11/05/2020 12:44 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Trong bối cảnh có nhiều thay đổi về nguồn cấp nước cũng như nhu cầu sử dụng của người dân, Sở Xây dựng Hà Nội đã xây dựng "kịch bản" bảo đảm cung cấp nước sạch mùa Hè năm 2020 với dự kiến nhu cầu ở lúc cao điểm nắng nóng khoảng 1,25 - 1,3 triệu m3/ngày, đêm.
Để kế hoạch cấp nước sạch mùa Hè 2020 được khả thi, cùng với việc chủ động nguồn cấp, Hà Nội đã có giải pháp dự phòng khi thiếu nguồn; đồng thời, yêu cầu các nhà đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các dự án phát triển nguồn và mạng cấp nước.
Cơ bản đáp ứng nhu cầu nước sạch
Tính đến tháng 10/2019, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 1,52 triệu m3/ngày, đêm, tăng 623.000m3/ngày, đêm so với năm 2016.
Theo đó, nguồn cấp từ các nhà máy nước do Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Nội quản lý với công suất khoảng 672.000m3/ngày, đêm. Nguồn cấp từ Nhà máy nước mặt sông Đà cấp cho Hà Nội trung bình khoảng 250.000 - 280.000m3/ngày, đêm trên tổng công suất Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 1 là 300.000m3/ngày, đêm. Nguồn cấp từ 3 trạm cấp nước (Hà Đông cơ sở 1, cơ sở 2 và trạm Dương Nội) do Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Đông quản lý với công suất khoảng 70.000m3/ngày, đêm.
Nguồn cấp từ 2 trạm cấp nước (Sơn Tây 1 và 2) do Công ty cổ phần cấp nước Sơn Tây quản lý công suất khoảng 27.000m3/ngày, đêm trên công suất thiết kế nhà máy 30.000 m3/ngày, đêm. Nguồn cấp từ Nhà máy nước mặt sông Đuống đã hoàn thành giai đoạn có công suất thiết kế là 300.000m3/ngày, đêm (có thể nâng công suất lên 360.000m3/ngày, đêm). Các nguồn cấp nước cục bộ như Nhà máy nước Ba Vì 15.000m3/ngày, đêm...
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, với tổng công suất các nguồn cấp hiện nay Hà Nội hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho nhân dân và dự trữ cho phát triển, mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn, thay thế nguồn nước ngầm kém chất lượng. Bởi, thực tế nhu cầu sử dụng nước tại các khu vực đã được đầu tư hệ thống mạng lưới cấp nước trung bình từ 1,15 - 1,25 triệu m3/ngày, đêm.
Sở Xây dựng cũng khẳng định, với tốc độ phát triển đô thị (số khách hàng đấu nối tăng thêm trên 6%) và dự kiến thời gian cao điểm nắng nóng mùa Hè năm nay nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng 5 -10%, khoảng từ 1,25 - 1,3 triệu m3/ngày, đêm thì Hà Nội cơ bản đáp ứng đủ nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân với tỷ lệ cấp nước đạt 100% và chỉ tiêu khoảng 100 - 150 lít/người/ngày.
Giải pháp dự phòng khi thiếu nguồn
Mặc dù khẳng định nguồn cung cấp nước sạch của Hà Nội hoàn toàn đáp ứng nhu cầu dùng nước của nhân dân, song, Hà Nội vẫn có kế hoạch dự phòng để bảo đảm cấp đủ nguồn nước trong các tình huống khi thiếu nguồn nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà hay Nhà máy nước mặt sông Đuống - hai đơn vị cấp nước chiếm tỷ trọng lớn hiện nay.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, khi có sự cố vỡ ống hoặc giảm áp lực, thiếu nguồn từ Nhà máy nước mặt sông Đà, Hà Nội sẽ khẩn trương xử lý bằng các giải pháp vận hành đồng bộ.
Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) vận hành tối ưu nhà máy và van điều tiết đảm bảo tuyến ống truyền dẫn số 1; chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ vật tư, vật liệu, ống dự phòng, phương tiện, thiết bị và nhân lực thi công thực hiện sửa chữa, khắc phục sự cố vỡ ống để cung cấp nước cho nhân dân nhanh nhất.
Thời gian sửa chữa, khắc phục không kéo dài quá 10 giờ/1 điểm vỡ. Vận hành điều tiết trạm bơm tăng áp Tây Mỗ và đoạn tuyến từ trạm tăng áp đến vành đai 3 để duy trì nguồn cấp cho khu vực nội đô và tăng áp, bổ sung lưu lượng cấp nước cho khu vực khi sửa chữa, bảo dưỡng tuyến số 1 sông Đà. Bổ sung công trình thu, trạm bơm nước thô từ sông Đà (khi mực nước thấp) để lấy nước cho nhà máy hoạt động, đồng thời cải tạo kênh dẫn nước thô đảm bảo ổn định cấp nước...
Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống điều tiết bổ sung nguồn cấp cho Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Đông. Theo đó, Công ty cổ phần Viwaco và Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Đông phối hợp cùng Công ty nước mặt sông Đuống xây dựng phương án bổ sung nguồn nước mặt sông Đuống để đảm bảo cung cấp nước, giảm thiểu ảnh hưởng về cấp nước cho địa bàn quản lý khi có sự cố đường ống cấp nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà và trong thời gian bảo dưỡng, sửa chữa khắc phục.
Trong trường hợp có sự cố hoặc bảo dưỡng, sửa chữa đường ống truyền dẫn của Nhà máy nước mặt sông Đuống, Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống xây dựng phương án sửa chữa khắc phục sự cố đường ống truyền tải nước mặt sông Đuống, đặc biệt các đường ống qua sông để đảm bảo kế hoạch cấp nước an toàn, xây dựng phương án cấp nước giảm thiểu ảnh hưởng do thiếu nguồn cấp từ nhà máy nước mặt sông Đuống.
Công ty nước sạch Hà Nội vận hành tối đa công suất các nhà máy công ty đang quản lý để bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy nước mặt sông Đuống. Công ty cổ phần nước đầu tư nước sạch sông Đà tăng công suất, bổ sung nguồn cấp cho Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Đông, Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Nội, bù đắp nguồn nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng, để đảm bảo công tác cung cấp nước sạch mùa hè 2020, Sở yêu cầu các công ty nước sạch phải rà soát kỹ và xây dựng các giải pháp, biện pháp cụ thể, chi tiết nhằm khắc phục tình trạng khó khăn về nước sạch trong mùa Hè năm nay, đặc biệt với tình huống sự cố vỡ tuyến 1 sông Đà; trường hợp Nhà máy nước mặt sông Đà, Nhà máy nước mặt sông Đuống gặp sự cố phải ngừng cấp nước.
Phát triển mạng lưới
Theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội, đến năm 2020 tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn Thủ đô phải đạt 100%. Thế nhưng, tính đến thời điểm này, mặc dù khu vực đô thị đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ dân được cấp nước sạch, song, khu vực nông thôn mới đạt khoảng 75%. Một số khu đô thị mới đưa vào sử dụng chưa có mạng lưới cấp nước đồng bộ, một số khu vực sử dụng nguồn nước từ các trạm cấp nước cục bộ nên vào cao điểm mùa hè có thể thiếu nước cục bộ…
Tại phiên giải trình cuối quý III/2019 của HĐND thành phố Hà Nội về việc cung cấp nước sạch, Hà Nội cũng đã có những chỉ đạo về kế hoạch, lộ trình để sớm đưa các dự án đầu tư phát triển nguồn và mạng lưới cấp nước vào hoạt động. Tuy nhiên, tính đến 30/11/2019, vẫn còn nhiều dự án chưa hoàn thành, thậm chí chưa thực hiện.
Có thể kể đến dự án Nhà máy nước sông Đà giai đoạn II hợp phần 1 chưa thi công tuyến ống giai đoạn 2 và nâng công suất nhà máy; Nhà máy nước sông Đà giai đoạn II hợp phần 2 chưa thực hiện nâng công suất lên 600.000m3/ngày, đêm và chưa đầu tư bể chứa trung gian, tuyến ống truyền tải dài 40km do thay đổi chủ sở hữu, điều chỉnh phương án thiết kế.
Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Nhà máy nước sông Hồng chưa thi công do kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của tuyến ống dẫn nước sạch chưa được HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt, chưa có hướng dẫn cụ thể về đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng các tuyến ống dẫn đến hạn chế khả năng sử dụng đất khi thi công xây dựng tuyến ống cho người dân.
Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư phát triển mạng cho khu vực nông thôn chậm tiến độ hoặc có nguy cơ chậm tiến độ như: Nối mạng cấp nước 3 xã Xuân Phú, Vân Nam và Vân Phúc (huyện Phúc Thọ); xây dựng hệ thống cấp nước 2 xã Long Xuyên và Thượng Cốc (huyện Phúc Thọ); xây dựng hệ thống cấp nước sạch 8 xã của huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận; xây dựng hệ thống đường ống cung cấp nước sạch cho 11 xã Yên Sơn, Phượng Cách, Sài Sơn, Đồng Quang, Cộng Hòa, Tân Hòa, Tân Phú, Đại Thành, Hòa Thạch, Phú Cát và Đông Yên (huyện Quốc Oai)…
Với thực trạng nhiều dự án chậm tiến độ như hiện nay, mục tiêu về tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 100% vào năm 2020 theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội là khó về đích. Do vậy, Hà Nội đang yêu cầu các nhà đầu tư phải tập trung nguồn lực, khẩn trương triển khai các dự án phát triển nguồn, mạng lưới cấp nước đã được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, có 4 dự án cấp nguồn phải hoàn thành trong năm 2020 - 2021; 9 dự án phát triển mạng hoàn thành trong năm 2020.
Minh Nghĩa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất