23/01/2016 06:35 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - “Cống hiến cho Tổ quốc là một điều hạnh phúc đối với Phượng.
Và cảm ơn tất cả mọi người đã quan tâm cho Phượng.
Và chắc chắn sẽ có người thông báo cho bố mẹ Phượng ở quê là "con vẫn ổn bố mẹ hãy tự hào về con, đừng lo lắng bất cứ việc gì hết, cho dù con có chết cho Tổ quốc thì con vẫn nguyện".
Con yêu bố mẹ.
Tổ quốc là tất cả đối với con!”.
Trên đây là đoạn trích những chia sẻ của Công Phượng trên trang cá nhân. Anh viết trong bối cảnh vừa mổ thành công chấn thương, đang nằm trên giường bệnh, cùng 2 người ở lại chăm sóc. Nên nhớ, cùng lúc đó, toàn bộ đội tuyển U23 Việt Nam đã về đoàn tụ gia đình.
Có lẽ, nhiều người đã cảm động và thương cảm cho Công Phượng, phải đón ngày sinh nhật lần thứ 21 trên giường bệnh cách xa gia đình cả ngàn dặm.
Trong một status chỉ dài 133 từ nhưng ngoài bố, mẹ, người hâm mộ, bác sỹ, 4 lần Công Phượng nhắc về Tổ quốc với những tình cảm thiêng liêng, chân thật.
Biểu đạt những hành động, cảm xúc dung dị, chân thật về tình yêu Tổ quốc, luôn có sức lay động. “Hãy bắt đầu bằng những ký ức đẹp đẽ nhất mà bạn đã sống trên đất nước này, gìn giữ nó bằng cảm giác đơn sơ nhất”, ông Obama từng nói với công dân như vậy về tình yêu nước Mỹ.
Mấy hôm nay, có những băn khoăn tại sao Công Phượng lại nói rằng “hy sinh” trong khi mình chỉ là một cầu thủ đá bóng, chơi một trận đấu thủ tục, và cũng chỉ là một chấn thương đến sau một pha va chạm. Liệu có to tát, cường điệu hoá quá không?
Thật khó trả lời khi chúng ta không chạy trên sân 90 phút có lẻ. Thật chủ quan khi chúng ta không chứng kiến các cầu thủ cả ngàn phút tập luyện để chơi những trận đấu mà dư luận đã nói rằng nếu không thắng cũng phải chơi tốt, và trước đó họ đặt tay lên ngực hát quốc ca.
Trong những giây phút xúc động khi đã vượt qua được nỗi đau của cơ thể, một chút “thậm xưng” có lẽ cũng là thường tình. Của một người tuổi 20!
***
Không cần phải nói, thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, là nơi tình yêu Tổ quốc được thể hiện rất rõ. Bao nhiêu lần người hâm mộ Việt Nam xuống đường. Những hàng người nối dài từ tinh mơ trong mưa rét để mua vé vào sân Mỹ Đình cổ vũ cho đội tuyển. Trong nhiều lần tác nghiệp cùng thể thao Việt Nam ở nước ngoài, người viết không ít lần chứng kiến cả phóng viên lẫn VĐV đều bật khóc khi hát Quốc ca. Rồi tình cảm đậm sâu của những người con xa xứ khi có các đội tuyển thi đấu. Tình yêu đó vượt lên trên tình yêu thể thao và bóng đá thuần túy.
Ông Miura chắc cũng yêu Việt Nam. Yêu nhưng hiểu Việt Nam, hiểu cầu thủ lại là chuyện khác. Hình ảnh HLV Calisto giương cao lá Quốc kỳ Việt Nam trong đêm đăng quang AFF Cup 2008, cùng những khơi gợi tình yêu Tổ quốc với học trò trước những trận đấu, rồi gần chục năm lăn lộn cùng bóng đá đất nước hình chữ S, đấy mới là tình- yêu -Việt Nam.
Các cầu thủ chúng ta cùng những người có trách nhiệm với nền bóng đá chắc chắn cũng yêu Tổ quốc. Yêu, nhưng thể hiện bằng những hành động có sức lay động, cũng lại là chuyện khác.
Khán giả không phải ngốc nghếch đến mức đòi hỏi các ĐTQG phải luôn mang về những chiếc cúp vô địch, mới là thể hiện tình yêu Tổ quốc.
Điều đơn giản, nếu cầu thủ ra sân với sự thành tâm, biết làm sao để bảo vệ danh dự màu cờ sắc áo, đấy cũng là tình yêu Tổ quốc. Những nghi án tiêu cực trong quá khứ, rất nhiều cầu thủ từng nhúng chàm ở cấp ĐTQG lẫn CLB, nghĩ lại thực sự đau lòng.
* * *
Trở lại với những chia sẻ của Công Phượng. Nếu để ý, nhiều cầu thủ HAGL, đã thể hiện sự ứng xử lẫn trình độ văn hóa khá cao so với mặt bằng. Điều đó nói lên một điều: có dạy có khác! Nếu cầu thủ được CLB chú trọng đào tạo nền tảng văn hóa lẫn chuyên môn tốt hơn, công tác giáo dục tư tưởng diễn ra thường xuyên, dứt khoát bóng đá Việt Nam sẽ có những thế hệ cầu thủ “vừa hồng, vừa chuyên”, mới có cơ hội để tiến ra biển lớn.
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất