So sánh Serena với đàn ông là bất nhẫn

17/07/2015 05:36 GMT+7 | Thế giới Sao

(lienminhbng.org) - Chuyện Serena Williams thường bị nhiều kẻ ác ý gọi là “khỉ đột”, “vượn” đã không còn mới. Một số còn cho rằng cơ thể cô chẳng khác gì đàn ông.

Dù ở dưới hình thức nào, thì những sự so sánh kiểu này cũng thật bất nhẫn.

Bất công cho Serena

Làn da nâu đen của Serena, xương gò má của cô, những cơ bắp cuồn cuộn trên cơ thể có thể chỉ ra một sự thật hiển nhiên: Người phụ nữ này tận hiến cuộc đời của mình cho thể thao, hy sinh vì nó và bằng chứng là những chiếc cúp, kỷ lục mà cô đã gặt hái được. Thế nhưng thay vì đánh giá vẻ ngoài của Serena theo khía cạnh đó, không ít người xấu miệng lại gán ghép nó vào một câu chuyện mang tính phân biệt giới tính.

Năm 2014, một quan chức quần vợt cấp cao của Nga đã gọi Serena và chị gái Venus của cô là “anh em nhà Williams”. Năm 2012, chính người bạn thân nhất bây giờ của Serena, Caroline Wozniacki đã nhạo báng cơ thể cô bằng cách nhái lại hình ảnh Serena khi làm căng phồng phần ngực và mông của mình. Còn năm 2009, một nhà báo thể thao có tiếng còn viết một bài xã luận chê bai thể hình của Serena và khẳng định rằng cô không đủ hấp dẫn một người đàn ông như anh.

Tại Wimbledon mới đây, những câu chuyện kiểu thế cũng lại tái diễn.

Những lời lăng mạ vô tội vạ, đặc biệt nhằm vào Serena và chị gái cô chẳng khác gì hành động phân biệt chủng tộc, nhất là nó đề cập tới những khía cạnh về sự nữ tính của phụ nữ da đen. Thực ra, Serena không phải nữ vận động viên đầu tiên phải chịu đựng cách cư xử này. Vấn nạn này là khá phổ biến đối với nữ giới trong thể thao, đặc biệt là nếu họ thành công với những chức vô địch, khán giả sẽ đưa ra những nhận xét về sự nữ tính của họ khác biệt với phần còn lại.  

Khi Dominika Cibulkova để thua Sam Stosur hồi năm 2012, chính cô đã liên tục nhận xét rằng Stosur thi đấu “như một người đàn ông”. Amelie Mauresmo, cựu số 1 thế giới thì cũng từng nhận hàng tràng soi mói về giới tính và thể hình của cô (thực chất, Mauresmo là một phụ nữ đồng tính). Còn Martina Navratilova, một trong những tay vợt nữ xuất sắc nhất mọi thời đại cũng từng bị đánh giá là nhiều chất nam tính khi bà còn cầm vợt.

Không có gì sai khi là một phụ nữ mạnh mẽ

Trong bất kỳ môn thể thao nào, từ bóng đá, bóng chày, quần vợt, nếu một vận động viên nữ tỏ ra vượt trội so với phần còn lại, điều đầu tiên người ta nhắc đến sẽ là thể hình của cô ấy là nguyên nhân chính tạo ra thành công.

Trước khi trận chung kết Wimbledon 2015 diễn ra, tờ New York Times đã đăng một bài báo gây nhiều tranh cãi khi thảo luận về đề tài cơ thể của các tay vợt nữ. Họ cũng hỏi ý kiến của nhiều tay vợt khác về Serena. Điều này tạo cho người ta có cảm giác Serena… không phải một phụ nữ. Bởi nếu cô được đối xử bình thường, thì những bài báo kiểu đó sẽ chẳng có ai đọc cả. Nhưng đáng buồn là nó lại thu hút rất nhiều bình luận. Xa hơn, thì các tay vợt nữ không bắt buộc phải nói về sự nữ tính của họ, bởi đó là điều đương nhiên, là tạo hóa. Không chỉ vì nghề nghiệp của họ mà tự dưng họ phải đi giải thích về cái điều hiển nhiên ấy.

Việc không tôn trọng những vận động viên nữ vì công việc của họ là một hành động phá hoại tôn chỉ tốt đẹp của thể thao. Họ không phải lựa chọn giữa việc mạnh mẽ hay là nữ tính. Trái lại, hai điều này cần đi song song với nhau. Phụ nữ không có nghĩa là phải liễu yếu đào tơ. Họ có quyền thể hiện sức mạnh cơ thể mình và được chấp nhận bởi tất cả mọi người.

102 Là số đo vòng 1 của Serena Williams, tương đương với size áo lót 36D. Cô đi cỡ giày 10 US, tương đương với size 41 châu Âu. Serena mặc đồ cỡ 16, tương đương size XL.

21 Trong sự nghiệp, Serena Williams đã giành 21 chức vô địch Grand Slam. Trong kỷ nguyên Mở rộng, cô chỉ kém kỷ lục của Steffi Graf 1 chức vô địch.

34 Vào ngày 26/9 tới đây, Serena Williams sẽ tròn 34 tuổi.


Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm