Những cây cầu này có kết cấu độc đáo, riêng biệt, đã và đang có những đóng góp, ý nghĩa khác nhau cho Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội, màu xanh từ những cây cầu

(lienminhbng.org) - Đến Thủ đô Hà Nội, du khách cảm nhận ngay được cuộc sống nhộn nhịp qua sự đa dạng ẩm thực, vẻ đẹp những di tích, danh thắng, các bảo tàng, khu phố cổ...; cùng với đó là các không gian xanh trải dài, bên những làng quê trù phú cần khám phá, trải nghiệm.

Cùng những giá lịch sử, văn hóa lâu đời của một đô thị cổ kính trên ngàn năm tuổi, Hà Nội có những không gian xanh trải dài giữa những cây cầu bắc qua sông Hồng góp phần làm nên sức hấp dẫn của thành phố trong con mắt du khách bốn phương. Mùa Hạ, khi đi qua những rặng tre vươn cao, cái nắng nóng oi ả tháng 6 sẽ bị xua đi bởi những làn gió mát rượi từ sông Hồng thổi lên, cùng đó là một không gian bao la, hoang sơ quyến rũ, đem lại cảm giác thư thái với mỗi người.

Những cây cầu này có kết cấu độc đáo, riêng biệt, đã và đang có những đóng góp, ý nghĩa khác nhau cho Thủ đô Hà Nội.

Cầu Long Biên được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20 trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1914)
 
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, nối 2 quận Long Biên và Hoàn Kiếm của Hà Nội. Đây là cây cầu kết nối giữa lịch sử và hiện tại
 
Cầu Long Biên là biểu tượng lịch sử của Thủ đô Hà Nội
 
Cầu Chương Dương là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không có sự trợ giúp kĩ thuật của các kỹ sư nước ngoài
 
Cầu Chương Dương là cây cầu huyết mạch nơi cửa ngõ phía Đông của Hà Nội, kết nối đôi bờ sông Hồng. Trong suốt hơn 3 thập kỷ qua, cây cầu là một chứng nhân lịch sử trong quá trình đổi mới đi lên của đất nước
 
Cầu Chương Dương có chiều dài 1.230 m, gồm 21 nhịp, trong đó 11 nhịp thép, 10 nhịp bê tông. Cầu chia làm 4 làn xe chạy, ở giữa có phần cánh gà mỗi bên rộng 5m, phía ngoài cùng có làn đường dành cho xe máy rộng 1,5m
 
Cầu Thăng Long được thiết kế gồm hai tầng, tầng trên dành cho ô tô chạy, tầng dưới dành cho đường sắt. Cầu đường sắt dài hơn 5 km, cầu đường bộ cho ô tô dài trên 3,1 km. Tổng chiều dài của toàn bộ cầu xấp xỉ 10,7 km - dài nhất Việt Nam thời điểm hoàn thành
 
Cầu Thăng Long nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm, nối liền Thủ đô với sân bay quốc tế Nội Bài, cửa ngõ quan trọng đưa khách quốc tế đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc
 
Cầu Thăng Long được xem là công trình thế kỷ của tình hữu nghị Việt Xô sau 11 năm thi công (1974-1985) đồng thời là cây cầu có quy mô lớn vào loại bậc nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á thời điểm đó
 
Cầu Thanh Trì thông xe năm 2007, là một trong những cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực dài và rộng nhất Việt Nam, đồng thời cũng là công trình cầu được thi công với nhiều ứng dụng công nghệ mới
 
Cầu Thanh Trì nối tuyến cao tốc huyết mạch của Thủ đô đi các tỉnh phía Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các xe trọng tải lớn lưu thông thuận tiện
 
Cầu Thanh Trì là cây cầu lớn nhất trong dự án 7 cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng, nối quận Hoàng Mai với quận Long Biên, cầu chính dài 3.084 m với tổng chiều dài hơn 12.000 m, rộng 33,10 m với 6 làn xe chạy (4 làn xe cao tốc)
 
Cầu Nhật Tân được khánh thành đồng bộ với đường Nhật Tân - Nội Bài tạo nên một tuyến cao tốc hiện đại, rút ngắn gần một nửa thời gian di chuyển từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tới trung tâm Hà Nội
 
Cầu Nhật Tân không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản
 
Cầu Nhật Tân là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, kết cấu nhịp cầu chính theo dạng cầu dây văng nhiều nhịp với 5 trụ tháp hình thoi và 6 nhịp dây văng. Cầu được xem là biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội với 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô
 
Cầu Đông Trù nối huyện Đông Anh với quận Long Biên, đây được coi là công trình tạo bước đột phá trong tiến trình phát triển của thủ đô, đồng thời là đòn bẩy góp phần thúc đẩy các khu công nghiệp, đô thị phía Bắc sông Hồng
 
Cầu Đông Trù giúp kết nối hạ tầng giao thông phía bắc Hà Nội tạo nên trục vành đai 2
 
Cầu Đông Trù có mặt cắt rộng 55m với 8 làn xe. Ngoài hệ thống đường dẫn hai đầu, cầu gồm 3 nhịp chính trong đó 2 nhịp biên dài 80 m và nhịp giữa sông dài 120 m được áp dụng công nghệ mới là cầu vòm ống thép nhồi bê tông, lần đầu tiên có ở khu vực Đông Nam Á
 
Cầu Vĩnh Tuy góp phần rút ngắn lộ trình từ trung tâm thành phố ra quốc lộ 5 đi Hải Phòng, Quảng Ninh khoảng 3 km, giảm tải cho cầu Chương Dương và Long Biên
 
Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng nối quận Long Biên và Hai Bà Trưng, được khánh thành năm 2010
 
Cầu Vĩnh Tuy có chiều dài tuyến chính 5.800m, phần vượt sông dài 3.700 m. Mặt cầu Vĩnh Tuy hiện rộng 19m

Ảnh: Phạm Tuấn Anh