13/02/2018 14:04 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Những ngày này, trên khắp nẻo đường Thủ đô Hà Nội ngập tràn sắc màu, khuôn mặt mỗi người đều rạng rỡ niềm vui, hồi hộp chờ đón khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời sang Xuân.
Hòa cùng dòng người xuống phố mới cảm nhận được không khí rộn ràng những ngày giáp Tết. Những khó chịu về kẹt xe, tắc đường nhường lại cho sự vui vẻ, cởi mở, dường như ai cũng nhẹ nhàng hơn, thân thiện hơn.
Trong tâm thức mỗi người dân, Tết vẫn là dịp đong đầy cảm xúc, gợi nên những yêu thương. Bà Đào Thị Hương Lan, trú tại quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, mặc dù đã được đón gần 50 cái Tết nhưng mỗi dịp Xuân về trong lòng bà lại bồi hồi, háo hức khó tả.
Chợ hoa Xuân là điểm đến không thể thiếu của người dân Hà Nội mỗi dịp Tết đến Xuân về. Họ đến để thỏa thú vui tao nhã, vừa thưởng lãm hoa Xuân vừa chọn mua những cây quất, cành đào hay bất kỳ chậu hoa ưng ý nào về nhà. Đây cũng là nếp sinh hoạt truyền thống rất đẹp của người Hà Nội được duy trì từ hàng trăm năm nay.
Nổi tiếng nhất trong số các chợ hoa vẫn là chợ hoa Hàng Lược nằm ở ngã tư phố Hàng Lược - Hàng Mã - Hàng Rươi - Hàng Khoai. Phiên chợ này chỉ họp duy nhất một lần trong năm. Từ xa xưa, nông dân các vùng trồng hoa Ngọc Hà, Tứ Liên, Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá... đã mang hoa, cây cảnh đến bán ở đây mỗi dịp Tết đến. Ngày nay, người bán muôn nơi có thể đưa hoa về đây nhưng nhiều gia đình ở Hà Nội vẫn giữ truyền thống đến chơi chợ, mua sắm và cảm nhận hương Xuân.
Khu vực chợ Bưởi - Hoàng Hoa Thám dịp Tết cũng rực rỡ sắc màu của các loại hoa. Dịp Tết, khu vực này luôn tấp nập cảnh mua bán từ sáng sớm đến đêm muộn. Vựa hoa của Hà Nội chính là Quảng An, Nhật Tân dịp này luôn là điểm đến hấp dẫn người dân Thủ đô và khách du lịch. Ngoài chợ hoa Quảng An, nhiều chợ hoa Xuân dọc đường Âu Cơ, Lạc Long Quân hình thành trong dịp Tết để thỏa lòng du khách chơi chợ, mua sắm.
Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân Thủ đô và du khách, tạo không khí vui tươi những ngày Xuân mới và hơn cả để giữ gìn nét văn hóa truyền thống từ bao đời nay.
Các hoạt động Tết Việt được tổ chức ở Hoàng Thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội, đình làng So (huyện Quốc Oai)... như gợi nhắc mọi người giữ gìn nét văn hóa xưa. Mọi người đến đây cảm nhận không gian đón Tết của một gia đình Hà Nội, được xem lại không gian thờ trong ngày Tết, trải nghiệm gói bánh chưng cùng các trò chơi dân gian…
Đúng ngày Tết “ông Công ông Táo”, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phục dựng lễ dựng cây nêu Tết, tái hiện các phong tục Tết cổ truyền của người Việt Nam.
Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho rằng, các hoạt động trên nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, ngày 24 tháng Chạp, Hội chữ Xuân truyền thống diễn ra tại khu vực hồ Văn thuộc Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhằm tôn vinh nghệ thuật viết thư pháp của cha ông xưa. Hàng ngàn người đã đến đây “xin chữ” ngày Xuân cầu mong học hành hanh thông, thành đạt trong sự nghiệp, trong đó rất đông người từ tỉnh xa đến.
Những ngày này, Hà Nội rực rỡ đèn hoa đón mừng Xuân mới càng khiến lòng người thêm náo nức. Hồ Hoàn Kiếm nhuộm thắm sắc màu của các bồn hoa và cụm trang trí. Đi trên đường Thanh Niên, Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ, Tràng Tiền, Tràng Thi, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ... vào buổi tối mới cảm nhận hết sự trang hoàng rực rỡ nhưng không kém phần tinh tế từ ánh đèn trang trí. Không lòe loẹt như trước, đèn chiếu sáng đường phố giờ nhẹ nhàng hơn, phù hợp với chiều sâu văn hóa của Hà Nội. Hà Nội cũng tổ chức treo 2.500 băng rôn trên các tuyến phố chào Xuân mới từ nguồn xã hội hóa.
Ông Trần Quốc Chiêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, thành phố còn trang trí, lắp dựng các cụm pano cố định tại khu vực trung tâm và cửa ngõ Thủ đô như: 4 cụm pano tấm lớn cố định tại khu vực ngoại thành vùng ven Phú Xuyên, Xuân Mai, Ninh Hiệp và Dương Xá; 10 cụm pano tấm lớn tại nội thành tại phố Trần Nhân Tông, Cát Linh - Giảng Võ; 10 cụm pano 2 mặt tại các khu vực trung tâm thành phố, trang trí hệ thống cổng vòm trên đường Võ Chí Công, khu vực Ngân hàng Nhà nước.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Người dân Thủ đô đang háo hức chờ đón Xuân sang, thưởng ngoạn những màn pháo hoa nhiều sắc màu đêm giao thừa, thư thái du Xuân ngày đầu năm với nhiều dự định và kỳ vọng tốt đẹp.
Đinh Thuận
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất