03/11/2021 21:56 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Không thể giãn cách, phong tỏa mãi, Hà Nội đang dần trở lại nhịp sống bình thường mới. Các cơ quan, công sở, hàng quán, trung tâm thương mại… đã mở cửa trở lại. Người dân không còn “chôn chân” bức bối ở nhà tránh dịch mà đã lao ra đường để mưu sinh hay tận hưởng những phút giây thư thái ngoài trời.
Trường học chuẩn bị mở cửa để đón các em tới lớp. Tuy nhiên, đằng sau sự yên ả đó đang là những con sóng ngầm khi những ngày gần đây các ổ dịch COVID -19, những ca F0 đang tăng nhanh ngoài cộng đồng.
Trước tình hình đó, để thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch bệnh, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 cao hơn so với kịch bản hiện nay, đồng thời tính đến các phương án quản lý F1, F0 với những bước đi phù hợp điều kiện thực tế của thành phố.
Từ việc liên tục, khẩn trương truy vết, tìm người
Trong sáng 3/11, Hà Nội đã phát đi hai thông báo khẩn tìm người liên quan đến ca F0. Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) thông báo tìm người đến ăn uống hoặc liên quan đến Nhà hàng Wang Wang Gamuda tại đường 2.4 Khu đô thị Gamuda Gardens, phường Trần Phú, trong thời gian từ 19 giờ ngày 26/10/2021 đến ngày 31/10/2021.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận Ba Đình thông báo, tất cả những người từng đến các địa chỉ (nơi ca F0 từng đến) gồm: Quán Bún ốc số 19 Kim Mã Thượng từ 11 giờ ngày 28/10/2021 đến 9 giờ ngày 2/11/2021; Ngân hàng Đông Á địa chỉ 3A Láng Hạ từ 15 giờ - 17 giờ ngày 29/10/2021; quán phở gà số 8 Nguyễn Đình Thi từ 7 giờ 30 phút – 9 giờ ngày 30/10/2021; Ocean Golf tầng 2 số 559 Kim Mã từ 10 giờ - 11 giờ và từ 16 giờ - 17 giờ ngày 30/10/2021; quán Cafe số 100 Vạn Phúc (phường Liễu Giai) từ 20 giờ - 22 giờ ngày 30/10/2021; Xích bia số 68 Nguyên Hồng từ 11 giờ - 13 giờ ngày 31/10/2021; Phở gà 61 phố Đào Tấn từ 8 giờ - 9 giờ ngày 1/11/2021; nhà 1/101 Đào Tấn từ 15/10/2021 - 2/11/2021. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương trên yêu cầu tất cả những người từng đến các địa điểm trên tự cách ly tại nhà và liên hệ với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn hoặc gọi điện đến số đường dây nóng Trạm Y tế phường Trần Phú: 096.486.3646 hoặc 0243.861.3285; Trung tâm Y tế quận Ba Đình (Khoa Kiểm soát dịch bệnh, số điện thoại : 02438432113 ); Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. số điện thoại: 0969.082.115 hoặc số 0949.396.115 để được tư vấn, hướng dẫn.
Sở Y tế Hà Nội thông báo, trong ngày 3/11, thành phố ghi nhận thêm 67 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong do có 16 ca tại cộng đồng.
Thành phố đang có 6 ổ dịch mới với mức độ lây lan nhanh, phức tạp. Trong đó, ổ dịch tại thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh) ghi nhận thêm 28 ca mắc mới, là người sống trong khu phong tỏa hoặc F1 của các bệnh nhân dương tính trước đó, đã được chuyển đi cách ly tập trung. Đây cũng là một trong hai ổ dịch nóng nhất Hà Nội hiện nay với tổng số 82 ca dương tính đã được ghi nhận, tính từ 27/10 tới nay.
Chùm liên quan ổ dịch tại Sài Sơn, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai có thêm 3 ca, nâng tổng số ca ghi nhận tại đây lên 113 ca. Thành phố hiện có 48/729 điểm phong tỏa với khoảng 15.400 người.
Thành phố đã rà soát, quản lý và giám sát sức khỏe 9.272 người từ các tỉnh, thành phố phía Nam, phát hiện 50 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; trong đó, về từ Thành phố Hồ Chí Minh có 34 ca, Đồng Nai có 7 ca, Bình Dương có 3 ca, Quảng Ngãi có 2 ca, Tây Ninh 1 ca...
...đến thích ứng linh hoạt
Trước yêu cầu thực tế, Chính phủ đã chuyển hướng từ chủ trương "Zero COVID-19" sang thích ứng an toàn, linh hoạt để nỗ lực đạt được hai mục tiêu là kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội.
Ở Hà Nội, nguy cơ dịch COVID-19 hiện vẫn còn rất cao, có khu vực dịch đã ngấm sâu trong cộng đồng. Thành phố Hà Nội xác định chủ động cao hơn một mức so với thực tiễn, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Thủ đô.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội đã chuẩn bị mức độ cao nhất các điều kiện phục vụ điều trị, cách ly, với quan điểm xuyên suốt là F1 cách ly tập trung, F0 điều trị tại bệnh viện. Đồng thời, thành phố tăng cường cho cơ sở y tế về mọi mặt, tiếp tục củng cố, nâng cao về nhân lực, trang thiết bị cho cơ sở y tế hạng 1.
Thời gian tới, để thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch bệnh, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 cao hơn so với kịch bản hiện nay, đồng thời tính đến các phương án quản lý F1, F0 với những bước đi phù hợp điều kiện thực tế.
Tại cuộc làm việc với thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 2/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị, Hà Nội phải lên các kịch bản chống dịch COVID-19 vừa phải chặt nhưng đồng thời cần tập dượt cách ly F1, điều trị F0 tại nhà để thành quy trình có thể ứng phó khi dịch lan rộng.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh, khi đã sẵn sàng chấp nhận có dịch COVID-19, hệ thống giám sát y tế toàn xã hội, nhất là hệ thống trường học, cơ sở y tế phải nâng mức cảnh báo phòng, chống dịch lên một bước so với trước đây.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, nhiệm vụ thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả; yêu cầu các cơ sở tiêm chủng sử dụng ứng dụng nền tảng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.
Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn không để bị động; tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị ở cấp cơ sở để phân loại, điều trị; nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở như: nhân lực, thuốc, tập huấn công tác hồi sức cấp cứu phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Cùng với đó, tăng cường quản lý giám sát và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người về từ các địa phương khác, đặc biệt có yếu tố dịch tễ liên quan và từ các tỉnh có dịch trở về, yêu cầu thực hiện nghiêm việc tự giám sát, theo dõi sức khỏe tại nhà; kiểm tra, xử phạt nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định của Trung ương và thành phố, gắn với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp; tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch phát sinh trên địa bản.
Bên cạnh đó, thành phố tăng cường tuyên truyền nhằm thúc đẩy tính tự giác, tích cực của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt là hướng dẫn các biện pháp thích ứng an toàn, nâng cao nhận thức của người dân để thích ứng trong tình hình mới.
Các sở, ngành, địa phương tập trung tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, ổn định đời sống nhân dân, mở cửa trở lại các hoạt động giao thông, giáo dục, dịch vụ ... Đồng thời tiếp tục tuân thủ nghiêm phương châm “5K + vaccine + điều trị + công nghệ và đề cao ý thức của nhân dân ”; không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi đã tiêm đủ hai mũi vaccine.
Đối với việc đi học trở lại của học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã tập trung chỉ đạo hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho học sinh trở lại trường. Thành phố đã đồng ý cho học sinh nhiều khối lớp đi học trở lại trường học từ ngày 8/11/2021.
Hiện nay, thành phố đã tiêm được trên 9,6 triệu mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó tiêm được hơn 6 triệu mũi 1, đạt 92,3 % dân số trên 18 tuổi và 69,4 % tổng dân số; tiêm được hơn 3,5 triệu mũi 2, đạt 55,4 % dân số trên 18 tuổi và 41,6 % tổng dân số.
Thành phố Hà Nội đề xuất Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo Bộ Y tế bố trí sớm, đủ vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho người dân. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về cách đánh giá cấp độ dịch tại cấp huyện, tỉnh (hiện nay theo hướng dẫn mới chỉ có đánh giá ở cấp xã và nhỏ hơn) để trên cơ sở đó có các biện pháp thích ứng, phù hợp và linh hoạt.
Thành phố Hà Nội cũng đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể về tần suất và tỷ lệ thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với các nhóm đối tượng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó, hướng dẫn cụ thể về công tác xét nghiệm và cách ly y tế đối với người từ vùng dịch về phù hợp với tình hình thực tế vì có nhiều ca bệnh được phát hiện đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 nhưng vẫn lây nhiễm thứ phát cho người khác.
Khôi Nguyên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất