Hà Nội mưa dông và chuyện 'những người khốn khổ'

13/06/2015 21:25 GMT+7


(lienminhbng.org) - 1. Chuyện thường ngày, Hà Nội lại ngập cục bộ ngay trận mưa lớn đầu mùa, liệu có nơi nào trên thế giới, ngoại trừ những Amsterdam, Venice… mà cứ mưa lớn là cả thành phố lại như bị… phong tỏa, bất chấp tiền của đầu tư từ Nhà nước.

Nhiều tuyến phố của thủ đô như Liễu Giai, Phan Kế Bính, Hoàng Văn Thái… nước ngập sâu hơn nửa mét khiến ôtô, xe máy chết máy hàng loạt. Thêm nữa, trận mưa đầu mùa này phát sinh nhiều điểm úng ngập tại các khu vực chưa có hệ thống thoát nước và khu vực đang thi công công trình. Tức là thêm nhiều điểm ngập mới.

Hà Nội vẫn mưa là ngập, phải chăng chúng ta đang bế tắc với giải pháp chống lụt cho Hà Nội?

Ngẫm lại, Hà Nội vốn là thành phố thuộc địa Pháp, chúng ta nhận lại những di sản từ thời Pháp thuộc: hệ thống biệt thự cổ, Nhà Hát Lớn, Khách sạn Metropole… và cả hệ thống thoát nước. Hà Nội từng được ví như Paris của Đông Dương. Và chúng ta đều biết Paris là thành phố không bao giờ bị ngập lụt.

2. "Paris có một Paris khác ở ngay phía dưới nó, một Paris của các cống ngầm ... " - Victor Hugo từng viết như vậy trong cuốn tiểu thuyết “Những người khốn khổ” (Les Miserables) vào năm 1862.

Dưới lòng đất, Paris có một Paris khác, một Paris của những cống ngầm, Paris này cũng có phố xá, ngã tư, quảng trường, ngõ cụt, đường giao thông và sự đi lại của nó, đó là bùn chảy, chỉ kém có hình người.

Lòng đất Paris, nếu con mắt có thể nhìn thấu bề mặt của nó, bày ra cảnh tượng như một tảng san hô khổng lồ.

Một miếng bọt biển cũng không có nhiều eo và hành lang hơn mảnh đất chu vi sáu dặm trên đó thành phố lớn cổ kính đã được đặt lên. Chưa nói đến hầm mộ, là một cái hầm riêng biệt, chưa nói đến mạng lưới rắc rối những ống dẫn khí, chưa kể đến hệ thống rộng lớn ống dẫn nước chảy đến các máy nước, chỉ nói riêng những cống ngầm thôi cũng làm thành, dưới hai bờ sông, một mạng lưới tối tăm kỳ diệu rồi. Mạng lưới này có dòng chảy là độ dốc của nó...

Nhớ cảnh Jean Valjean vác theo Marius chạy trốn theo những đường cống ngầm ở Paris, khi ra đến miệng cống chạm trán thanh tra Javert chúng ta mới thấy hết sự to lớn của hệ thống “tiêu hóa” cho một thành phố khổng lồ cần quy mô thế nào.

Ngày nay, Bảo tàng ngầm Paris bên dưới lòng đất của thành phố với hệ thống cống ngầm độc đáo trở thành một điểm du lịch nổi tiếng thế giới.

Quay lại việc Hà Nội từng được ví như Paris của Đông Dương, người Pháp đã 3 lần lập quy hoạch Hà Nội. Nhưng cho đến khi người Pháp rút đi, khu vực nội thành mới có 36 vạn dân, diện tích là 15,2 km2, loanh quanh khu phố cũ. Phố cổ có thể ít bị ngập nhưng nó vô cùng nhỏ bé so với Hà Nội bây giờ.

Ngày nay, khi Hà Nội là một khối bê tông đông cứng khổng lồ làm sao người ta có thể “Nghiêng phố tát nước ra sông” như trong những vần thơ cổ động xưa kia. Và dù có xây bao nhiêu cống ngầm đi nữa, thì những cục bê tông chứ không phải bọt biển cũng không thể thấm thấu nước. Hà Nội sẽ vẫn ngập đọng cục bộ trong mỹ từ “bê tông hóa”.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm