03/2020 23:59 GMT+7
(lienminhbng.org) - Có lẽ, chưa bao giờ, chúng ta được nghe nhiều tới các khái niệm “dạy trực tuyến”, “học trực tuyến” như thời điểm vừa qua. Hai cụm từ ấy xuất hiện thường trực không chỉ trong câu chuyện của các giáo viên, học sinh hoặc các bậc phụ huynh mà còn là khởi điểm của khá nhiều cuộc bàn luận - thậm chí là tranh luận - trong đời sống hàng ngày.
Chẳng có gì lạ: Từ thời điểm hầu hết các trường học trên toàn quốc phải dừng hoạt động vì dịch Covid-19, vấn đề dạy và học trực tuyến đã lập tức được nhắc tới như một giải pháp hữu hiệu để phần nào “lấp đầy” khoảng trống về giáo dục mà các em đang trải qua trong dịp này.
Và thực tế, các thông tin hiện tại cho thấy: Một bộ phận không nhỏ các trường học (ở mọi cấp học) đã áp dụng hình thức dạy trực tuyến, với các mức độ khác nhau tùy đặc điểm của từng nơi. Vắn tắt, cách học ấy gắn với 2 thao tác chủ yếu: thầy cô giảng bài để học sinh theo dõi từ xa; đồng thời các công cụ kết nối phổ biến như email, zalo, mạng xã hội… được sử dụng để hai phía nhận và gửi các bài tập.
Không khó để nhận ra những ưu điểm của cách giảng dạy ấy: Người dạy cũng như người học không cần đến lớp mà hoàn toàn có thể ngồi nhà để tiết kiệm thời gian đi lại; việc tương tác giữa hai phía diễn ra nhanh hơn và phần nào “sâu” hơn - khi giảng viên hoàn toàn có thể trả lời riêng từng comment của học viên chỉ sau vài giây. Đặc biệt, do những ưu thế của công nghệ, người học có thể chủ động về thời gian học, có thể cùng tiếp xúc với nhiều nguồn tài liệu, nhiều bài giảng cho một đề tài hoặc được tận hưởng những tiện ích về âm thanh, hình ảnh, thao tác… so với cách dạy truyền thống.
Thực tế, từ dăm bảy năm trước, hình thức này đã bắt đầu được triển khai và hiện ngày càng phát triển theo sự phổ cập của mạng xã hội cũng như hệ thống Internet. Nhưng, cũng do những đòi hỏi về công nghệ và sự chuẩn bị của cả 2 phía dạy - học, việc dạy học online cũng chỉ giới hạn trong một số đối tượng nhất định.
Bởi vậy, khi học trực tuyến được đẩy mạnh trong thời gian vừa qua, đã có những phân tích nhắc tới khó khăn đặc thù của nó - mà cụ thể là việc mạng Internet, phần mềm và thiết bị dạy trực tuyến, hệ thống máy tính, điện thoại thông minh (để quay phim và chụp ảnh) tại nhiều nơi không thể đạt chuẩn so với yêu cầu.
Đáng nói hơn, các hệ thống giáo dục tại Việt Nam cũng chưa có một quy định chính thức để công nhận hình thức giảng dạy này. Do vậy, về bản chất, giảng dạy trực tuyến vẫn mang tính chất “chữa cháy” để bồi dưỡng kiến thức cho học sinh trong mùa dịch.
***
Người viết không có ý định bàn về tương lai của dạy và học trực tuyến tại Việt Nam. Đơn giản, với những ưu thế đã có, loại hình chắc chắn sẽ phát triển thêm - cho dù chúng ta sẽ phải chuẩn bị rất nhiều nếu muốn phổ cập nó, hoặc thậm chí là công nhận những chứng chỉ có được qua hình thức trực tuyến như các nước phát triển.
Điều đáng bàn hơn: Dù có nhiều ưu điểm, việc học trực tuyến lại đòi hỏi nỗ lực rất nhiều từ phía người học để có thể nắm bắt lượng kiến thức được nạp vào cho mình. Bởi, khác với cách giảng dạy truyền thống, học viên phải hoàn toàn chủ động để bố trí thời gian, tập trung cao độ cho các bài học - chưa kể tới việc mở rộng và bổ trợ kiến thức bằng các nguồn tài liệu đa dạng.
Có nghĩa, đó là câu chuyện về sự tự giác, cũng như kỹ năng tự nghiên cứu được xây dựng theo thời gian của người học - điều luôn đặt ra ở bất cứ hình thức giáo dục nào.
Bởi thế, đại dịch Covid-19 không chỉ là bối cảnh bất đắc dĩ để chúng ta nói về ưu thế của dạy học trực tuyến. Rõ ràng, trong giai đoạn hiện tại, bản thân mỗi học viên mới là yếu tố quyết định để hoặc tranh thủ bồi bổ kiến thức, hoặc nhìn thời gian lãng phí trôi khỏi tay mình.
Học cách tự giác và tự kiểm soát bản thân để tích lũy kiến thức, đó chính là phần giá trị đi kèm với hình thức dạy học trực tuyến đang được áp dụng.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất