08/04/2021 08:55 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - “Năm 1998, khi tôi tốt nghiệp cũng là lúc “Bức Tường” rời khỏi bầu sữa mẹ - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Năm 2001, chúng tôi về trường để tham gia một chương trình rất lớn nhưng sự kiện này cũng chính là nỗi buồn của ban nhạc vì đến phần biểu diễn của chúng tôi, nhà trường quyết định...cắt điện”.
“Lý do là lúc đó, lượng khán giả cuồng nhiệt trở nên quá khích, họ trèo cả lên mái nhà... chờ Bức Tường. Vì sự cố đáng tiếc này mà đã 20 năm qua, chúng tôi luôn mong muốn có một chương trình quay trở lại nơi sinh ra mình” - guitarist Trần Tuấn Hùng kể về khởi nguồn chương trình Bức Tường trở về sẽ diễn ra vào 20h ngày 17/4 tại sân trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Tri ân nơi sinh ra
* Đã 5 năm kể từ khi nghệ sĩ Trần Lập rời cõi tạm - bằng đó thời gian ban nhạc “Bức Tường” đã có những đổi thay. Anh có thể nói gì về điều này?
- Không có thử thách nào lớn đến như vậy đối với ban nhạc của chúng tôi trong sự tồn tại của mình. Trần Lập là thủ lĩnh, sáng tác, hát chính, đại diện hình ảnh cho Bức Tường. Đối với nhiều người yêu nhạc, Trần Lập chính là Bức Tường và ngược lại.
Khi anh ra đi, gần như chúng tôi phải đứng trước câu hỏi: Tồn tại được nữa hay không? Quyết định này khó khăn như thế nào mọi người cũng biết, nhưng tình yêu âm nhạc, đam mê của chúng tôi còn rất lớn cũng như tình cảm khán giả dành cho chúng tôi và mong mỏi của Trần Lập hẳn không muốn chúng tôi sụp đổ. Tuy nhiên, khi đó, chúng tôi chỉ duy trì hoạt động ở mức cầm chừng khi chơi lại các bài hát cũ, tổ chức các show diễn tưởng nhớ...
Nhưng điều đó không phải là mãi mãi. Chúng tôi nhận thấy: Nếu muốn phát triển phải có sáng tạo, có hướng đi mới, tạo ra giá trị mới. Đó là lúc chúng tôi quyết định những thử nghiệm.
Vì thế, từ giữa năm 2018, chúng tôi thử sáng tác một ca khúc mới, sau đó ra mắt bản single Những ngày tháng tuyệt vời 2019. Với sản phẩm này, hơn 1.000 bản được bán là một thành công ngoài mong đợi và là động lực để chúng tôi nghĩ đến những dự định xa xôi hơn.
Tôi nghĩ rằng, đến thời điểm này, công chúng yêu mến Bức Tường đã phần nào thấy được sự nỗ lực của những thành viên còn lại của Bức Tường. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình trên Con đường không tên - dự án đã ra mắt công chúng năm 2020.
* Khi “Bức Tường” tiếp tục cuộc hành trình không Trần Lập, vai trò tiếp quản có áp lực với anh không?
- Tôi nghĩ là không. Bởi chúng tôi đã đi với nhau từ những ngày đầu thành lập nên đều hiểu Bức Tường thế nào, muốn gì, khán giả của mình muốn gì, biết việc mình làm là gì? Chỉ có áp lực khi mình chưa làm tốt hơn cho các sản phẩm hay chưa thể đem đến các sản phẩm tốt nhất ở những điều kiện khác nhau.
Bên cạnh đó, không chỉ tôi mà mỗi thành viên trong ban nhạc đều có một vai trò đóng góp khác nhau và đặc biệt là chúng tôi đều có sự đồng lòng.
* Vậy các anh sẽ làm nên một “Bức tường trở về” như thế nào?
- Sự trở về của Bức Tường với Trường Đại học Xây dựng là chương trình để chúng tôi tri ân nhà trường - nơi sinh ra và nuôi dưỡng những ước mơ của Bức Tường, thứ 2 là truyền cảm hứng và thông điệp sống ước mơ đối với các thế hệ sau. Chúng tôi dự kiến sẽ dành tặng các suất học bổng dành cho học sinh và những món quà đặc biệt tri ân với trường.
Ngoài ra, Bức Tường trở về còn là liveshow chất lượng đẳng cấp mà chúng tôi đã từng thực hiện tại các show diễn khác. Chúng tôi sẽ diễn những tác phẩm hay nhất, phù hợp nhất với những khán giả tại sân trường này.
* Sự trở về của “Bức Tường” lần này hẳn sẽ khơi gợi nhiều kỉ niệm đối với những người đã đi qua những năm tháng sinh viên gắn bó với ban nhạc. Còn anh, đại diện cho band, có thể nói gì về một thời để nhớ ấy?
- Thực ra thời ấy, chúng tôi không nghĩ đến chuyện chơi band vì làm gì có nhạc cụ. Nhưng từ ban nhạc của trường - chuyên phục vụ các chương trình văn nghệ, chào mừng, chúng tôi mới dần có “âm mưu” thành lâp ra một band chơi các thể loại của mình. Đó cũng là lúc Trần Lập xuất hiện.
Nhớ lại thời đấy, hẳn những bạn trẻ bây giờ không thể hình dung được là mỗi tác phẩm cover, chúng tôi đều phải nghe qua băng cát-sét để tập luyện. Nếu nghe chưa ra, bấm tua lại, và cứ làm như vậy cho đến khi chơi được thì thôi.
Chúng tôi làm nên sự khác biệt
* Thời đấy, các anh có phải “cạnh tranh” với ban nhạc nào không?
- Phải nói rằng, ban nhạc nổi tiếng xuất sắc cùng thời chúng tôi có nhiều, như Buratinox, Thủy triều đỏ, The light. Họ còn giỏi hơn Bức Tường nhiều nhưng không có sự cạnh tranh nào vì chúng tôi hoạt động theo kiểu việc ai người đó làm. Tuy nhiên vẫn phải nói rằng Bức Tường khá khác biệt.
* Đó là gì?
- Tư tưởng! Xuất phát điểm mạnh nhất của Bức Tườngkể từ khi thành lập chính là khát khao được trở thành lớn lao - dù có những lúc bị mâu thuẫn với khả năng thực tế.
Một điều đặc biệt nữa làm nên diện mạo của Bức Tường, đó chính là chúng tôi cónhững sáng tác riêng, bằng tiếng Việt. Những sáng tác của chúng tôi luôn hướng tới những điều tích cực, tốt đẹp trong xã hội, khiến cho các thế hệ khán giả yêu mến ngay từ những ngày đầu ra đời - điều khác biệt rất lớn so với ban nhạc cùng thời (chủ yếu chơi cover).
* Vậy anh có thấy sự khác biệt nào tương tự như thếở những ban nhạc trẻ hiện nay?
- Cũng có thể kể đến như Ngọt, Cá hồi hoang, Chillies - là những ban nhạc có cá tính riêng, có tác phẩm tốt và có đời sống.
Tôi thấy trong suốt thời gian chúng tôi tồn tại cho đến nay, các ban nhạc mới ra đời vẫn luôn như một dòng chảy ngầm, nên nếu khai thác và thúc đẩy những nhân tố mới này, âm nhạc Việt Nam sẽ có nhiều màu sắc.
Ngoài ra, việc xuất hiện một số sân chơi dành cho các ban nhạc tuy không rầm rộ nhưng lần lượt như Cuộc thi ban nhạc Việt, Rock Storm cho đến Banland Channel hay gần đây nhất là LiveSpace cũng có thể dự đoán: Thời kì của các ban nhạc cũng sẽ sớm quay trở lại trong tương lai gần.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Để ban nhạc có thể đi xa “Thời nào cũng có nhiều ban nhạc. Nhưng điều gì còn đọng lại và đi xa được thì còn phụ thuộc vào 2 yếu tố: Tác phẩm tốt, có đời sống riêng là quan trọng nhất. Thứ 2 là suy nghĩ nghiêm túc và chuyên nghiệp của người chơi nhạc. Nếu thiếu 1 trong 2 yếu tố trên, sẽ không duy trì được sức bền.Nếu ban nhạc chỉ có 1 -2 bài mà không định hình được con đường đi của mình thì không thể thu hút được ai. Để thời gian trôi đi và khi cơm áo gạo tiền xuất hiện, sự chểnh mảng với đam mê hẳn là điều không tránh khỏi” – guitarist Trần Tuấn Hùng chia sẻ. |
Kỷ niệm với Trần Lập “Lập ở gần khu Nam Đồng, chúng tôi quen nhau từ đây, khi chỉ tầm 18 tuổi. Khi đó, tôi đệm hát cho Lập đi thi Giọng hát hay Hà Nội hay Tiếng hát truyền hình nhưng đều trượt. Tôi nhớ nhất 2 bài mà Lập hát khá hay là Điều giản dị và Hà Nội một trái tim hồng. Thật may là Lập không đậu, nếu không cậu ấy đã đi một con đường khác!” - Trần Tuấn Hùng nhớ lại |
Lam Anh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất