11/07/2016 20:11 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Formosa Hà Tĩnh đã tự ý điều chỉnh công nghệ xử lý cốc khô sang xử lý cốc ướt phát tán nhiều chất thải, đặc biệt là khí thải ra môi trường.
Trong phiên họp thứ 50 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 11/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đã cho biết, qua công tác kiểm tra phát hiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp (Formosa Hà Tĩnh) có 53 hành vi vi phạm hành chính. Nghiêm trọng nhất là việc công ty này đã tự ý thay đổi, điều chỉnh công nghệ xử lý cốc khô sang xử lý cốc ướt.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường - Trần Hồng Hà cho biết, Formosa Hà Tĩnh đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm, có 6 nhà thầu nước ngoài mà chủ yếu là Trung Quốc liên quan tới việc chuyển giao công nghệ, lắp ghép thiết bị, vận hành xử lý nước thải... đang làm việc.
Qua kiểm tra, thanh tra, Bộ đã phát hiện 53 vi phạm hành chính liên quan đến thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công. Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là việc Formosa Hà Tĩnh đã tự ý thay đổi, điều chỉnh công nghệ xử lý cốc khô (công nghệ thân thiện với môi trường) sang xử lý cốc ướt, công nghệ phát tán nhiều chất thải, đặc biệt là khí thải ra môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thông tin thêm, hiện nay do đang trong quá trình chạy thử, nguồn thải nguy hiểm nhất là lò luyện cốc. Vừa qua, lò luyện cốc mới đang chạy thử được khoảng 1/4 công suất. Khi lò luyện cốc này hoạt động đúng công suất, vận hành đầy đủ thì các cơ quan chức năng sẽ phải kiểm tra chặt chẽ để đáp ứng và kiểm soát được việc xử lý chất thải. Hiện, sau khi Formosa đã thừa nhận trách nhiệm và khắc phục hậu quả, Chính phủ cũng đã triển khai đồng bộ các công việc liên quan đến giám sát và yêu cầu họ khắc phục các tồn tại.
Về người lao động nước ngoài ở Formosa, Thứ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Phạm Minh Huân cho biết Bộ đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra cùng với UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra việc cấp giấy phép. Hiện 70% lao động ở Formosa đã được cấp giấy phép. "Con số của các nhà thầu luôn biến động theo từng giai đoạn. Hiện việc cấp giấy phép giao cho địa phương (Hà Tĩnh-PV) quản lý và được thực hiện theo đúng quy định", ông Phạm Minh Huân cho biết.
Mặc dù các đại biểu đều cho rằng, việc xử lý sự số môi trường trên đã được thực hiện đồng bộ, tuy nhiên vẫn cần phải làm rõ những vấn đề khác để trong kỳ họp tới của Quốc hội có thể trả lời cho cử tri.
Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần phải rà soát, làm rõ nguyên nhân khách quan trong phê duyệt thẩm định dự án. “Với dự án đầu tư nước ngoài cấp phép tới 70 năm trên diện tích lớn, địa bàn nhạy cảm, sau dự án này chúng ta có nên tính lại xem, với loại dự án như vậy thì có nên đưa vào loại dự án phải được phê duyệt cấp quốc gia hay không, có cần phải tính toán điều chỉnh quy mô dự án, điều chỉnh lại ưu đãi hay không?”, ông Hà Ngọc Chiến đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Lê Thị Nga cũng kiến nghị, từ câu chuyện của Formosa Hà Tĩnh, ngoài tổng thể dự án đầu tư, cần đặc biệt rà soát lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án hiện nay. “Đã từng có rất nhiều vụ việc về môi trường xảy ra, chúng tôi đồng tình với kiến nghị của Ủy ban Kinh tế Quốc hội là Chính phủ cần rà soát lại việc xả thải của các Khu công nghiệp hiện nay. Cũng cần kiểm tra lại việc báo chí đã phản ánh có những bản đánh giá tác động môi trường được sao chép, cắt gián giữa các dự án”, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Liên quan đến sự cố môi trường biển nghiêm trọng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên & nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng đặt câu hỏi về ảnh hưởng đối với khu vực du lịch, dịch vụ ở 4 tỉnh miền Trung. Về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận: “Hiện chúng tôi cũng rất lo ngại vì đến nay các nhà hàng ở miền Trung chưa ai dám ăn hải sản, khách du lịch cũng chưa dám tắm biển, ảnh hướng đến đời sống của ngươi dân nơi đây”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, trong các nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm, Chính phủ cũng chưa nêu giải pháp cho vấn đề này, nhưng trong tuần này Chính phủ sẽ họp bàn về phát triển du lịch, chắc chắn sẽ bàn kỹ hơn về giải pháp về du lịch cho 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Tin tức/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất