09/01/2022 07:33 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Xác định văn hóa ứng xử là một trong những giá trị cốt lõi tạo nên văn hóa người Tràng An, nhiều năm qua, Hà Nội rốt ráo triển khai, lan tỏa Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào thực tiễn.
Sau 5 năm triển khai, bên cạnh những chuyển biến tích cực làm thay đổi nhận thức và ý thức của người dân, việc thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử còn không ít tồn tại. Thành phố cũng đang triển khai nhiều hướng đi mới nhằm phát huy hiệu quả của việc thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử, tạo ra nét văn hóa riêng cho người Hà Nội.
* Chuyển biến chưa đồng bộ
Không khó có thể thấy tại nhiều khu vực công cộng trên địa bàn Hà Nội, người dân vẫn còn thiếu ý thức trong việc ứng xử với không gian chung. Tình trạng xả rác còn diễn ra thường xuyên tại đường phố, công viên; tại nhiều điểm kinh doanh, người ta còn chen lấn, không xếp hàng hoặc nhường nhịn nhau; việc cãi cọ, lớn tiếng với nhau thường xuyên xảy ra; nhất là thời điểm này rất nhiều người không chấp hành các quy định trong phòng, chống dịch COVID-19... Còn tại các cơ quan, đơn vị, nhiều nơi cũng chưa thật sự sát sao trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử.
Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thị Mỹ Linh cho rằng, một số cơ quan, đơn vị hay nhiều người dân vẫn nghĩ, triển khai Quy tắc ứng xử là việc của ngành văn hóa nên chưa thực sự vào cuộc. Nhiều cán bộ, công chức vẫn còn chưa ý thức thực hiện, mặc nhiên nghĩ mình đã thực hiện tốt Quy tắc ứng xử. Việc phối hợp thực hiện giữa các phòng ban, đơn vị còn yếu; công tác đánh giá cán bộ thông qua thực hiện Quy tắc ứng xử còn chưa sát sao và cũng chưa có hình thức xử lý nếu cán bộ, công chức thực hiện chưa tốt.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh cũng cho rằng, tại một số không gian như chợ, việc thực hiện Quy tắc ứng xử vẫn còn khó khăn, rất khó để tuyên truyền văn minh thương mại. Đây là những vấn đề những người làm văn hóa trăn trở, làm thế nào để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Cũng theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai thực hiện hai Quy tắc ứng xử thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa cao, khi triển khai Quy tắc ứng xử chưa có tính sáng tạo.
Một số nơi, đặc biệt là những điểm công cộng, nhận thức của một bộ phận người dân cũng chưa tốt đến hiệu quả thực hiện Quy tắc ứng xử chưa đạt như mục tiêu thành phố đề ra.
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố cũng xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người dân gây bức xúc dư luận. Cơ quan chức năng cũng vào cuộc xử lý. Song đó chỉ là con số khiêm tốn so với thực tế đang diễn ra. Điều quan trọng, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh làm chuyển biến ý thức và hành động của người dân, tạo nên sự bền vững trong chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
* Lan tỏa các mô hình hay
Trong quá trình triển khai Quy tắc ứng xử vào cuộc sống, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương sáng tạo ra các mô hình hay, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Các mô hình này được nhân lên ở các phường, xã, thị trấn, khu dân cư, được người dân nhiệt tình hưởng ứng.
Lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin quận Long Biên cho biết, bên cạnh việc treo Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại 194 nhà văn hóa và tất cả các di tích trên địa bàn, quận Long Biên có xây dựng mô hình Tổ dân phố xanh, sạch, đẹp, văn minh theo 4 tiêu chuẩn và 16 tiêu chí; trường học xanh, sạch, đẹp, văn minh, hạnh phúc; tuyến đường hoa; xây dựng 34 điểm luyện tập thể thao. Đối với Tổ dân phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, hàng năm, quận đều có đánh giá và khen thưởng các mô hình tiêu biểu.
Theo ông Kiều Cao Trinh, Phó phòng Chính trị, tư tưởng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm 2021 cũng là năm thứ 10 ngành Giáo dục Hà Nội thực hiện việc giảng dạy Bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh phổ thông.
Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học xây dựng Bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh mầm non lớp 5 tuổi. Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, số tiết hoạt động ngoại khóa, giáo dục lịch sử địa phương tăng lên gấp 3 lần, rất phù hợp cho việc đưa những nội dung của Quy tắc ứng xử vào hoạt động ngoại khóa trong nhà trường.
Hiện nay, Hà Nội đã triển khai 10 mô hình thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng và ở các cơ quan, đơn vị. Bản thân các cơ quan, đơn vị cũng đang tìm kiếm kinh nghiệm những mô hình nào hiệu quả, mô hình nào chưa phát huy tác dụng để cải tiến, nhân rộng. Trong công tác tuyên truyền, ngành văn hóa Hà Nội cũng lấy con người, gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học là hạt nhân để tuyên truyền; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền nhằm đạt hiệu quả cao, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 hiện nay.
Nhiều người cũng đề xuất cần phải đổi mới hơn nữa hình thức tuyên truyền, vận động thực hiện Quy tắc ứng xử, tăng cường các hội thi để tuyên truyền. Đặc biệt, phải có chế tài xử lý đối với việc thực hiện Quy tắc ứng xử nhằm khắc phục những trường hợp thiếu ý thức trong khi thực hiện Quy tắc ứng xử.
Đinh Thuận/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất