Góc nhìn 365: "Sứ mệnh" của nhà ga

18/07/2024 07:35 GMT+7 | Văn hoá

Một thông tin đáng chú ý giữa tuần qua: Nhà ga đường sắt tại thành phố Đà Lạt vừa được tỉnh Lâm Đồng có quyết định công nhận là điểm du lịch.

Đáng nói, với kiến trúc độc đáo và lịch sử tồn tại gần một thế kỷ (xây dựng từ năm 1932), công trình này từng được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ 2021. Dù vậy, nhiều năm qua, ga cổ này vẫn hoạt động du lịch theo cơ chế của ngành giao thông vận tải, nên gặp những hạn chế nhất định trong việc khai thác tiềm năng sẵn có.

Thực tế, ga Đà Lạt vẫn luôn được xem là một biểu tượng của thành phố du lịch này. Để rồi, dù tuyến đường sắt gắn với nó chỉ còn 7km, nhiều năm qua, một lượng lớn du khách vẫn tới đây để chiêm ngưỡng nhà ga, trải nghiệm các tuyến tàu du lịch chặng ngắn.

Và hiện tại, như những gì được chia sẻ, việc ga Đà Lạt được chính thức công nhận là điểm du lịch không chỉ là một thủ tục mang tính hành chính. Xa hơn, với thay đổi này, Luật Du lịch - cũng như các quy định pháp luật liên quan - sẽ được áp dụng trong quá trình quản lý, khai thác nhà ga. Ở góc độ khác, điều này cũng mở rộng hơn cơ hội để ga thu hút các nguồn lực xã hội hóa, hay kết nối với các đơn vị lữ hành để xây dựng thêm các tour du lịch đường sắt đa dạng.

Góc nhìn 365: "Sứ mệnh" của nhà ga - Ảnh 1.

Ga Đà Lạt và đoàn tàu "Hành trình đêm Đà Lạt". Ảnh: Internet

Và câu chuyện của ga Đà Lạt hẳn khiến nhiều người liên tưởng tới một trường hợp khác - nhà ga Hải Phòng. Công trình này cũng được xây dựng từ cách đây hơn một thế kỷ, với các hạng mục mang đặc trưng của kiến trúc Pháp như hệ thống ô cửa lớn, hàng cột chắc khỏe kèm hoa văn trang trí, đồng hồ hình tròn ở chính giữa, hệ thống lò sưởi cổ đặt tại nhà điều hành.

Thời gian qua, ga Hải Phòng cũng thí điểm vận hành tour du lịch đường sắt chặng ngắn có tên "Chuyến tàu thăm cảng", khi tàu hỏa  từ nhà ga cổ đưa du khách ra thăm quan cụm bến cảng cũ - vốn là cái nôi hình thành nền công nghiệp thương mại của thành phố.

Xa hơn, tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội cuối năm 2023, ga Long Biên cũng là nơi trưng bày ảnh tư liệu cổ, đồng thời là nơi khởi đầu tour du lịch mang tên "Hành trình di sản", đưa khách đi tham quan bằng tàu hỏa đoạn ngắn với các toa tàu được thiết kế riêng, trang trí nghệ thuật và có nghệ sĩ biểu diễn.

Nhìn lại, gần  một thế kỷ qua, dọc theo "mạch máu" đường sắt Bắc Nam, nhiều nhà ga chính yếu đều từng giữ vai trò là hạt nhân phát triển của mỗi đô thị - để rồi theo thời gian đã trở thành những điểm nhấn đặc biệt về kiến trúc, cũng như lịch sử phát triển của những đô thị đó. Ngoài những ví dụ kể trên, đó còn là trường hợp của các nhà ga Huế, Nha Trang, Diêu Trì, Biên Hòa…

Và khi đường sắt Việt Nam đang chờ đợi cuộc lột xác với những tuyến đường mới, thì những nhà ga - nhân chứng ấy vẫn cần được bảo tồn sứ mệnh của mình, nhất là ở các công năng lịch sử, văn hóa và du lịch, thay cho góc nhìn đơn giản về một công trình chỉ có để dừng hoặc đón khách.

Cách tiếp cận, khai thác và bảo tồn các nhà ga cũ sẽ biến chúng thành một công trình văn hóa và cho thấy sự trân trọng của mỗi đô thị với một di sản kiến trúc, đồng thời cũng sẽ giúp người dân đến gần hơn các giá trị vốn dĩ ít được chú ý từ góc nhìn về một nhà ga thông thường.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm