24/08/2021 06:45 GMT+7
(lienminhbng.org) - Tuần qua, Cục Di sản văn hóa đã có văn bản chính thức thống nhất với đề xuất khai quật và bảo tồn khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Theo đó, sau khi khai quật toàn bộ, một nửa diện tích của di chỉ này (khoảng 6000m2) sẽ sớm được lập danh mục, xây dựng hồ sơ xếp hạng để bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định pháp luật về di sản văn hóa và các quy định khác liên quan.
Như thế, sau hơn nửa thế kỷ được phát hiện, kèm theo nhiều lần khai quật lẫn... kêu cứu, di chỉ khảo cổ đặc biệt nhất của Hà Nội cũng đã nhận về sự ứng xử phù hợp với giá trị mang theo.
Nói “đặc biệt nhất”, bởi các kết luận khoa học cho thấy, di chỉ này tồn tại trong giai đoạn từ khoảng 1.800 năm tới 3.500 năm trước, với đầy đủ lớp di tích văn hóa kéo qua các thời kỳ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Như lời các chuyên gia, sự liền mạch này là trường hợp “siêu quý hiếm” đối với một di chỉ khảo cổ.
Chưa kể, việc phát lộ hệ thống hàng chục mộ táng kèm di vật, hài cốt... tại đây cũng cho thấy: Khu Vườn Chuối là nơi cư ngụ lâu dài - và cũng là nơi an nghỉ - của những “công dân đầu tiên” tại Hà Nội trong quá khứ. Bởi thế, kể từ khi được giới khảo cổ phát hiện lần đầu năm 1969, cả chục cuộc khai quật đã được tiến hành tại đây và thu về một lượng di vật khổng lồ.
Nhưng, cũng trong hơn nửa thế kỷ từ thời điểm ấy, di chỉ Vườn Chuối vẫn tồn tại theo kiểu “không danh phận”, khi chưa được xếp hạng di tích ở bất cứ cấp độ nào. Thậm chí, từ năm 2007, không gian này lại nằm trong quỹ đất mà tỉnh Hà Tây (cũ) đã giao cho doanh nghiệp xây dựng khu đô thị. Và, đó là lý do để nhiều nhà khoa học đã phải lên tiếng kêu cứu và kiến nghị tới các cơ quan chức năng vào 3 năm trước, khi dự án xây dựng khu đô thị này bắt đầu được triển khai.
***
Bây giờ, ở thời điểm phương án bảo tồn Vườn Chuối đã được lựa chọn, vẫn có một chút tiếc nuối của giới nghiên cứu, khi chỉ có phần nửa diện tích phía Đông của nó được bảo tồn. Phần còn lại ở khu vực phía Tây sẽ được khai quật, nghiên cứu, thu hồi di vật rồi trả lại mặt bằng để phục vụ xây dựng tuyến đường vành đai 3,5 của Hà Nội và phát triển đô thị.
Thực tế, khi đề xuất phương án này lên các cơ quan chức năng, phía Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã có thêm một phương án thứ 2: Bảo tồn toàn bộ diện tích của khu Vườn Chuối, đồng thời làm cầu cạn trên cao cho đoạn đường 3,5 đi qua khu vực này để giảm thiểu tác động tới di chỉ. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh tổng thể khu vực này vẫn chưa được xếp hạng để có cơ sở pháp lý bảo tồn, những người trong cuộc đều hiểu rằng lựa chọn ấy rất khó xảy ra.
Dù sao, sự thiếu trọn vẹn ấy vẫn có thể được bù đắp, nếu di chỉ Vườn Chuối trong tương lai vẫn phát huy đầy đủ giá trị của mình để trở thành một điểm đến hấp dẫn với hệ thống di tích, di vật tại chỗ, cộng cùng những hiện vật được bổ sung sau khi khai quật khu vực phía Tây. Nói cách khác, đó phải là một di tích thật sự sống động và có sức hút tự thân với cộng đồng, thay cho lạnh lùng và khô cứng mà chúng ta thường hình dung về những di chỉ khảo cổ.
Đó không phải là một bài toán khó, khi mà trong vài năm qua, rất nhiều chuyên gia đã chỉ ra: Gắn với Vườn Chuối là cả một cộng đồng cư dân làng Lai Xá, những người trong nhiều năm qua đã cặm cụi thu gom, sưu tập từng mảnh hiện vật rơi vãi, để rồi vừa căng sức bảo vệ di chỉ này trước nạn đào trộm cổ vật, vừa khắc khoải chờ đợi tới ngày di chỉ này được xếp hạng và công nhận.
Từ đó, di chỉ Vườn Chuối nên được phát triển theo mô hình của một công viên di sản để vừa có thể trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng bản địa, vừa là nơi có thể tự kể những câu chuyện văn hóa, lịch sử đặc sắc cho du khách bằng chính các di vật, di tích đang có.
Nửa thế kỷ chờ đợi của Vườn Chuối chỉ có ý nghĩa, khi nó được bảo tồn và khai thác một cách xứng đáng nhất với những giá trị của mình.
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất