24/11/2021 09:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Tại phiên họp sáng ngày 23/11/2021, tại Paris, hai danh nhân Việt Nam là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh.
Việc vinh danh hai danh nhân văn hóa của Việt Nam là Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương được Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 thông qua trong danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022-2023” để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất. Hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được thông qua cùng với 58 hồ sơ khác.
Trước đây, UNESCO đã từng thông qua nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các Danh nhân Việt Nam như kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990), 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi (1980), 250 năm ngày sinh Nguyễn Du (2015) và 650 năm ngày mất của Nhà giáo Chu Văn An (2019).
Nguyễn Đình Chiểu tục gọi là cụ Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh ngày 1/7/1822 tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho. Thân sinh của Nguyễn Đình Chiểu là Nguyễn Đình Huy tự Dương Minh Phủ quê ở Thừa Thiên vào Gia Định khoảng năm 1822.
Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, Nguyễn Đình Chiểu có vị trí danh dự, là một nhà văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Triết lý văn hóa của Nguyễn Đình Chiểu là triết lý nhân sinh. Tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu dường như đã vượt qua tư tưởng Tống Nho chính thống. Tư tưởng Nho giáo của Nguyễn Đình Chiểu đang trên quá trình Việt hóa - bình dân hóa một cách sâu sắc. Triết lý ấy thể hiện trong bài Than đạo:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
Các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu để đời có truyện thơ Nôm: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp. Các tác phẩm thơ lẻ, văn tế: Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn điếu Trương Định, Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong…
Theo nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng, một người đã dành cả cuộc đời sưu tầm về Nguyễn Đình Chiểu, “nhiều học giả, dịch giả Pháp và các nước đều nhận định Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa có tầm vóc nhân loại”.
Theo PGS.TS.Đoàn Lê Giang: “Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Pháp, bắt đầu từ bản của G.Aubaret (1864), sau đó có bản dịch của Abel des Michels (1883), E.Bajot (1886), Nghiêm Liễn (1927), Dương Quảng Hàm (1944), Lê Trọng Bổng (1997)… có ít nhất 6 bản tiếng Pháp. Năm 1985, Lục Vân Tiên còn được dịch ra tiếng Nhật với bản dịch của Giáo sư Takeuchi Yonosuke. Năm 2016, Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Anh với bản dịch của ÉricRosencrantz. Với 3 thứ tiếng và 8 bản dịch, Lục Vân Tiên là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra ngoại ngữ nhiều thứ ba sau Truyện Kiều (21 thứ tiếng, hơn 70 bản dịch) và Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh (khoảng 16 thứ tiếng, 20 bản dịch)…”.
Nếu như truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, một sáng tác đầu đời khi vừa gặp trắc trở của số phận, nêu chuyện đạo lý con người, sống nhân nghĩa: Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu trau mình; thì truyện thơ Nôm Dương Từ - Hà Mậu lại khuyến cáo con người nên tìm về chính đạo, biết yêu cái chính, ghét cái tà, con người phải biết tu thân. Truyện thơ Nôm Ngư Tiều y thuật vấn đáp, một quyển sách dạy nghề làm thuốc chữa bệnh, sáng tác những năm cuối đời vẫn đậm đà tư tưởng ấy của Nguyễn Đình Chiểu; đạo đức của người thầy thuốc, tư tưởng yêu nước và nội dung y thuật đan cài với nhau.
Có thể thấy tư tưởng của nhà văn hóa Nguyễn Đình Chiểu ở các khía cạnh: đạo nghĩa, làm việc nghĩa, tu thân (vỏ là Nho giáo mà lõi là phong cách sống của người Việt Nam Bộ: thấy việc nghĩa không làm là đồ bỏ). Nguyễn Đình Chiểu là một mẫu hình nhân cách văn hóa. Từ chối của Nguyễn Đình Chiểu trước đề nghị của viên Tham biện tỉnh Bến Tre, Michel Ponchon năm 1883, không nhận tiền bạc, quà tặng, không nhận lại ruộng vườn của ông ở Gia Định mà người Pháp chiếm đoạt qua câu nói khảng khái trước Michel Ponchon “Đất vua không ai trả thì đất riêng của tôi có sá gì”, là bằng chứng xác thực nhất về phẩm chất không màng danh lợi của một nhân cách lớn. Ở phương diện công dân, biến cố đau thương của đất nước khi bị xâm lược, khiến Nguyễn Đình Chiểu càng thể hiện rõ phẩm chất của một nhà văn hóa lớn. Cả cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu sống theo triết lý này. Hành động trong cuộc sống thường ngày của Nguyễn Đình Chiểu là công việc của một thầy giáo.
Có hai nhân vật khá nổi tiếng là học trò của người thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu, đó là Nguyễn Thị Khuê (tức Sương Nguyệt Anh) (1864-1921) - nhà thơ, nữ chủ bút (Tổng biên tập) đầu tiên của báo chí Việt Nam và Nguyễn Đình Chiêm (1869-1935) - làm nghề đông y, ngoài sáng tác, dịch thơ, ông còn là tác giả tuồng… Cả hai học trò Nguyễn Thị Khuê và Nguyễn Đình Chiêm của thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu đều là những nhân vật có đóng góp sâu sắc cho sự đổi mới của văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Cùng với việc mở trường dạy học, Nguyễn Đình Chiểu còn bốc thuốc chữa bệnh. Từ năm 28 tuổi đến khi qua đời năm 67 tuổi, gần 40 năm Nguyễn Đình Chiểu là thầy thuốc chữa bệnh cứu người. Với một thầy thuốc bình thường, điều ấy đã là một đóng góp, nhưng với một thầy thuốc mù lòa như Nguyễn Đình Chiểu, càng đáng ghi nhận.
Tác phẩm Ngư Tiều y thuật vấn đáp (Ngư Tiều vấn đáp nho y diễn ca) của ông gồm 3.642 câu thơ, trong đó phần lớn là thơ lục bát, có xen 21 bài thơ và một số bài thơ ca, phú… trích từ các sách thuốc đông y Trung Quốc. Đây là một tác phẩm viết dưới hình thức thơ để dạy nghề làm thuốc chữa bệnh, nhằm chấn hưng y học cổ truyền, xây dựng một nghề y chân chính.
Trong số 500 tác phẩm y học cổ truyền Việt Nam bằng Hán Nôm, Ngư Tiều y thuật vấn đáp của Nguyễn Đình Chiểu có một vị thế xứng đáng. Y đức mà Nguyễn Đình Chiểu chủ trương trong tác phẩm này và thực hiện trong cuộc đời làm thầy thuốc chữa bệnh cứu người:
Xưa rằng: Thầy thuốc học thông
Thể theo trời đất một lòng hiếu sinh
Giúp người chẳng vụ tiếng danh
Chẳng màng của lợi, chẳng ganh ghét tài
Có thể thấy, từ triết lý văn hóa thể hiện trong sáng tác văn chương đến hành động trong cuộc đời dạy học, làm thầy thuốc, ở Nguyễn Đình Chiểu luôn có sự nhất quán.
Năm 2013, Giáo sư Trịnh Văn Thảo (Cộng hòa Pháp) đã khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu đã sống xứng đáng với nước với dân, xứng đáng là một trí thức dấn thân, một bậc thức giả yêu nước thương dân dùng ngòi bút đấu tranh không mệt mỏi. Ông là một tấm gương sáng ngời cho trí thức mọi thời đại, vì đâu phải trí thức nào cũng dám dùng ngòi bút của mình để chở đạo trừ gian”.
Phương Phương/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất