Nguyễn Ngọc Dân - 10 năm 'ngắm' Hà Nội qua dây điện

29/08/2013 07:29 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

>>> Giải Bùi Xuân Phái lần 6 - năm 2013

(lienminhbng.org) - Chuyên vẽ tranh về... dây điện. Là "bản đồ sống" về hệ thống dây điện của thủ đô. Dốc cả tỷ đồng tiền túi để làm một triển lãm sắp đặt - cũng về dây điện nốt. Đấy là họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân.

41 tuổi, quê gốc Hải Phòng, Dân học Mỹ thuật Yết Kiêu. Rồi sống tại Hà Nội. Vậy nhưng, "hành trình" đến với dây điện của anh chỉ bắt đầu từ năm 2002. Và liền tù tì từ đó tới nay, với gần 100 kí họa, 200 tranh sơn dầu và 3 triển lãm.

Những giọt nước long lanh trên dây điện

Đó là một ngày Dân có hân hạnh chờ vợ vài tiếng đồng hồ trước cổng cơ quan. Ngắm trời ngắm đất chán, rồi cũng tới lúc những búi dây điện loằng ngoằng trên đầu lọt vào mắt anh. Cảnh tượng không lạ, vì mỗi chúng ta đều có thể thấy những búi dây đó ở bất cứ nơi nào trên phố phường Hà Nội. Nhưng, vài tiếng đồng hồ ấy đủ để Dân bắt đầu thấy thích dây điện, với những suy ngẫm riêng của mình.

"Trông loằng ngoằng thế thôi, nhưng đường nét của dây điện có rất gì đó rất ngộ" - Dân cười - "Vừa hiện thực, vừa trừu tượng, vừa biểu cảm. Chẳng phải bây giờ, hễ nói tới những búi dây điện là các cậu giãy nảy lên, kêu ghê quá còn gì?".

HS Nguyễn Ngọc Dân bên những “bản đồ sống” dây điện

Cơ duyên bắt đầu như thế. Để giữ những góc nhìn độc đáo làm tư liệu, nhiều họa sĩ thường sử dụng máy ảnh hoặc camera. Còn Dân thì ký họa, với mấy tờ giấy và mẩu bút chì luôn kè kè bên mình. "Ký họa hay hơn chứ. Mình quen tay hơn, khi làm vậy thì cũng có luôn góc nhìn, có cảm xúc. Tới lúc vẽ thành tranh chỉ việc phát triển lên...".

10 năm quan sát và sáng tác về dây điện đủ để Nguyễn Ngọc Dân thuộc lòng về "bản đồ dây điện Hà thành". Anh kể vanh vách chỗ nào dây thẳng, chỗ nào dây cong, chỗ nào nhiều bốt sứ, chỗ nào vòng từ mặt đường vào trong ngõ. Rồi cả góc nhìn nữa. Có những nơi, dây điện chỉ "biểu cảm" vào ban đêm. Bởi, dưới ánh đèn, gặp mưa phùn, những giọt nước rơi xuống sẽ gặp dây, nối nhau chạy thành hàng và long lanh như sương.

Vẽ dây diện là vẽ về phố

Triển lãm đầu tiên với dây điện của Dân là Vắt qua phố (2007) với nhiều bức tranh. Tiếp đó là một triển lãm chung cùng các họa sĩ khác vào 2010, cũng với 5 bức tranh về dây điện. Độc giả và các nhà sưu tập thích, toàn bộ lượng tranh và ký họa đã được bán sạch tới giờ.

"Bán tranh là đủ tiền để làm cái Phố" - Dân kể. Cuối năm 2012, triển lãm sắp đặt Phố của Dân được tổ chức tại triển lãm Vân Hồ (Hà Nội) với một lượng hiện vật khổng lồ. Tất nhiên, "nhân vật" chính vẫn là dây điện. Kèm theo đó là loa phường, là 20 cột điện bằng sắt được đặt giữa phòng, là hàng chục xe lu, xe tải, xe gắn máy, xe cẩu, xe xúc, xe cứu hỏa, taxi chở khách, taxi tải cùng những tảng bê tông. Thậm chí, "giấy mời" dự triển lãm cũng được làm cách điệu theo những con sứ cuốn dây điện và "ngốn" của Dân gần 60 triệu đồng.

Báo chí và độc giả quan tâm tới Phố một cách đặc biệt. "Mất thêm một đống tiền cà phê, bia bọt để khao anh em"- Dân cười. Triển lãm tốn gần 1,2 tỷ đồng và tất nhiên không hề có ai tài trợ. Những hiện vật trưng bày sau đó được anh gom về, cất trong kho để... chờ làm một triển lãm tiếp theo.

Mỗi độc giả nhìn Phố của Dân theo một cách riêng. Người bảo đấy là sự độc đáo của Hà Nội trong buổi giao thời. Kẻ nói: đấy là thông điệp cảnh báo, cần chấm dứt ngay những nhếch nhác như thế. Hỏi, tác giả chỉ cười: đơn giản, tôi thấy dây điện là đặc trưng của Hà Nội trong thời gian này. Vẽ dây điện chính là vẽ về phố. Vẽ về phố chính là vẽ về cuộc sống đặc trưng của con người nơi đây. Đông đúc, phát triển, chen chúc bùng nổ khó kiểm soát... thì cũng là sự thật đang diễn ra, như nó phải thế và vẫn thế.

Rồi Dân cũng chịu nói thêm: "Tôi thích vẻ đẹp của Huế, Hội An, nhưng đó là vẻ đẹp của những không gian cũ, với tính chất như được đặt giữa bảo tàng. Còn, cái thú vị của  Hà Nội nằm ở chỗ: đó vừa là sự cổ kính ngàn năm, vừa là nơi có tốc độ hiện đại hóa và giao thoa văn hóa nhiều nhất, do tính chất thành phố - thủ đô của mình".

Ở Dân có sự hồn nhiên rất đáng yêu. Anh thích vẽ dây điện, nhưng cũng cổ vũ cho kế hoạch "ngầm hóa" toàn bộ dây điện mà thành phố đề ra từ nhiều năm nay. "Trong khi chờ tới lúc ấy, thì mình cứ vẽ đã. Nét đặc thù của dây điện luôn gợi ra những ý tưởng không bao giờ cạn...".

Kể  cũng đúng, với tốc độ triển khai "ngầm hóa" dây điện như hiện nay, Nguyễn Ngọc Dân có thể yên tâm để yêu và vẽ về nó trong hàng chục năm trời.

Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” được thành lập năm 2008 theo sáng kiến của gia đình danh họa Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những tác giả, tác phẩm, công trình, hoạt động, ý tưởng có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội.

Lúc 14h chiều nay 29/8, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. BTC Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội lần 6, năm 2013 sẽ trao thưởng cho các hạng mục đoạt giải.


Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm