23/02/2022 07:05 GMT+7 | Tin tức 24h
(lienminhbng.org) - Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22/2 số ca mắc mới tại Thành phố được ghi nhận là 1.356, số ca nhập viện trong ngày là 334. So với những ngày trước, số ca nhập viện tăng nhưng số ca bệnh nặng và tử vong vẫn đang ở mức thấp.
Qua kết quả giám sát cho thấy Omicron đang là biến chủng chủ yếu gây bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngành Y tế Thành phố đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên để giám sát sự lưu hành biến chủng Omicron trong cộng đồng. Kết quả ghi nhận từ ngày 10-17/2/2022, trong 92 mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thì có 70 mẫu có kết quả PCR sàng lọc dương tính với biến chủng Omicron, chiếm 76%.
Lấy ngẫu nhiên 26/70 mẫu sàng lọc dương tính này để thực hiện giải trình tự gen đã xác định 100% là biến chủng Omicron. Như vậy Omicron đang là biến chủng gây bệnh chủ yếu tại Thành phố. Điều này phù hợp với tình hình dịch bệnh đang gia tăng trong thời gian gần đây.
Trước tình hình biến chủng Omicron lây lan tại cộng đồng, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó tập trung hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân giai đoạn 2. Chiến dịch này sẽ kết thúc vào ngày 29/2. Trong giai đoạn 2 này, Thành phố đã tiêm được mũi 1 thêm cho hơn 6.000 người, mũi 2 cho hơn 26.000 người và mũi bổ sung, nhắc lại cho hơn 85.000 người.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, để tăng cường miễn dịch trước biến chủng Omicron thì tiêm chủng là biện pháp cực kỳ quan trọng. Do đó, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tiếp tục tổ chức, mời gọi người dân ra tiêm chủng. Người dân cần chủ động liên hệ địa phương để được tiêm chủng khi tới lượt.
Bên cạnh tiêm chủng, chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cũng cần được tiếp tục đẩy mạnh. Trong đó lưu ý, người thuộc nhóm nguy cơ gồm cả trẻ em có tình trạng béo phì, cập nhật quy trình xử lý F0 phù hợp với tình hình mới.
Để làm giảm tốc độ lây lan dịch bệnh, mỗi người cần lưu ý thực hiện phòng bệnh theo thông điệp 5K, hạn chế việc tập trung đông người trong những không gian kín, khi có triệu chứng bệnh cần tự cách ly ngay. Nếu xét nghiệm dương tính, người dân khai báo cho y tế địa phương để được quản lý, chăm sóc và điều trị, cũng như tuân thủ quy định cách ly để hạn chế lây nhiễm cho người khác.
Sở Y tế cũng đã tổ chức cuộc họp với các chuyên gia Nhi khoa về tổ chức, thu dung điều trị khi số trẻ em mắc COVID-19 gia tăng; chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra khi số ca mắc gia tăng.
Ngành tập huấn cho hệ thống y tế việc thu dung, chăm sóc, điều trị trẻ mắc COVID-19 ở các mức độ từ nhẹ đến nặng; tập huấn cho giáo viên quy trình xử trí F0, xử trí các dấu hiệu bệnh COVID-19, nhận biết các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng; chuẩn bị sẵn sàng việc tổ chức tiêm chủng cho trẻ 5-12 tuổi khi có hướng dẫn từ Bộ Y tế.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 14-22/2, số ca mắc mới ở trẻ em tăng cao gấp 3 lần so với tuần trước (từ 7-13/2). Cụ thể, trong tuần qua ghi nhận 7.505 ca mắc trong trường học, bao gồm 706 giáo viên và 6.799 học sinh, trong đó cấp Mầm non có 394 em, Tiểu học có 2.786 em, Trung học cơ sở có 1.875 em, Trung học phổ thông – Giáo dục thường xuyên có 1.744 em. Số trường học phát sinh ca nhiễm tuần qua cũng tăng, với 201 trường.
Trước tình hình trên, Sở Y tế Thành phố đang theo dõi sát diễn tiến số ca mắc, số ca nặng cần hỗ trợ hô hấp tại bệnh viện để kịp thời tham mưu cho UBND Thành phố xem xét ngưng việc học trực tiếp nếu số trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp nhiều hơn 100 ca/ngày. Hiện nay, mỗi ngày có 5 ca trẻ em cần hỗ trợ hô hấp.
Xuân Anh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất