25/12/2022 13:21 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Đạo diễn 9X Hà Lệ Diễm - người Việt đầu tiên có phim tài liệu lọt vào danh sách rút gọn của Oscar 2023 dành nhiều chia sẻ tâm huyết cho 'Những đứa trẻ trong sương'.
Ngày 22/12, làng giải trí Việt đón nhận tin vui khi bộ phim Children of the Mist (Những đứa trẻ trong sương) của đạo diễn Hà Lệ Diễm đã lọt vào Top 15 hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc tại Oscar 2023. Đây là phim tài liệu Việt Nam đầu tiên góp mặt trong danh sách này.
Những đứa trẻ trong sương là câu chuyện về cô bé người H'mông tên Di. Qua cách kể chuyện của Hà Lệ Diễm, người xem được theo chân Di trải qua những ngày tháng vô tư, hồn nhiên nơi núi rừng Sapa. Và mọi chuyện chỉ thay đổi khi Di đứng trước cột mốc từ trẻ con sang người lớn, ấy là đối diện với phong tục kéo vợ của người dân tộc H'mông.
* Cảm xúc của Hà Lệ Diễm như thế nào khi nhận được thông tin bộ phim "Những đứa trẻ trong sương" lọt vào Top 15 ở hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc tại Oscar 2023?
Nói thật là tôi không nghĩ phim của mình vào được danh sách rút gọn này đâu. Đêm trước khi có kết quả, tôi cũng đọc tin tức để kiểm tra.
Sau đó an tâm đi ngủ vì nghĩ mình rớt rồi. Đến hôm sau, thấy tin nhắn chúc mừng của mọi người gửi đến thì tôi mới biết chuyện Những đứa trẻ trong sương đã vào Top 15 của hạng mục Phim tài liệu dài ở Oscar năm nay.
Nói thật, được vào Top 15 thì tôi cũng hơi lo, vì hiện tại chưa biết sẽ làm gì tiếp theo. Tôi có nói chuyện với phía nhà phát hành bên Mỹ thì nhận về thông tin là có rất nhiều thứ để làm. Mọi thứ còn đang ở trước mắt, tôi không dám nói trước điều gì đâu.
Trong suy nghĩ của tôi, những bộ phim cùng có mặt trong Top 15 đều xuất sắc. Họ khai thác những đề tài cực hay, tôi thấy họ như "cá mập" vậy. Đề tài họ đưa đến Oscar năm nay đều rất lớn, vĩ mô và đáng được trân trọng.
* Nhiều người đã xem việc góp mặt trong Top 15 hạng mục phim tài liệu dài xuất sắc ở Oscar 2023 của "Những đứa trẻ trong sương" là sự tiến bộ vượt bậc của điện ảnh nước nhà. Với Hà Lệ Diễm, chị nghĩ sao về điều này?
Tôi sinh năm 1991, là 1 đạo diễn trẻ. Những đứa trẻ trong sương cũng là phim tài liệu dài đầu tay tôi làm nữa, việc được mọi người đánh giá cao là điều khiến tôi rất vui, hãnh diện. Tôi nghĩ, nếu mình là người bình thường, thấy ai đó xung quanh có thành tựu nào đó thì cũng mừng cho họ thôi.
Tuy nhiên, tôi không dám nói trước điều gì. Tôi tự cảm thấy bản thân vẫn nhỏ bé lắm so với bạn bè trên thế giới. Tôi chỉ làm những gì mình thích, may mắn tác phẩm được nhiều người yêu thích và đến với nhiều liên hoan phim.
Từ lúc bắt đầu cho đến nay, tôi đã nhận được sự hỗ trợ tận tình của đơn vị phát hành quốc tế. Họ hướng dẫn tôi phải làm thế nào và làm những gì. Chính nhà phát hành "Những đứa trẻ trong sương" đã đưa tôi và bộ phim này đến với Oscar.
* Lý do vì sao chị lại chọn câu chuyện của cô bé người H'mông - Di làm cảm hứng cho bộ phim tài liệu này?
Tôi là người dân tộc Tày, quê ở Bắc Kạn. Cách đây mấy năm, trong 1 lần đến Sapa, tôi vô tình gặp được Di. Tôi thấy Di có nhiều nét tương đồng với mình. Đó là cô bé hồn nhiên, vô tư, lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái chơi với các bạn.
Dẫu vậy, Di vẫn có sự bồng bột nhất định, nếu không thích cái gì đó là sẽ có phản ứng. Cách Di hành xử khiến tôi nhớ về tuổi thơ của mình. Vậy là tôi lên kế hoạch làm phim tài liệu về Di, tôi muốn kể câu chuyện tuổi thơ, ghi lại quá trình trưởng thành của Di.
Có người hỏi tôi rằng nếu làm phim tài liệu về tuổi thơ của 1 cô bé người dân tộc thì tại sao không chọn cách quay tại Bắc Kạn luôn? Hay tại sao đó không phải là câu chuyện của 1 cô bé người Tày mà lại là cô bé người H'mông. Đơn giản là do ở quê tôi, không có nhiều trẻ con như ở Sapa (Cười). Mọi người ở quê tôi đa phần lớn hết rồi, không tìm được câu chuyện dễ thương như vùng đất Sapa nơi mà Di đang ở.
* Chị đã tốn bao nhiêu thời gian và chi phí để thực hiện bộ phim "Những đứa trẻ trong sương"?
Đây thực sự là một vấn đề lớn với tôi đó. Tôi bắt đầu thực hiện bộ phim từ năm 2017, ban đầu tôi làm vì thích thôi, không nghĩ gì nhiều đâu. Giai đoạn đó, tôi mới chập chững làm phim, trong đầu chỉ đơn giản nghĩ là mình tập tành làm thử chứ không hề có ý định mang Những đứa trẻ trong sương đi thi quốc tế.
Quá trình quay phim kéo dài khoảng 3,5 năm. Mỗi năm tôi đến Sapa từ 5 - 6 lần, mỗi lần ở lại nhà Di khoảng 3 tuần. Tổng cộng, nếu nhớ không nhầm thì tôi đã đến Sapa khoảng trên 20 lần rồi đấy. Tất cả chi phí đều là tự bỏ tiền túi ra để làm. Nhưng đa phần thì tôi chỉ tốn chi phí đi lại thôi, còn việc ăn ở tại Sapa thì có nhà của Di rồi.
Về thiết bị, máy móc cũng đơn giản lắm. Tôi mượn 1 máy quay phim nặng tầm 3kg của bạn, đến cả microphone để thu tiếng cũng là đồ mượn luôn. Khi quay phim, đa phần là tôi tự quay hết. Do thời gian làm phim kéo dài quá, không thể nhờ bạn bè đi theo quay mãi cho mình mà không có tiền trả lại cho họ được. Nhờ 1 vài lần thì còn được chứ nhờ liên tục kéo dài trong 3,5 năm thì không được.
Dù thời gian quay kéo dài nhưng tôi rất vui vì cuối cùng cũng có những thước phim ăn ý. Tôi không nhớ chính xác từng mốc thời gian mình đến Sapa với Di, kiểu như là lúc nào thấy có cái gì hay ho Di sẽ báo cho tôi biết, sau đó tôi thu xếp đi Sapa thôi.
* Đó là quá trình quay phim, vậy còn việc làm hậu kỳ diễn ra như thế nào? Theo tôi biết thì chị đã đến Thái Lan để làm hậu kỳ cho bộ phim này?
Sau khi quay xong, tôi tốn tầm hơn 1 năm để xử lý hậu kỳ cho Những đứa trẻ trong sương. May mắn là các anh chị, bạn bè xung quanh đã giúp tôi tìm quỹ hỗ trợ việc dựng phim, xử lý hậu kỳ. Đúng là Những đứa trẻ trong sương được thực hiện hậu kỳ ở Thái.
Nhờ có sự hỗ trợ của quỹ làm phim mà tôi có chi phí để trả cho những người bạn giúp mình xử lý hậu kỳ. Tôi xem như đây là may mắn rất lớn. Hiện tại, ngoài Oscar ra thì Những đứa trẻ trong sương đã tham gia gần 100 liên hoan phim lớn nhỏ rồi. Tuy nhiên, theo tôi biết thì danh sách này vẫn chưa đầy đủ, nhà phát hành còn gửi phim đến một số liên hoan phim khác nữa. Giải thưởng mà Những đứa trẻ trong sương nhận về chắc khoảng 25 - 26 cái gì đấy. Tôi cũng không nhớ quá rõ đâu.
Có 1 số giải thì ban tổ chức thông báo cho tôi biết tin rồi đề nghị quay video phát biểu lúc nhận giải. Dẫu vậy, cũng có những giải mà ban tổ chức chẳng nói năng gì, tôi phải tự lên Google tìm thông tin mới biết mình thắng.
* Một trong những vấn đề rất được truyền thông và công chúng quan tâm chính là nội dung "tảo hôn" mà đạo diễn Hà Lệ Diễm thể hiện trong bộ phim. Chị có thể chia sẻ thêm về vấn đề này không?
Nếu nói "tảo hôn" thì thực sự là hơi nặng nề quá, chính xác ra thì là tục kéo vợ của người H'mông. Trong bộ phim, tôi ghi lại quá trình trưởng thành của Di. Tôi đã tìm một cột mốc để Di thay đổi suy nghĩ từ trẻ con thành người lớn. Với nhiều người khác, cột mốc khiến họ thay đổi có thể là khi mất đi người thân hay có biến cố gì xảy ra trong cuộc đời.
Riêng với Di, cột mộc đánh dấu sự trưởng thành là khi đối mặt với tục kéo vợ. Dùng từ hủ tục với tục kéo vợ này thì tôi cho rằng không chính xác lắm. Đó là phong tục tập quán của người H'mông, vì cũng là người dân tộc thiểu số nên tôi hiểu về vấn đề này. Chàng trai đến kéo vợ, nếu cô gái không muốn thì có thể từ chối. Đấy là kéo vợ chứ không phải bắt vợ đâu mọi người ơi (Cười).
Và khi đối mặt với việc kéo vợ, Di đã từ chối mà. Những đứa trẻ trong sương không phê phán hủ tục hay thể hiện bất cứ điều gì quá nặng nề với phong tục kéo vợ này. Tôi xin được nói lại rõ ràng để mọi người hiểu thêm.
* Và sau khi từ chối kéo vợ thì cuộc sống của Di hiện tại như thế nào?
Di đã lấy chồng rồi. Tuy nhiên, Di chọn người mà em ấy yêu. Cả 2 vợ chồng Di đều rất dễ thương, sống với nhau hạnh phúc lắm. Bố mẹ Di cũng đáng yêu vô cùng. Di cũng đi học lại nhé. Có rất nhiều sự thay đổi tích cực với Di và gia đình trong thời điểm hiện tại. Tôi mừng cho Di lắm.
* Đạo diễn Hà Lệ Diễm có điều gì muốn chia sẻ với những bạn trẻ nuôi dưỡng đam mê làm phim nhưng chưa có điều kiện không?
Tôi đã trải qua giai đoạn này nên tôi hiểu rất rõ. Tôi muốn nhắn nhủ với mọi người rằng hãy cứ làm đi, hãy cứ hết mình với đam mê. Việt Nam có rất nhiều người tài giỏi, mọi người làm được rất nhiều điều chứ không phải chỉ riêng mình tôi đâu.
Để làm phim, đầu tiên bạn hãy đi học, phải có kiến thức thì mới làm ra tác phẩm chỉn chu, chất lượng được. Nếu không có tiền theo học những lớp cần học phí cao, hãy chịu khó tìm kiếm những lớp đào tạo miễn phí. Tôi cũng đã học lớp miễn phí thế này mà. Hãy đến với những trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng trẻ, nếu bạn thực sự có đam mê, tôi tin nhất định bạn sẽ tìm được sự giúp đỡ.
Sau khi đi học rồi, bước tiếp theo là biết về quay phim. Trong khả năng tài chính của mình, hãy sắm những thiết bị quay phim phù hợp nhất. Mỗi ngày, có thể luyện kỹ năng quay phim bằng cách ghi lại cuộc sống đời thực. Hãy tìm kiếm đề tài từ những thứ gần gũi với mình nhất.
Và điều quan trọng nữa là hãy trau dồi ngoại ngữ, tiếng Anh tốt là điều vô cùng quan trọng. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi phát hiện ra những trung tâm hỗ trợ tài năng trẻ hay các quỹ làm phim quốc tế đều cần giao tiếp bằng tiếng Anh. Có ngoại ngữ tốt, bạn sẽ có thêm cơ hội để thể hiện và chạm đến ước mơ của mình.
* Xin cám ơn đạo diễn Hà Lệ Diễm vì đã dành thời gian chia sẻ!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất