'Yesterday once more', ngày hôm qua không trở lại

29/01/2015 18:00 GMT+7 | Âm nhạc

(lienminhbng.org) - Ngày 2/3/2015 tới đây, nếu còn sống thì nữ ca sĩ Karen Carpenter (nhóm nhạc Carpenters), sẽ tròn 65 tuổi. Mặc dầu ra đi sớm ở tuổi 33 vì bệnh biếng ăn, Karen vẫn là một biểu tượng của Pop.

Tờ People cho rằng dù âm nhạc cũng mang tính thời trang, xu hướng nhưng Carpenters mãi mãi đứng ngoài mọi cơn sóng trào lưu, họ bất tử. Để tưởng nhớ Karen, sẽ có một loạt sự kiện mang âm nhạc của Carpenters trở về trong năm 2015.

Yesterday Once More là một trong những bài hát nổi tiếng nhất của Carpenters, được chọn để làm tựa cho nhiều chương trình tưởng nhớ nhóm nhạc này. Mới nhất là một vở nhạc kịch vừa được công diễn tại Anh với tên gọi Yesterday Once More (The Music Of The Carpenters).

Ngày hôm qua đâu rồi?

Yesterday Once More là một câu chuyện hoài niệm, nó ra đời là để kéo những tất bật thường ngày quay về với những kỷ niệm êm đẹp cũ. “Lúc còn nhỏ tôi vẫn thường mở radio, chờ nghe những ca khúc mà mình yêu thích. Khi họ hát thì tôi cũng hát theo, điều đó khiến tôi rất vui. Khoảng thời gian hạnh phúc ấy chưa lâu lắm đâu nhưng rồi chúng biến đâu mất cả?”.

Karen Carpenter hát cho mình mà như thể hát cho nhiều người. Giọng hát trầm buồn ấy như thể thổi vào một thứ cảm xúc mà khi nghe lần đầu đã cảm giác rất thân quen. Herb Alpert, nghệ sĩ trumpet huyền thoại, cũng người đồng sáng lập Hãng đĩa A&M - nơi phát hành các album của Capenters, nhớ lại: “Khi vừa nghe demo Yesterday Once More thì tôi như rơi xuống một cõi nào đấy rất mơ hồ. Tôi muốn thoát ra mà không được. Tiếng hát của Karen cất lên như thể cô ấy đang ngồi trước mặt tôi vậy, và dù bạn có cố gắng muốn khẳng định rằng tôi chỉ sống cho hôm nay thì câu chuyện của cô ấy vẫn khiến bạn phải suy nghĩ lại”.


Đĩa single Yesterday Once More của nhóm Carpenters phát hành năm 1973

Yesterday Once More được nhiều nhà phê bình nhận xét rằng được ra đời là để đáp ứng với những cơn sốt hoài cổ thời đầu thập niên 1970. Giá trị hoài cổ ấy đến từ thói quen của việc nghe radio và khi pop, rock thịnh hành với đĩa nhựa cùng phương tiện nghe tiên tiến cùng với những sàn nhảy được mở rộng khắp thì phân khúc thính giả bị chia nhỏ đi và ít nhiều tạo nên sự tiếc nuối. Chính những câu hát của Karen đã nhận được sự chia sẻ của rất nhiều khán giả và hầu như ai cũng thích được trở lại như ngày hôm qua “Nhưng một hôm chúng đã trở lại giống như những người bạn thân lâu ngày thất lạc. Những bài hát mà tôi từng yêu thích, từng câu hát Shalala, Wo-o-wo-o vẫn sáng rực, từng nốt sing-aling-aling nghe vẫn tuyệt hảo. Khi người ta hát tới cái đoạn mà nam nhân vật chính làm tan nát trái tim nữ nhân vật chính, tôi lại bật khóc. Như ngày hôm qua”. Nhà văn Tom Nolan nói với tờ Rolling Stone rằng giọng hát buồn bã của Karen đã miêu tả tuyệt vời cái cảm giác của sự khao khát những ngày tươi đẹp cũ, vì thế mà nó vừa ấm áp mà cũng khiến nỗi buồn phải động đậy.

Bất hủ

Người đứng đằng sau thành công của Yesterday Once More chính là Richard Carpenter (anh trai Karen) và John Bettis (người viết riêng và chung với Richard 38 bài cho Capenters). Cả hai viết ca khúc này khi mà nhóm Capenters đang ở “trên đỉnh thế giới”, như tựa một bài hát nổi tiếng khác của nhóm.

Yesterday Once More được sáng tác năm 1973. Thời điểm ấy John Bettis nhận được một cuộc gọi của Richard gợi ý ông thử nghĩ ý tưởng về một bài hát mang đầy tính hoài niệm. Lúc ấy Richard Carpenter đã làm xong mặt A cho album Now & Then nhưng mặt B thì tắc tị. Vào năm 1973 những đĩa nhạc phim như Grease, American Graffiti… vừa phát hành và thắng đậm vì đánh trúng tâm lý hoài cổ của công chúng khi nhớ về rock ’n’ roll. “Chúng ta cần phải có một bài đinh cho album này”, Richard nói với Bettis. Cũng cần nói thêm, album Now & Then là một sự trở về tuyệt vời của Carpenters, rất nhiều bài trong đĩa này đã thành hit như Sing, This Masquerade, Jambalaya… Tất cả đều mang phong vị hoài cổ, buồn man mác. Đặc biệt trong đĩa này còn có bài hòa tấu Heather cũng rất nổi tiếng và sau này nó từng là nhạc hiệu của chương trình Giai điệu 4 phương trên sóng FM Đài TP.HCM, 2 thập niên trước.

Nhưng với Richard Carpenter lúc ấy, cần phải có một bài khác biệt hơn. Nhận yêu cầu từ Richard, John Bettis mày mò và nghĩ ra được 70 cái tựa đề và viết kín 5 trang giấy. Ông đưa cho Richard xem trước và sau đó sẽ thảo luận. “3 ngày sau, tôi đến nhà và nhìn thấy Richard khoanh đỏ lại cái tên Yesterday Once More. Sau đó chúng tôi mất thêm 2, 3 ngày sáng tác nhạc và lời. Thật ra có nhiều đoạn chúng tôi chưa làm xong và loay hoay không biết có nên bắt chước kiểu Buddy Holly ngày xưa? Khi đang rối trí thì Karen Carpenter về nhà. Cô ấy muốn hát thử nhưng bài chưa xong. Tuy vậy cô ấy vẫn hát. Khi giọng Karen cất lên thì chúng tôi thừ hết người ra. Đẹp quá. Hát đi hát lại mấy lần, Karen mới nói rằng: “Tôi nghĩ thế là được, không cần thêm đoạn nào cho rắc rối nữa”. Vậy là bài hát hoàn thành”, nhạc sĩ John Bettis nhớ lại.

Nguyên thủy của Yesterday Once More dài… 18 phút. Bởi khi đoạn cuối bài vừa dứt thì sẽ có một chùm liên khúc 8 bài nối theo ngay, không có khoảng dừng. Cả 8 bài nối tiếp này đều là những bài hát nổi tiếng ngày xưa, rất thịnh hành trên radio, được Richard phối lại cho Karen cover để làm đậm tính hoài niệm. Và vì thế, một mình Yesterday Once More chiếm trọn mặt B của album Now & Then. Sau này, khi phát hành dưới dạng CD thì Yesterday Once More được “tách” ra thành một bài độc lập, 8 bài kia được ghi chú thành liên khúc.

Ngày 16/5/1973, Yesterday Once More được phát hành dưới dạng single và nhanh chóng trở thành bài hit mới nhất của Carpenters. Bài hát đứng hạng 2 tại Top 100 Billboard và đứng hạng nhất tại bảng xếp hạng Nhạc êm dịu, dễ nghe. Tại Nhật, Yesterday Once More trở thành một trong những đĩa đơn bán chạy nhất mọi thời. Tại nhiều quốc gia khác, bài hát này đứng quán quân và đạt rất nhiều đĩa Bạch kim.

Richard Carpenter nói rằng đây là bài hát tâm đắc nhất trong số tất cả các bài hát mà ông từng sáng tác. Yesterday Once More trở thành ca khúc được nghe nhiều nhất và cũng được cover nhiều nhất. Tại Việt Nam nó được biết đến qua giọng hát của Ngọc Lan với tựa đề Ngày xưa yêu dấu.

Nhiều người cho rằng Yesterday Once More là tổng hòa đẹp nhất của giọng hát Karen Carpenters. Ngày 3/2/1983, 10 năm sau, trong một đêm diễn tại Las Vegas, ca sĩ Dionne Warwick, bạn thân của Karen, đã hát bài hát này tại Las Vesgas với lời tâm sự rằng ngày hôm qua sẽ trở lại một lần nữa. Nhưng thật đáng buồn, ngày hôm sau, 4/2, Karen đã qua đời.

Ngày hôm qua không thể trở lại nữa, nhưng kể từ khi qua đời, Karen càng lúc càng được công nhận là một trong những ca sĩ nhạc pop tài năng nhất mọi thời.

Giờ là lúc để chúng ta cùng trở về ngày hôm qua để thấy rằng những bài hát như Yesterday Once More không bao giờ lỗi mốt - Bart Herbison, Giám đốc Hiệp hội Sáng tác Nashville, Mỹ.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm