Hà Nội: Nước bẩn bao vây nhà dân, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh

25/07/2018 07:32 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Đến chiều 24/7, bốn ngày sau đợt mưa hoàn lưu của bão số 3 có tên quốc tế là Sơn Tinh, hơn 1.850 ngôi nhà tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn ngập trong nước bẩn, chủ yếu tập trung tại các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ.

Cuộc sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nước ngập đã dần chuyển màu và bốc mùi hôi thối.

Cuộc sống người dân bị đảo lộn

Xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có gần 2.000 hộ dân. Tính đến chiều 24/7, vẫn còn 581 ngôi nhà với 2.498 nhân khẩu, thuộc năm thôn Tiến Tiên, Việt An, Phương Hạnh, Tân Hội, Đồi Chè bị ngập nước. Trong đó, ngập nặng nhất là xóm Khúc Bằng của thôn Việt An và xóm Nằng của thôn Tiến Tiên. Cả hai xóm với gần 200 hộ dân bị cô lập hoàn toàn, cuộc sống bị đảo lộn, người dân phải chèo xuồng, thuyền nan để đi lại và kết nối với bên ngoài.

Chú thích ảnh
Cuộc sống người dân thôn Muôn vẫn ngập chìm trong nước. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Con đường dẫn vào xóm Khúc Bằng vẫn chìm trong biển nước. Theo quan sát của phóng viên, mặc dù nước đã rút được khoảng 15cm, song vẫn còn nhiều đoạn ngập sâu đến gần thắt lưng người lớn. Nước đọng đã ngả màu xanh, bốc mùi hôi thối dưới cái nắng nóng gay gắt.

Nhiều người dân của xóm Khúc Bằng và xóm Nằng cho biết khó khăn đối với họ chính là thiếu nước sạch. Để duy trì cuộc sống hàng ngày, nhiều hộ gia đình phải xắn quần lội nước đi xin nước từ những hộ ở chỗ cao và phải dùng rất tiết kiệm số nước mưa hứng được từ đợt mưa vừa qua. Sinh sống trong môi trường nước ô nhiễm cũng đã khiến nhiều người dân ở đây bắt đầu có các dấu hiệu mắc các bệnh về mắt.

Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Chương Mỹ có gần 1.870ha lúa, 213ha rau màu, 263ha nuôi trồng thủy sản bị ngập úng. Nhiều đoạn kênh mương bê tông bị hư hỏng, nhiều đoạn đê, hồ, đập bị ngập, tràn, sạt lở...

Riêng xã Tân Tiến, đợt ngập năm nay đã khiến khoảng 200ha lúa, gần 80ha nuôi trồng thủy sản của xã bị mất trắng, không thể khôi phục. Tổng thiệt hại ước tính trên 15 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết những ngày qua, địa phương đã phải huy động hàng chục phương tiện cùng hàng trăm người hỗ trợ người dân vận chuyển đồ đạc lên cao tránh ngập úng, di chuyển tài sản đến nơi trú tránh an toàn. Với tình hình hiện nay, phải ít nhất 15-20 ngày nữa, nước lũ mới rút hết, khi đó, người dân mới có thể trở lại ổn định cuộc sống.

Chú thích ảnh
Người dân đối mặt với nguy cơ dịch bệnh do rác thải trôi vào nhà. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Những tấm lòng nhân ái

Ông Nguyễn Hữu Định, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Tiến, cho biết ngay từ đầu mùa mưa, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của xã đã thành lập ba tiểu ban gồm tiểu ban tổng hợp, tiểu ban ứng cứu khắc phục hậu quả thiên tai và tiểu ban an ninh trật tự.

Trong những ngày mưa ngập vừa qua, các tiểu ban này đã hoạt động rất tích cực và hiệu quả, góp phần giảm bớt khó khăn và đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân. Ngay sau mưa ngập, Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ và xã Tân Tiến đã kịp thời hỗ trợ các hộ dân bị ngập nước 683 bình nước, 100 thùng mỳ tôm và hàng trăm cây nến.

Đối với hai xóm bị cô lập hoàn toàn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai xã Tân Tiến đã được Trường Sỹ quan đặc công cho mượn hai chiếc xuồng có tải trọng 2 tấn để thường xuyên vận chuyển lương thực, nước uống và hàng cứu trợ cho bà con trong vùng ngập nước cũng như giúp người dân di chuyển đồ đạc ra bên ngoài.

Bà Đỗ Thị Mát, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ xã Tân Tiến, cho biết công tác phòng chống dịch bệnh cũng được các cấp chính quyền đặc biệt lưu ý. Những ngày qua, các cán bộ Trạm y tế xã Tân Tiến và Trung tâm Y tế dự phòng huyện Chương Mỹ không chỉ hướng dẫn người dân những kiến thức về giữ gìn vệ sinh, phòng chống dịch bệnh qua hệ thống loa đài mà còn đi xuồng đến tận nhà các hộ dân để phát thuốc và tuyên truyền trực tiếp.

“Với tốc độ nước rút chậm như những ngày qua, cộng với dự báo có mưa lớn trong những ngày sắp tới, chúng tôi rất lo lắng về vấn đề ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh cả trong khi ngập và sau khi nước rút. Chúng tôi chỉ cắt điện đối với những hộ dân bị ngập sâu để đảm bảo an toàn. Còn các hộ bị ngập nhẹ và hệ thống loa đài vẫn phải duy trì để thông báo những thông tin cần thiết và nhất là tuyên truyền về giữ gìn vệ sinh, an ninh trật tự trên địa bàn,” ông Nguyễn Hữu Định cho biết thêm.

Chia sẻ khó khăn với người dân vùng bị ngập nước, Hội Chữ thập Đỏ thành phố Hà Nội đã vận động các cơ sở Hội, các nhà hảo tâm hỗ trợ, chung tay khắc phục hậu quả thiên tai. Ngay trong chiều 24/7, đoàn công tác đã trực tiếp đến thăm hỏi và tặng quà cho hơn 1.000 hộ dân các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Mỹ Lương, Tốt Động của huyện Chương Mỹ. Đây là những địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 vừa qua. Các hộ dân tại nhiều xã đã nhận được những đồ dùng thiết yếu như gạo, mỳ tôm, nước uống, lương khô, nến, đèn pin... với tổng trị giá khoảng 320 triệu đồng.

Ông Nguyễn Sỹ Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ thành phố Hà Nội cho biết: “Với mong muốn làm vơi bớt những khó khăn trước mắt của người dân trong vùng ngập nước, chúng tôi đã vận động các cơ sở Hội, các nhà hảo tâm và mặc dù chỉ diễn ra trong hơn một ngày nhưng Hội đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các tổ chức, tập thể”.

Hà Nội: Cây đổ, vỉa hè bật tung, ngập úng nhiều tuyến phố

Hà Nội: Cây đổ, vỉa hè bật tung, ngập úng nhiều tuyến phố

Hiện tại, cây trên nhiều tuyến phố đã đổ ngổ ngang. Các lực lượng chức năng đang xử lý cây đổ để tránh gây ùn tắc giao thông.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm