Trò chuyện đầu Xuân với Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Hướng đi mới cho văn học thiếu nhi

27/02/2021 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - “Những tín hiệu về văn học thiếu nhi trong năm 2020, tôi cho đó là sự khởi đầu. Chúng ta đã đặt ra những vấn đề về giải thưởng, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp thúc đẩy phát triển văn học thiếu nhi”.

Trò chuyện đầu Xuân với Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Mọi hoàn cảnh đều tạo ra cơ hội cho sự sáng tạo

Trò chuyện đầu Xuân với Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Mọi hoàn cảnh đều tạo ra cơ hội cho sự sáng tạo

Theo thông lệ gần đây, cứ vào Rằm tháng Giêng hàng năm là Ngày thơ Việt Nam được tổ chức ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám và ở nhiều tỉnh thành. Năm quavà năm nay, mặc dù hoạt động này không thể diễn ra vì đại dịch Covid- 19, nhưng vào dịp này,chúng ta cũng không nên bỏ qua việc nhìn lại văn học nước nhà.

Đó là nhận định của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong câu chuyện đầu năm với Thể thao và Văn hóa (TTXVN):

Thành lập Quỹ Văn học Thiếu nhi

* Ông đánh giá như thế nào về thực trạng văn học thiếu nhi trong năm 2020?

- Như tôi đã từng nói, chúng ta in rất nhiều văn học thiếu nhi, nhưng đa số là dịch từ sách nước ngoài. Tôi không phủ nhận giá trị, song để văn học thiếu nhi thực sự đạt được hiệu quả truyền tải, khi và chỉ khi chúng viết về cuộc sống, con người và văn hóa của quốc gia đó. Một anh Robert, một nàng Sukala hay một cây sồi, cây phong... không phải là những gì đang hiện hữu tại Việt Nam.

Về nguyên nhân, có thể các chất liệu hiện thực, đời sống đương đại sẽ khiến nhiều nhà văn có cảm hứng viết hơn. Còn riêng văn học thiếu nhi, nó lại thuộc một miền khác, trong sáng, tĩnh lặng và đầy trí tưởng tượng. Thành quả về văn học thiếu nhi năm 2020 là chưa đáng nói, nhưng vấn đề ý thức về tầm quan trọng, tính định hướng đã được đặt lại và trở thành mục tiêu hàng đầu cho những năm tiếp theo.

Nhìn chung, để có được các tác phẩm như Dế mèn phiêu lưu ký, các truyện của Nguyễn Nhật Ánh thì chúng ta chưa làm được.

* Như ông đã từng chia sẻ, trong năm 2021, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ thúc đẩy các hoạt động dành riêng cho văn học thiếu nhi một cách rộng hơn và sâu hơn. Vậy rộng hơn, sâu hơn ở đây cụ thể như thế nào?

- Chúng tôi sẽ kêu gọi, tìm cách để thành lập Quỹ Văn học Thiếu nhi. Quỹ này sẽ sử dụng ngân sách để tổ chức, đào tạo và bồi dưỡng các cây bút viết về thiếu nhi. Trước kia hầu như không có trại văn học thiếu nhi và đó là việc phải làm trong hiện tại.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều trao giải Dế Mèn cho tác giả Nguyễn Chí Ngoan

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường quan tâm đến những người trẻ, một thế hệ viết cho thiếu nhi đáng mong đợi. Tôi lấy ví dụ về giải Dế Mèn, các bạn trao cho những cây bút nhỏ tuổi, rất có tiềm năng. Ngoài ra, việc trợ giúp in ấn, hỗ trợ kinh phí xuất bản sách thiếu nhi Việt Nam cũng rất đáng coi trọng. Ban Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam sẽ hoạt động hết mình, phát hiện, đào tạo kịp thời, đúng đắn.

Năm 2021, chúng tôi sẽ tổ chức một hội thảo chuyên môn sâu về văn học thiếu nhi. Ở đó sẽ đặt những vấn đề, hiện trạng văn học thiếu nhi buộc chúng ta phải nhìn thẳng và nhìn thật.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Chuyện của anh em nhà Mem và Kya" của Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: NXB Trẻ

* Năm 2020, ông trở thành thành viên Hội đồng giám khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn - một giải thưởng văn học, nghệ thuật của thiếu nhi, vì thiếu nhi do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) khởi xướng. Đặc biệt hơn nữa, tác phẩm "Chuyện của anh em nhà Mem và Kya" của ông được chọn trao giải thưởng cao nhất - Hiệp sĩ Dế Mèn - nhưng ông đã từ chối (vì lý do là thành viên giám khảo). Đó là một hành động rất đẹp. Trước mùa giải thứ 2 sắp tới, ông nhìn nhận Giải Dế Mèn có vai trò gì đối với hoạt động sáng tác cho thiếu nhi trong bối cảnh hiện nay?

- Thật tuyệt vời khi năm 2020, giải thưởng Dế Mèn của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) dành cho thiếu nhi, vì thiếu nhi đã xuất hiện và đặt những viên gạch đầu tiên cho văn học thiếu nhi thời đại mới. Giải thưởng không chỉ tìm ra những tác phẩm hay, chất lượng mà còn đặt ra một vấn đề lớn đó là “Văn học thiếu nhi đang là mảnh đất bị lãng quên và chúng ta cần đánh thức lại nó”.

Trên cương vị ban giám khảo đồng thời cũng là một tác giả được đề cử, tôi thấy hạnh phúc và may mắn khi câu chuyện của mình chạm vào được trái tim độc giả. Có rất nhiều tác phẩm đặc sắc, rất nhiều cây bút tài năng và ít hay nhiều, họ đã có ý thức rằng viết cho thiếu nhi là điều rất cấp thiết.

Đẩy mạnh quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới

* Ông có thể chia sẻ những dự định của Hội Nhà văn Việt Nam trong năm 2021? Đặc biệt từ một thế hệ lãnh đạo mới và trẻ?

- Chúng tôi vẫn tiếp tục kế thừa những thành quả, thực hiện các mục tiêu mà Hội Nhà văn Việt Nam các nhiệm kỳ trước đã đặt ra. Các vấn đề như nâng cao chất lượng sáng tác, kết nạp hội viên, giải thưởng, quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới chúng tôi sẽ làm cụ thể hơn nữa.

Chú thích ảnh
"Truyện Kiều" - một trong những tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất. Ảnh: Bản dịch Truyện Kiều bằng tiếng Đức

Tôi nghĩ rằng, văn học Việt Nam luôn cần sự năng động, phát triển để tiệm cận với nền văn học đồ sộ của thế giới. Để làm được điều này, thay vì chờ đợi một tác phẩm có tầm vóc, chúng ta hãy chủ động làm mới mình, kéo các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng đến với Việt Nam thông qua những buổi trao đổi, tọa đàm chuyên sâu... Từ đó mở rộng quan hệ và thúc đẩy các hoạt động giao lưu giữa văn học giữa Việt Nam và thế giới, thu hẹp khoảng cách giữa văn học Việt Nam và nền văn học thế giới. Trong hoạt động Hội, cũng cần được chú trọng làm sao để chọn được những gương mặt thực sự có tài, chọn được những giải thưởng tốt nhất, thúc đẩy văn học thiếu nhi mạnh mẽ hơn.

Hội Nhà văn Việt Nam sẽ đề xuất với Chính phủ về dự án dịch văn học Việt Nam trong rất nhiều thế kỷ, những tác phẩm đỉnh cao từ cổ điển, đương đại cho tới hiện đại. Tôi cũng lên ý tưởng về giải thưởng Nhà văn trẻ và muốn biến giải thưởng này thành một ngày hội ý nghĩa cho những cây bút trẻ. 

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Người thổi sáo 5" - tranh sơn dầu trên toan - vừa được trưng bày trong triển lãm cá nhân của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

* Vậy còn những dự định cá nhân của ông trong năm 2021?

- Ngày 7/1 vừa qua, tôi đã tổ chức triển lãm cá nhân lần đầu tiên với gần 60 bức tranh. Tôi cũng sẽ in một tập chân dung viết về những nhân vật nước ngoài mà tôi đã từng có cơ hội gặp, tập sách có tên gọi Thế gian và những mặt người. Từ những người ăn xin trên đường phố New York cho đến một người da đen vô danh hay cuộc trò chuyện với Vua và Hoàng hậu Na Uy. Bên cạnh đó, một tập thơ dịch của Hàn Quốc sẽ được xuất bản.

Và tất nhiên, đó là cuốn sách thứ 2 dành cho 2 đứa cháu tôi Mem và Kya, động lực cũng là nguồn cảm hứng trong trẻo nhất của tôi trong những tháng năm rộng dài sắp tới.

* Xin cảm ơn ông!

Giải thưởng văn chương và sự quảng bá

* Mặc dù được xem là một năm thành công của các giải thưởng văn học, song trên thực tế, các tác phẩm đạt giải thưởng trong năm qua vẫn chưa được đông đảo công chúng biết đến. Liệu rằng vấn đề có phải xuất phát từ hoạt động quảng bá chưa được sự quan tâm từ phía BTC, thưa nhà văn Nguyễn Quang Thiều?

- Sự quảng bá do BTC thực hiện chưa thực sự rầm rộ. Trong tương lai, có thể có những thay đổi trong cách thức quảng bá của BTC đối với giải thưởng, đối với các tác giải được trao giải, ít nhất là sử dụng các cơ quan truyền thông của Hội như Báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm hay các trang web và làm kỹ hơn để độc giả hiểu được giá trị của những tác phẩm.

Cũng cần phải nói đến vấn đề BTC giải thưởng chưa tận dụng được triệt để những mối quan hệ thuận lợi với các cơ quan báo chí, truyền thông. Tại sao không nghĩ đến một cuộc họp báo riêng để cho các tác giả đoạt giải, những người chấm giải có thể nói về những tác phẩm và cơ quan truyền thông sẽ giúp lan tỏa với quy mô rộng lớn.

Ngoài ra, vấn đề cũng nằm ở bạn đọc một phần. Bạn đọc lâu nay cũng thờ ơ, không quan trọng, không lưu tâm đến với những cuốn sách mang tính chất nghề nghiệp, văn chương, nghệ thuật.

Tinh thần thơ ca vẫn lan tỏa trong Ngày thơ truyền thống

"Theo thông lệ, cứ vào ngày Rằm tháng Giêng là Ngày thơ Việt Nam được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và trên tất cả các tỉnh thành. Nhưng năm 2020 và 2021, Ngày thơ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám phải hoãn vì Covid-19.

Năm nay, có những ý kiến nên tổ chức trực tuyến Ngày thơ Việt Nam. Các liên hoan thơ của các nước khác cũng đã lần lượt tổ chức liên hoan thơ trực tuyến, sớm nhất là từ năm 2020. Một số nhà thơ Việt Nam đã và sẽ tham gia liên hoan thơ quốc tế trực tuyến.

Riêng Hội Nhà văn năm nay cũng không tổ chức Ngày thơ trực tuyến. Chúng tôi muốn chuẩn bị kỹ hơn cho một cách tổ chức mới mẻ hơn và đa dạng hơn vào năm tới.

Nhưng tôi biết có một số nhóm các nhà thơ sẽ tổ chức sinh hoạt thơ trong Ngày thơ truyền thống. Riêng cá nhân tôi chỉ xin đề nghị các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có dùng Facebook, Zalo…hãy làm một điều gì đó trong Ngày thơ Việt Nam như bàn về thơ, bình thơ, đăng thơ, đăng clip đọc thơ hoặc livestream hoạt động thơ của cá nhân mình hoặc nhóm của mình. Về phần mình, tôi sẽ đọc một số bài thơ và sẽ đưa lên Facebook.

Hy vọng Ngày thơ cho dù không thực hiện được nhưng tinh thần thơ ca vẫn lan tỏa trong đời sống thường nhật của con người" (Chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Thiều).

Công Bắc - Hiền Lương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm