09/12/2021 07:23 GMT+7
(lienminhbng.org) - Hà Nội sẽ hạn chế xe máy tại các quận sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch. Đó là nghiên cứu đang được lãnh đạo thành phố thực hiện và vừa công bố trong một cuộc họp gần đây.
Cụ thể, nếu nghiên cứu được chính thức áp dụng, chỉ hơn 3 năm nữa, xe máy tại Hà Nội sẽ không hoạt động trong khu vực từ vành đai 3 trở vào (và từ đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5 trở vào với phạm vi Bắc sông Hồng). Rồi, 5 năm sau, phạm vi này sẽ tiếp tục được mở rộng hơn.
Không mới, nhưng câu chuyện hạn chế xe máy lập tức lại được cộng đồng mang ra bàn cãi, như mỗi lần nó được nhắc đến suốt chục năm qua.
Trong suốt quãng thời gian ấy, ý tưởng hạn chế xe máy cũng đã dần có sự thay đổi từ cách nhìn nhận của dư luận. Nếu ở thời điểm mới xuất hiện, một “cơn mưa gạch đá” có thể trút lên đầu những người đưa ra ý tưởng này, thì càng theo thời gian, lượng người tán thành - thậm chí là cổ vũ cho nó lại càng tăng cao.
Có nhiều lý do giải thích cho sự thay đổi ấy. Trong đó, không thể bỏ qua một thực tế: Đô thị càng phát triển, chúng ta càng thấm thía những hệ lụy mà xe máy mang lại - khi loại phương tiện này là thủ phạm chính gây nên cảnh ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở những khu vực quá tải về hạ tầng.
Xe máy ngừng hoạt động, để nhường chỗ cho phương thức vẫn được gọi vui là BMW ở những nước phát triển (xe Bus + Metro + Walk - đi bộ), đó rõ ràng là một tương lai hấp dẫn và văn minh hơn rất nhiều, nếu hàng ngày bạn mãi phải nhìn cảnh một biển xe máy kẹt cứng vào lúc tan tầm ở rất nhiều phố phường Hà Nội.
Và, khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vừa đi vào hoạt động, tính ưu việt mà loại hình giao thông công cộng ấy vừa giới thiệu dường như lại khiến “giấc mơ” của những người muốn từ bỏ xe máy thêm gần.
“Cấm xe máy - nói nhiều rồi, làm thật đi”. “Đau đớn cũng phải làm”. Chỉ cần vào mạng internet trong vài ngày vừa rồi, chúng ta không khó để đọc những lời khẳng định hào hứng và đầy quyết tâm như thế.
***
Vậy, tại sao ý tưởng hạn chế xe máy lại gây ra những tranh cãi dữ dội trong vài năm qua?
Đơn giản, câu trả lời nằm ở đặc thù hoạt động của nó. Lên xe và phóng tới bất cứ nơi nào, riêng sự cơ động tuyệt vời ấy đã giúp xe máy chắc chắn “thắng tuyệt đối” ô tô, chứ chưa nói tới các phương tiện giao thông công cộng. Để rồi, khi đã phát triển quá mạnh ở Hà Nội trong hơn 3 thập niên qua, cũng không hẳn ai cũng hào hứng với việc bỏ xe máy - thứ không chỉ để đi mà còn gắn với việc mưu sinh của rất nhiều gia đình.
Để rồi, câu chuyện bỏ xe máy và phát triển giao thông công cộng cứ mãi dùng dằng theo kiểu con gà - quả trứng trong những chuyện tranh luận mấy năm qua: Còn hoạt động, xe máy còn khiến các phương tiện giao thông khác khó lòng vận hành hiệu quả (và có khách) vì phải “nhường đường” cho nó. Và ngược lại, mỗi khi chuyện hạn chế xe máy được nhắc tới, người ta sẽ lại nói về sự chưa hoàn thiện của hệ thống giao thông công cộng này.
Trở lại đề xuất hạn chế xe máy vào năm 2025 tại Hà Nội. Quả thật, khu vực dự kiến áp dụng đề xuất này là khá lớn (chiếm gần hết 9/12 quận nội thành), trong bối cảnh việc “phủ sóng” giao thông công cộng tại đây vẫn còn nhiều điểm cần hoàn thiện. Như thế, sẽ là hợp lý, nếu nhắc tới đề xuất của nhiều chuyên gia: trước mắt, nên áp dụng việc hạn chế xe ở một số quận trung tâm, đặc biệt là khu phố cổ và khu phố Pháp - những khu vực giao thông hình bàn cờ, sở hữu mạng lưới giao thông công cộng rất phát triển và luôn được khuyến khích phát triển giao thông “không khói”.
Bởi, việc hạn chế xe máy là “thuốc thử” cho quy hoạch giao thông, và cho cả sự thay đổi thói quen dịch chuyển của cộng đồng. Thay cho những dùng dằng mãi kéo dài, nó cần được tạo điều kiện để sớm xuất hiện và chứng minh hiệu quả của mình, dù chỉ ở một khu vực nhỏ.
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất