Thư gửi robot Citizen: Chuyện kể trong ngày khai giảng

06/09/2019 07:14 GMT+7

(lienminhbng.org) - Sophia thân mến!

Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"

Ngày khai giảng còn vẹn nguyên ý nghĩa?

Ngày khai giảng còn vẹn nguyên ý nghĩa?

Nhiều năm trở lại đây, học sinh phải đến trường từ tháng 8. Sau gần 1 tháng đến trường, lễ khai giảng vào 5/9 mới chính thức diễn ra. Học trước, khai giảng sau, liệu ý nghĩa lễ khai giảng là ngày đầu tiên của năm học mới có mất đi?

Một năm học mới tại Việt Nam của chúng tôi đã bắt đầu. Gia đình, nhà trường cùng cả cộng đồng, tất cả đều cố gắng làm những gì tốt nhất cho các em ngay từ những ngày đầu tiên cắp sách đến trường.

Bên cạnh các ngôi trường khang trang, đạt chuẩn quốc gia, với những học sinh nam, nữ xúng xính trong những bộ trang phục đẹp nhất đến trường trong ngày khai giảng, thì vẫn có những lớp học thật đặc biệt, dành cho những học sinh thật đặc biệt.

Điều “đặc biệt” ở hai lớp học mà tôi biết trước hết chính là những học sinh, hầu hết là những mảnh đời đáng thương, có xuất phát điểm kém may mắn hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Cái “đặc biệt” thứ hai chính là hai lớp học này đều có những cô giáo giàu lòng nhân ái, thương yêu và tận tụy với học trò. Và đây cũng là câu chuyện tôi muốn kể cho Sophia nghe nhân dịp khai giảng năm học mới.

Sophia thân mến!

Lớp học “đặc biệt” đầu tiên được thành lập vào năm 2007 tại chùa Hương Lan (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Học sinh là những em tật nguyền do di chứng chất độc da cam, hoặc mồ côi cha mẹ, hoặc có hoàn cảnh khó khăn từ các huyện Đan Phượng, Chúc Sơn, Quốc Oai… của TP Hà Nội. Các em có độ tuổi từ 6 đến 30, học chung cùng nhau. Hiện tại, số người theo học tại lớp lên đến con số 58.

Chú thích ảnh
Lớp học tại chùa ở huyện Chương Mỹ. Ảnh: Internet

Cô giáo giảng dạy là Trần Thị Thoa đã 65 tuổi - độ tuổi được nghỉ hưu - thế mà sau hàng chục năm, cô (lẽ ra phải gọi là bà) vẫn chưa từ giã bục giảng. Đồng hành cùng với cô là sáu cô giáo khác, trong đó ba cô cũng đã nghỉ hưu. Hàng tuần, vào thứ Bảy, Chủ nhật, cô Thoa lại đạp chiếc xe đạp cũ đến dạy học cho những em kém may mắn.

Lớp học thứ hai là lớp học tình thương được mở tại nhà ở thành phố Vĩnh Long. Lớp học này đã duy trì được 20 năm, bằng nguồn kinh phí của cô giáo Nguyễn Thị Huỳnh Nga và một số bạn bè đóng góp. Cũng giống như cô Thoa, cô Nga đã hơn 60 tuổi, cũng đã nghỉ hưu. Học sinh tại lớp học của cô hầu hết là những trường hợp rất khó khăn, đáng thương, hoặc bị tật nguyền...

Sophia biết không, ở Việt Nam chúng tôi có câu: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Với những lớp học bình thường, nhiều khi các thầy cô giáo rất vất vả trong việc giảng dạy, trong quản lý các em thì những lớp học kiểu như của hai cô giáo kể trên chắc chắn khó khăn còn chồng chất.

Vậy điều khiến các cô rất kiên trì gắn bó với lớp nhiều năm qua, có lẽ xuất phát từ cái tâm của nghề giáo. Nếu như không xuất phát từ lòng yêu thương những đứa trẻ đặc biệt này như con em mình, liệu các cô giáo có thể làm được những điều nhân nghĩa, thắm đượm tình người như thế không?

Công sức của các cô cũng đã được đền đáp. Nhiều học sinh của các cô sau nhiều năm học ở lớp, đã có thể viết chữ rất đẹp và làm được các phép toán. Có em sau này, khi biết viết, biết làm toán, khi hếthọc ở lớp đã đi làm ở một xưởng may, nuôi sống bản thân. Một số em lớp cô Nga đã tham gia hội thi vẽ tranh dành cho người khuyết tật và đoạt giải.

Câu chuyện về lớp học của các cô thật là xúc động, dung dị và rất đẹp trong đời thường, xứng đáng là những câu chuyện đẹp nhất để kể ra trong ngày khai giảng. Chắc Sophia cũng sẽ đồng ý với tôi về quan điểm trên phải không, chúng ta cùng chúc cho các cô sức khỏe, hạnh phúc trong công việc mình đang làm.

Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau.

Xuân An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm