Tính cách Hà Nội (*)

05/08/2012 13:10 GMT+7

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng

(TT&VH) - Từ một đô thị cho 30 nghìn dân đến một đô thị cho 3 triệu dân, có lẽ không phải chỉ là mở rộng đường, xây thêm nhiều nhà, mà là tổ chức lại một cách sống khác.

1. Người Tàu sang Việt Nam bán cháo quẩy, bi ron ron, lạc rang qua mấy trăm năm, cái vị của các món đó không hề thay đổi cho đến khi họ về nước. Người Việt Nam bán phở hễ đắt hàng là thể nào cũng bớt tí thịt, tí hành...; mùi vị cũng phai nhạt dần, đó cũng là một tính cách không cẩn thận trong hành nghề.

Người Hà Nội hiện tại cũng đặc trưng cho tính cách này, dù hiện tại là cơ chế thị trường, khách hàng là thượng đế. Cái thời bao cấp người bán không cần người mua đã qua từ lâu, nhưng cho đến giờ những cửa hàng ở Hà Nội vẫn không thay đổi là mấy, người ta không niềm nở với khách hàng, đến hỏi mà không mua thế nào cũng có chuyện.



Góc chợ Hàng Bè, Hà Nội. Ảnh Hans Peter Grumpe chụp năm 1991-1992

Cái thái độ hằn học, lúc nào cũng như đánh nhau đến nơi phô bầy khắp đường phố. Bạn ngồi quán nước lỡ ngó vào mắt một anh trai nếu không vội xin lỗi là gay rồi, bạn va xe bên đường, dù chưa ai bị làm sao nhưng đã có thể bị bắt vạ, huống chi đến chuyện nhà đất hàng chục cây vàng một thước vuông, ai lấn sang nhà ai một phân cũng không được. Nhiều xóm ngõ trước dành đường cho cả ô tô đi, nhưng vài năm sau ngõ đó chỉ dắt được xe máy là cùng. Tất cả đều lấn chiếm, đều không nhường nhịn, đều căng thẳng, đều cướp đường, đều đổ rác ra đường, đều đi làm muộn, đều về sớm, đều nhìn ngó tai nạn cho đến khi tắc hết hè phố... Thật khủng khiếp cho cái tính cách Tràng An hiện nay.

2. Đô thị hiện đại có lẽ phải được quan niệm và quy hoạch một cách khác, mà sự hình thành của tính cách con người đô thị phụ thuộc vào đó. Từ một đô thị cho 30 nghìn dân đến một đô thị cho 3 triệu dân, có lẽ không phải chỉ là mở rộng đường, xây thêm nhiều nhà, mà là tổ chức lại một cách sống khác. Người thành phố hiện đại phải là những công dân cũng thỏa hiệp các nguyên tắc văn minh đô thị, chỉ cần một vài người, một nhóm người không thỏa hiệp đã đủ gây tai nạn hay ít nhất là những vấn nạn. Rác hay là thông thoáng hè đường, úng ngập chẳng hạn là những vấn nạn hàng chục năm qua có vẻ không giải quyết được.


Giao thông trong phố cổ Hà Nội những năm đầu thập niên 1990

Việc cơi nới và sửa chữa đô thị cũ cho đời sống mới đã bị coi là thất bại ở nhiều đô thị cổ trên thế giới, mặt khác việc đó làm biến mất các khu phố cổ, nên thay vì sửa chữa người ta thấy rằng nên giữ nguyên đô thị cổ làm di tích và sinh hoạt chậm, đi bộ và đi xe đạp, làm du lịch, còn lại chuyển sang xây dựng các đô thị mới và đô thị vệ tinh bao quanh, với nguyên tắc xây đường rồi mới xây nhà. Đường giao thông ít nhất chiếm 25% diện tích đô thị. Do những đặc thù riêng về hành chính và quy hoạch chưa tốt, Hà Nội rất lúng túng với đô thị cổ, nhất là giao thông và bảo tồn phố cổ, đồng thời các khu mới đường sá đôi khi được làm sau nhà cửa, khiến giao thông luôn ách tắc, nhất là giai đoạn mở rộng đường, làm cầu vượt, mà nhẽ ra cái này phải làm trước khi các chung cư hình thành.

3. Những bất cập của đô thị mới luôn nảy sinh bởi cái hố giàu nghèo mở rộng vô cùng. Người nghèo vẫn thiếu chỗ ở, người giàu thừa chỗ cho thuê, và Hà Nội cho đến nay mới bắt đầu có những căn nhà cho thuê chuyên nghiệp, còn phần lớn vẫn cho thuê tạm bợ, khách thuê bị đuổi bất kỳ lúc nào. Những người dân phố cổ xưa có xu hướng rời bỏ nhà cũ vốn đã bị phân cắt cho nhiều chủ, tìm nơi rộng hơn, xa hơn. Người có tiền mua dần lại từng căn hộ trong đó, mua xong, lập tức đập ngay nhà cổ, xây biệt thự và khách sạn mới. Những người ở lại co cụm trong những căn phòng gần thành ổ chuột, nhà vệ sinh và nhà bếp chung bắt đầu từ những năm 1980, được đưa về từng căn hộ tư nhân. Nguy cơ hỏa hoạn, sụt điện và thiếu nước sạch khá lớn.

(*) Xem các kỳ 1, 2, 3 trên TT&VH số ra ngày 15, 22, 29 tháng 7. Xem tiếp kỳ cuối ra ngày Chủ Nhật, 12/8.

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm