18/08/2021 19:15 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nhân vật của Phạm Khải hiển hiện trong vẻ đẹp của một công dân tích cực tham gia dựng nước và giữ nước chứ không chỉ là một triệu phú hằng sản hằng tâm.
Bài ký chân dung Nhà tài trợ đặc biệt của Cách mạng ngắn gọn 271 âm tiết - bài tập đọc của Phạm Khải ở sách Tiếng Việt 5 (tập 2) lấy từ bài ký cùng tên dài 3.120 âm tiết của ông đăng trên An ninh thế giới ngày 21/3/2002 được dạy trong chủ điểm Người công dân.
Khéo liên hệ các con số để tạo biểu cảm
Cả chủ điểm kéo dài trong 3 tuần. Những "công dân" xuất hiện cùng “nhà tài trợ đặc biệt” Đỗ Đình Thiện trong chủ điểm này là: Trần Thủ Độ có công lập nên nhà Trần; là sứ thần Giang Văn Minh chết vì nước, được vua Lê Thần Tông vinh danh “chết như sống”; là Nguyễn Trung Trực khảng khái nơi đoạn đầu đài: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết ngươi Nam đánh Tây”...
Các nhà biên soạn giáo khoa xếp Đỗ Đình Thiện vào danh sách những công dân mẫu mực nhất! Sự mẫu mực mỗi người một vẻ.
Theo sát từ khóa “nhà tài trợ” đặt trong tiêu đề, tác giả Phạm Khải, gắn việc tài trợ của nhân vật với từng bước đường tạo dựng nước Việt Nam mới - “trước cách mạng”, “khi cách mạng thành công”, “trong thời kỳ kháng chiến”, “sau hòa bình”, cùng các số liệu chính xác theo yêu cầu của thể ký.
Quá trình dựng nước cũng là quá trình trưởng thành của nhân vật chính. Tác giả khéo liên hệ các con số để xuất hiện 2 cụm từ biểu cảm: “xúc động”, “sửng sốt” của người "giữ tay hòm chìa khóa" của Đảng, khi đưa ra chi tiết, số tiền ủng hộ của cá nhân nhà tư sản Đỗ Đình Thiện đã biến ngân quỹ của Đảng năm 1943 đang từ 24 đồng thành 30.024 đồng!
Bài tập đọc Nhà tài trợ đặc biệt của Cách mạng có dòng tôn vinh: “Trong suốt cuộc đời mình, nhà tư sản Đỗ Đình Thiện đã hết lòng ủng hộ Cách mạng mà không hề đòi hỏi sự đền đáp nào”. Đỗ Đình Thiện không chỉ là nhà tư sản “ủng hộ” cách mạng, ông thực sự tham gia cách mạng với nhiều trọng trách, là người đào hào đắp chiến lũy cùng các anh bộ đội sao vuông giữ Hà Nội 36 phố phường, cũng là thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến ngoại giao đầu tiên của Chủ tịch sang Pháp. Công dân Đỗ Đình Thiện được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý, tên ông thành tên một đường phố ở Thủ đô Hà Nội. Những điều vừa nói, không có trong bài tập đọc nhưng thầy cô giáo và cha mẹ học sinh nên biết, để có cách dạy hay bài này.
Bằng các câu chuyện kể thêm, bằng phim tư liệu về Đỗ Đình Thiện, bằng việc tổ chức tham quan tìm hiểu di tích lịch sử gắn liền với nhân vật lịch sử này nếu có thể, để học sinh được nhìn thấy tiệm buôn tơ Cát Lợi ở 54 Hàng Gai, Hà Nội, của nhà tư sản Đỗ Đình Thiện, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cơm chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, nhìn thấy đồn điền Chi Nê xưa của nhà tư sản Đỗ Đình Thiện, nơi đặt nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhìn thấy bản viết tay Nhật ký làm việc của Hồ Chủ Tịch 4 tháng ở Pháp của trí thức Đỗ Đình Thiện hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia… thì nhân vật lịch sử Đỗ Đình Thiện hiển hiện trong vẻ đẹp của một công dân tích cực tham gia dựng nước và giữ nước chứ không chỉ là một triệu phú hằng sản hằng tâm.
Nhịp bước cùng thầy cô giáo và học sinh
Nhà văn Phạm Khải không chỉ có trang sách giáo khoa như chúng ta vừa phân tích, ông còn sách Bình thơ cho học sinh tiểu học được NXB Giáo dục tái bản nhiều lần với mục đích “bồi dưỡng và nâng cao năng lực cảm thụ văn học cho học sinh”. Trong sách này ông “điểm huyệt” những bài thơ được dạy từ lớp 1 tới lớp 5, mở những đường hầm vào các tầng nghĩa xa hơn, sâu hơn những gì sách hướng dẫn giảng dạy dành cho đại đa số học sinh, giúp học sinh giỏi làm quen với những khác thường trong sáng tạo văn học.
Bình bài thơ Trăng sáng sân nhà em của Trần Đăng Khoa với học sinh lớp 1 khi các em chưa được học thế nào là điệp từ, Phạm Khải có cách giúp các em tưởng tượng ra giá trị tu từ của chữ “quên” trong đoạn thơ: “Hàng cây cau lặng đứng/ Hàng cây chuối đứng im/ Con chim quên không kêu/ Con sâu quên không kêu/ Chỉ có trăng sáng tỏ/ Soi rõ sân nhà em…”.
Theo ông: “Con chim con sâu quên không kêu có nghĩa là chúng mải mê chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên (mà ở đây chủ yếu là của ánh trăng) đến độ quên bẵng cả việc cất lên tiếng kêu biểu lộ sự khoan khoái”. Ông còn khéo nói về kết cấu một tác phẩm khi dạy các em: “Hãy đọc bài thơ từ đầu mà xem, nó như một bài hát xoay vòng đấy chứ, đọc đến câu cuối có thể lộn lại câu đầu, rồi cứ thế đọc tiếp”.
Học trò lớp 1 đã biết cao trào tuyến thơ, biết tăng cấp nghệ thuật là gì đâu, vậy mà Phạm Khải vẫn nói được những chuyện ấy khi cùng các em bình bài Ai dậy sớm: Bác Võ Quảng “hướng dẫn các bạn tập thể dục”. “Nếu khổ thơ đầu là nhịp một - hai - ba - bốn, thì khổ hai đã là hai - hai - ba - bốn và cứ thế đến khổ ba nhịp thơ gấp hơn và yêu cầu cũng cao hơn. Nếu khổ một đòi hỏi của tác giả là “bước ra nhà”, khổ hai “đi ra đồng” thì đến khổ ba tác giả đã nâng thành “chạy lên đồi”… Kể cũng thú vị khi một bài thơ kết hợp được cả sự khêu gợi của ý thơ, của hình ảnh thơ lẫn độ cuốn hút của nhịp điệu thơ để khi đọc lên ta thấy có một cái gì chạy suốt bên trong, bừng bừng sảng khoái”.
Với mục địch dạy kỹ năng viết văn, truyền cảm hứng sáng tác, Phạm Khải mạnh dạn đưa vào sách Bình thơ cho học sinh tiểu học những bài thơ hay còn nằm ngoài chương trình, như là cách giới thiệu, như đề cử với người làm giáo khoa những bài thơ ấy. Bài Cánh cửa nhớ bà của Đoàn Thị Lam Luyến, bài Quạt và chong chóng của Đặng Hấn, bài Đón Tết của Trần Quốc Toàn… Không biết có phải từ giới thiệu của Phạm Khải, mà sách giáo khoa Tiếng Việt mới của lớp 2 bắt đầu dùng từ năm học 2021 - 2022, có tới 2 bộ sách cùng chọn Cánh cửa nhớ bà. Chúng tôi sẽ nói về kỷ lục “2 bộ sách cùng chọn” này trong một kỳ khác của chuyên mục này.
Một người viết chân dung văn học yêu nghề, giỏi nghề
Nhà văn Phạm Khải cũng đã đứng tuổi, (ông sinh 1968) vững sự nghiệp và yên ấm gia đình (con gái Phạm Nhật Linh của ông từ năm ngoái tới nay đã ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 gần một tỉ đồng tiền mặt và hơn 6 tỷ tiền sản phẩm) vậy mà ông cứ đều bước đeo đuổi những người nổi tiếng để còn được vẽ chân dung, chẳng khác gì một thợ truyền thần dạo. Mà vẽ đẹp. Vậy thì người ấy phải yêu nghề, giỏi nghề. Tôi có xem một chân dung Tô Hoài mà Phạm Khải xuống bút từ mấy chục năm trước, vẫn nhớ như in, nhớ từng nét:
“Lần đầu tiên bước chân lên căn phòng làm việc của nhà văn Tô Hoài (tầng 2 ngôi nhà 21 Đoàn Nhữ Hài) tôi hết sức ngạc nhiên về cách xếp đặt, bày biện và về sự sơ sài của đồ đạc trong phòng. […] Nhưng điều mà tôi đặc biệt chú ý là trên mặt sàn (gỗ ghép) ấy có một miếng sắt tròn hình dạng giống đồng tiền, to chừng miệng bát và dày phải đến một đốt ngón tay, cầm lên thấy nặng trịch. “Sàn gỗ nhà tôi có chỗ chuột đục lỗ chui lên. Tôi thấy cái ấy nặng, tôi lấy để chặn chuột ấy mà”. “Nhưng thưa bác, cái miếng sắt này là cái gì thế?”. Tô Hoài cho hay đó là tấm huy chương mà một tổ chức văn học quốc tế trao tặng cho ông cách đây 20 năm”!
Chỉ một chi tiết ấy mà hiện ra bao tính cách. Thực tế và thực dụng, khinh thế ngạo vật, ngông, hồn nhiên và… thương chuột chỉ cản ngăn, không tận diệt!
Gần đây trong sách tập hợp 25 chân dung văn học - Người về từ chân trời cũ (NXB Văn học, 2014), "họa sĩ chữ” Phạm Khải lại họa tiếp chân dung Tô Hoài, nối dài mấy nét chuột đã ký họa ngày nào, ông chép lời nhà văn dế mèn:
“Với ai chẳng biết chứ với riêng tôi, tôi rất có “cảm tình” với loài chuột. Vì chuột đã nuôi tôi. Truyện O chuột là truyện mở đầu cho loạt truyện viết về loài vật của tôi. Nhà văn Vũ Ngọc Phan hào hứng viết lời tựa cho nó và tiền nhuật bút ông trả đã giúp tôi được bao nhiêu việc. Cho tới tận bây giờ cuốn sách vẫn tiếp tục được tái bản” (Nhà văn Tô Hoài và những sự lạ).
Phạm Khải rất hoạt bút khi vẽ chân dung văn học. Nghiêm cẩn như chép sử trong bài Nhà tài trợ đặc biệt của Cách mạng để bài có không khí sử thi. Ngòi bút ấy có khi tung tẩy, viết chân dung mà như làm giai thoại, vui là chính, vẽ hoạt như hí họa như bài Trần Đăng Khoa và nỗi oan giai thoại.
Có khi viết ký chân dung rất thật mà thành một truyện ngắn hay, nửa thực nửa hư (Nhạc sĩ Thái Cơ - những nghịch lý sáng tạo) lại có khi viết ký chân dung một nhà thơ, tác giả Phạm Khải, như cùng làm thơ với nhân vật của mình… Phạm Khải đã vững sự nghiệp, yên ấm gia đình, và hằng ngày vẫn: “Tập như trái đất/ Lặng thầm mà quay/ Tập như trăng sáng/ Lặng im mà đầy” (thơ Phạm Khải) để mình và người thân cùng vững hơn, yên ấm hơn.
Vài nét về nhà văn Phạm Khải Nhà văn Phạm Khải sinh năm 1968 tại Hà Nội, tên thật là Phạm Quang Khải. Ông có các bút danh Hà Khải Hưng, Phạm Thành Chung, Phạm Nhật Linh, Tường Duy. Ông là tác giả của 23 tác phẩm gồm thơ, bình thơ, chân dung văn học, phê bình văn học. Phạm Khải vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1996. Ông hiện là Tổng biên tập báo Công an nhân dân. |
(Còn tiếp)
Mai Vân Canh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất