Bí thư Hà Nội: 'Gia đình tôi đã hạn chế đi xe cá nhân'

27/03/2012 17:47 GMT+7 | Thế giới

Đồng tình với các giải pháp giảm ùn tắc, nhất là cấm trông giữ xe trên nhiều tuyến phố, Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng nếu người dân và thành phố quyết tâm hạn chế xe máy thì ùn tắc đã không trở thành vấn nạn.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban quận huyện quý 1 sáng 27/3, ông Phạm Quang Nghị đồng tình trước nhiều giải pháp giảm ùn tắc mà Hà Nội đã thực hiện trong thời gian qua, nhất là việc cấm trông xe trên nhiều tuyến phố.

Bí thư Phạm Quang Nghị. Ảnh: Tiến Dũng.

"Cấm trông giữ xe rất có hiệu quả, ngay gia đình tôi đã hạn chế đi xe cá nhân vì khó tìm chỗ đỗ và phí cao. Có khi tiền đi taxi ngang bằng phí đỗ xe", ông Nghị nói và cho rằng biện pháp đổi giờ học, giờ làm thời gian qua nhìn chung có hiệu quả, không vì vài vụ ùn tắc tại cổng trường, một số tuyến phố mà phủ nhận hiệu quả của nó.

Bí thư Nghị cũng ủng hộ việc thu phí bảo trì đường bộ, mặc dù để thực hiện một bộ phận người dân sẽ bị ảnh hưởng... "Chúng ta phải lấy tiêu chí vì cái chung, quyền của mỗi người phải hài hòa với lợi ích chung", ông Nghị nói.

Lãnh đạo thành phố cũng chỉ ra những hành động thiếu quyết liệt trong thời gian qua dẫn đến bùng phát phương tiện cá nhân. "Quy hoạch về bãi đỗ xe tĩnh nếu dư luận ủng hộ thì không đến nỗi như bây giờ. Có thời hạn chế đăng ký xe máy thì người dân lại phản ứng. Chúng ta không quyết tâm được như Bắc Kinh đã cấm triệt để xe máy. Đây là do không đồng bộ về nhận thức và quyết tâm không được cao khi mức độ động chạm đến người dân rộng lớn", ông Nghị nói.

Theo Bí thư, chính quyền đã đề ra giải pháp gì thì phải quyết tâm làm. Bên cạnh kết quả đạt được, thành phố cần nghiêm túc với những tồn tại, thiếu sót, bởi các biện pháp đã góp phần giảm ùn tắc nhưng chưa triệt để.

 


Phương tiện giao thông ngày càng tăng ở các đô thị lớn.

Bí thư Thành ủy đề nghị lãnh đạo thành phố cần có lộ trình hạn chế tăng xe cá nhân, mỗi chủ phương tiện phải cam kết có chỗ để xe. Ngoài ra, phải thay đổi cơ chế thu phí trông giữ xe để thu hút các nhà đầu tư... "Chúng ta thiếu điểm đỗ song nếu không có cơ chế thu phí thì không thể làm được. Nhà đầu tư nước ngoài không dám, vì mất cả thập kỷ mới thu hồi vốn được", ông Nghị nói.

Trước đó, Phó chủ tịch HĐND Hà Nội Lê Văn Hoạt cho rằng Nghị quyết 34 của HĐND từ năm 2003 đã đưa ra 8 nhóm giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, song không được quan tâm nghiêm túc. Trong đó, HĐND có đề cập quy hoạch 34 điểm giao thông tĩnh song thực tế không được triển khai hoặc đã biến thành nhà ở.

Ngoài ra, thành phố đã có văn bản yêu cầu di dời các nhà máy thì phải dành đất cho giao thông tĩnh hoặc công trình công cộng, song đa số diện tích đất lại thành dự án nhà ở.

"Chúng ta cần nhìn lại, từng có tư duy định hướng đúng song không được thực hiện. Đây có trách nhiệm của Thành ủy, UBND, HĐND trong giám sát thực hiện. Vấn đề ở đây là trách nhiệm, phải quyết liệt thực hiện sau 10 năm. Nếu không không bao giờ làm được, lúc này không thể lùi được nữa", ông Hoạt thẳng thắn bày tỏ.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông như tăng cường hạ tầng giao thông bằng cách xén hè, đường, thêm cầu vượt kết cấu nhẹ, xây cầu, hầm cho người đi bộ, khai thông các tuyến vành đai... Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh tổ chức giao thông như phân làn, đổi giờ, hạn chế phương tiện cá nhân giờ cao điểm, kiểm soát taxi, sắp xếp điểm đỗ xe.

Đặc biệt, các lực lượng sẽ tăng cường kiểm tra và xử phạt để lập lại trật tự hè phố trong khu trung tâm, giải tỏa chợ cóc, hàng rong. Về lâu dài, thành phố sẽ có lộ trình giảm xe cá nhân, di dời cơ sở sản xuất ra ngoài và hạn chế nhập cư...

Chủ tịch Hà Nội đồng tình thu phí ôtô vào nội đô

Trao đổi với báo chí sáng 24/3, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng mục đích của thu phí vào nội đô là giảm phương tiện cá nhân vào giờ cao điểm, bởi hiện nay mật độ phương tiện vào nội đô rất lớn, gây ùn tắc. Tuy nhiên, xây dựng phương án như thế nào để tổ chức kiểm soát là bài toán rất khó, bởi Hà Nội có rất nhiều ngõ ngách nhỏ, kiểm soát như thế nào, bằng cửa hay vé lưu hành, đây là bài toán rất khó mà phải nghiên cứu rất kỹ.

Lãnh đạo Hà Nội cho biết, để xây dựng phương án thu phí, thành phố từng có ý tưởng thu lũy tiến phí đỗ xe. Ví dụ lưu hành một giờ sẽ thu bao nhiều tiền, giờ thứ hai sẽ tăng lên để chủ phương tiện đi lại trong trung tâm với thời gian ngắn nhất, nhằm giảm mật độ phương tiện.

Tại cuộc họp mới đây, ông Thảo đã chỉ đạo các ngành nghiên cứu cơ chế thu phí trông xe theo lũy tiến trong nội đô. Nếu chủ phương tiện đỗ thêm 30 phút thì sẽ tăng gấp đôi mức phí, đỗ thêm một giờ có thể tăng 3-4 lần.

Theo VnExpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm