20/07/2015 11:49 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Người đàn ông trong chiếc áo quân đội xanh đã sờn màu bỗng đứng thẳng lên gọi chúng tôi tới. Chân trái ông là chân… giả, bằng gỗ, gắn từ phần đùi khiến ông phải mang theo một cây gậy ba-toongđể đi cho vững.
Ông đội mũ quân phục, đeo một chiếc túi đen có đựng 2 chai nước suối. Khuôn mặt hồng hào, dáng vẻ nhanh nhẹn, đeo kính và đôi môi luôn cười. Ông gọi chúng tôi: “Ra đây. Yêu bóng đá phải thế này chứ”.
Ông giới thiệu mình là Hoàng Như Hợi, ngoài 70 tuổi, thương binh loại 2/4 (tỉ lệ thương tật 61% trở lên) đến mua vé xem Man City thi đấu “vì hâm mộ cả đội Tây lẫn ĐT Việt Nam mình”.
Đi lại khó khăn, ông Hợi nhờ một người em trong nhà chở mình trên chiếc xe thương binh 3 bánh xuất phát từ nhà riêng tại Hà Đông lúc 4h sáng, để được cầm trên tay đôi vé mệnh giá 1 triệu đồng lúc gần 8 giờ.
Ông có vẻ vui và hồi hộp. Trán lấm tấm mồ hôi. Đang ngồi, ông lại chống gậy đứng lên đợi nhân viên sân Mỹ Đình đọc tên, rồi lục đục đi vào cửa, xuất trình giấy tờ cần thiết.
“Tôi đi kháng chiến chống Mỹ ở trận địa Quảng Nam năm 1969. Chưa đến ngày tiến vào Dinh Độc Lập thì bị thương, nhiễm chất độc màu da cam, phải về quê. Từ đó, bóng đá trở thành người bạn đồng hành giúp tôi giải trí”, ông Hợi kể.
Ông bảo mình là một CĐV trung thành của đội nữ Hà Tây cũ, nay là đội Hà Nội 2. “Nhưng hoàn cảnh không cho phép nên giờ không đi xem tụi nhỏ đá được nữa”, ông nói. “Chỉ bao giờ có cả hội đi đông đủ, xem trận hay thì mới đi thôi”.
Năm 2013, ông Hợi cũng tự mình ra sân Mỹ Đình mua vé xem Arsenal thi đấu giao hữu với ĐT Việt Nam mà chẳng cần cậy nhờ ai. Năm nay, ông cũng tự ra mua. “Bán đất được chút tiền, lo cho con cái xong xuôi cả rồi, giờ không lái xe 3 bánh chở hàng, chở khách nữa, tôi về hưu rồi. Giờ tôi chỉ cố giữ sức khỏe, đi du lịch và an dưỡng tuổi già thôi”, ông cười, đôi mắt híp lại hóm hỉnh.
Nhìn các bác thương binh ngồi bệt xuống vỉa hè, trò chuyện rôm rả dưới tán cây để trốn thời tiết oi nồng, mới thấy tình yêu bóng đá của người Việt Nam mình thật quá lớn lao. Họ, thương tật khác nhau, “vẫn nhức buốt lúc trái gió trở giời, nhưng cái môn bóng bánh này là không thể bỏ được”.
BTC đã bố trí riêng một cửa dành cho các thương binh, bán tối đa 2 vé/người như các trường hợp bình thường và không giảm giá. Quầy bán vé cho các thương binh là nơi duy nhất trong 3 quầytrên sân Mỹ Đình trong buổi sáng ngày 19/7 không có chen lấn, xô đẩy, và phe vé không bén mảng tới.
Man City hẳn sẽ xúc động, nếu biết họ có những CĐV như ông Hợi, trên sân Mỹ Đình ngày 27/7 tới.
Phe vé cũng không hét giá cao Ngay sau buổi bán 10.000 vé trực tiếp đến tay các CĐV vào sáng 19/7, dân phe đã chào bán lại vé trên mạng. Vé các mệnh giá 600.000đ, 1.000.000đ là nhiều nhất, cũng bởi các quầy vé sân Mỹ Đình đã bán đến hết mệnh giá này. Các mệnh giá 1.500.000đ và 1.800.000đ thì ít hơn. Nhưng đặc điểm chung: giá vé được chào bán lại thường chỉ cao từ 100-200.000đ, mức khá thấp nếu biết rằng năm 2013, giá vé xem trận giao hữu Arsenal – Việt Nam được dân phe chào bán với giá chênh lệch từ 500.000đ đến 1.000.000đ, nghĩa là để mua một cặp vé mệnh giá 1.500.000đ (cao nhất), CĐV phải bỏ ra tới 5.000.000đ. Tất nhiên, vì còn 1 tuần nữa trận đấu mới diễn ra, nên có thể sức nóng của sự kiện sẽ đẩy giá vé lên cao hơn nữa. |
Gia Hưng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất