24/06/2021 07:08 GMT+7
(lienminhbng.org) - Tuần trước, Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa chuyển giao bốn cá thể gấu còn lại tại đây cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam chăm sóc. Động thái này gắn với xu thế tất yếu trên thế giới, khi việc sử dụng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc đang dần chấm dứt.
Song, điều ấy cũng có nghĩa, từ nay, khán giả Việt Nam không còn được thấy những tiết mục của các nghệ sĩ gấu trên sân khấu xiếc. Và cuộc chia tay này không khỏi có những lưu luyến, ngậm ngùi từ khán giả cũng như những người trong nghề.
Cụ thể, khi 4 chú gấu được mang đi,“huấn luyện viên” của chúng tại rạp xiếc đã không thể ra chia tay những người bạn diễn thân thiết mà chỉ dám đứng xa để nhìn…
Nghệ sĩ ấy là Nguyễn Đình Trường, vẫn được bạn bè gọi là Trường “Gấu”, bởi quãng thời gian hơn 25 năm diễn cùng những chú “Misa”.
Trường kể, anh đã huấn luyện được ba “đời” gấu. Mỗi sinh vật này có “đời diễn” khoảng 9-10 năm và được Trường nhận về nuôi từ lúc 5-6 tháng tuổi. Chăm như chăm con nhỏ, tự tay nuôi nấng từ lúc bú bình sữa đến khi cứng cáp, việc thuần hóa những con thú có bản năng hung dữ ấy không chỉ là câu chuyện về chuyên môn mà còn cần tới sự yêu thương, gắn bó và coi gấu như con.
Giơ 2 cánh tay chi chít sẹo – dấu tích từ không ít lần bị chúng cào cấu khi cáu kỉnh, giận dỗi, Trường ngậm ngùi kể về tình yêu, sự gắn bó, tin tưởng và nghe lời của những chú gấu với mình. Anh bảo mình đã chuẩn bị tinh thần từ khi Liên đoàn Xiếc có lộ trình chuyển dần động vật hoang dã đang biểu diễn sang cho Hiệp hội bảo vệ động vật chăm sóc, nhưng bản thân vẫn rất sốc và buồn khi phải chia tay bạn diễn.
Như lời NSND Tạ Duy Ánh, GĐ Liên đoàn Xiếc Việt Nam, bốn chú gấu là những động vật thuộc nhóm hoang dã cuối cùng được Liên đoàn chuyển lên Trại cứu trợ động vật ở Tam Đảo để trả về với thiên nhiên. Trước đó, các nghệ sĩ đã phải chia tay với những chú voi, gấu khác theo kế hoạch cam kết của Liên đoàn.
“Việc đó rất khó với các nghệ sĩ, diễn viên khi cả cuộc đời nghệ thuật họ gắn bó với những con thú đó. Họ có tình cảm riêng với chúng. Nhưng chúng tôi động viên các bạn nghệ sĩ diễn viên và họ chấp nhận được câu chuyện này”, ông Ánh kể.
***
Nhìn lại quá khứ, xiếc gấu là một trong những “đặc sản” xiếc thú của Liên đoàn Xiếc Việt Nam từ những thời kỳ đầu tiên. Gấu đi xe đạp, xe máy, gấu nhảy xa, gấu kéo cờ, lắc vòng, trồng cây chuối, đi thăng bằng… là những tiết mục hấp dẫn khán giả nhí nhiều thế hệ. Sự điêu luyện, thuần thục của những chú gấu cho thấy sự huấn luyện tài tình của huấn luyện viên cũng như sự phi thường của các nghề xiếc!
Nhưng, nói vậy không có nghĩa là cần bàn lại về sự hợp lý trong việc ngành xiếc dần chấm dứt sử dụng động vật hoang dã bây giờ. Nói như NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn, anh em trong nghề đã đầu tư rất nhiều để “khỏa lấp những thiếu vắng trên sân khấu, khi chúng ta phải chấp hành xu thế của thế giới, cũng như xây dựng hình ảnh về một đơn vị nghệ thuật luôn tôn trọng những cam kết quốc tế”.
Thực tế, trước xu thế từ bỏ sử dụng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc trên thế giới, trong vài năm gần đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam dần chuyển đổi xu hướng thay thế xiếc động vật hoang dã bằng các loài vật gần gũi với đời sống con người với những tiết mục không kém phần thú vị như xiếc trâu, xiếc lợn, xiếc dê, xiếc chó mèo, xiếc vẹt…
Những tiết mục ấy ít nhiều trong thời gian qua đã cho thấy sự độc đáo riêng của mình. Nhưng để thành một con đường phát triển dài hơi, đó không chỉ là sự nỗ lực của người làm nghề mà còn phụ thuộc vào những chia sẻ, thông cảm từ khán giả - khi nhiều người trong số họ đã quen với việc thưởng thức những tiết mục xiếc động vật hoang dã trong quá khứ.
Tạm biệt xiếc gấu, với những tiết mục đã trở thành một phần trong ký ức thời nhỏ của rất nhiều người.
Ngân Lượng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất