13/04/2018 08:28 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - "Tôi nghĩ rằng họ (Việt Nam) và chúng ta (Thái Lan) đều có tham vọng cho riêng mình. Chúng ta muốn tham gia sân chơi World Cup, còn họ chỉ muốn thắng được đội tuyển Thái Lan, như vậy tham vọng của chúng ta là lớn hơn nhiều. Họ đang đạt được thành công nhất định trên cấp độ các đội tuyển trẻ nhưng với đội tuyển quốc gia, phải 10 năm nữa họ mới thắng được chúng ta, nhưng khi đó đội tuyển quốc gia chúng ta cũng sẽ mạnh hơn rất nhiều". Đó là phát biểu của cựu danh thủ đồng thời là cựu HLV trưởng đội tuyển Thái Lan, Kiatisuk Senamuang, trên kênh Thairath TV (Thái Lan).
Đây là một cuộc phỏng vấn, liên quan đến bộ phim "11 niềm hy vọng" (do Metan Entertament của Việt Nam sản xuất và sẽ ra rạp trong tháng 5/2018 tới đây), với sự góp mặt của các cựu danh thủ Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Tài Em... Những hình ảnh trong trailer của bộ phim nói về trận chung kết giữa Việt Nam và Thái Lan, một trận đấu mà theo cảm nhận của người xem là “thật không công bằng cho Thái Lan”, “Thái Lan không đá bạo lực như thế”, ý kiến cho hay.
Xung quanh phát biểu của HLV Kiatisuk, Thể thao & Văn hóa có cuộc trao đổi với bộ đôi cựu danh thủ Datsakorn Thonglao và Vũ Như Thành, những cầu thủ thuộc loại xuất sắc nhất thế hệ của họ, từng nhiều lần đối đầu với nhau ở mọi cấp độ đội tuyển quốc gia.
* Thể thao & Văn hóa: Sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp, hai anh đã nhiều dịp đối mặt với nhau ở cả cấp CLB lẫn đội tuyển quốc gia. Giai đoạn Thonglao chơi cho HAGL (2007-2009), thật không may, đó là thời kỳ cực thịnh của B.Bình Dương và Như Thành. Bỏ qua chuyện đó, ký ức không thể quên với chúng tôi là 2 trận chung kết AFF Suzuki Cup 2008 và Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Thái Lan, để lên ngôi vị số 1 Đông Nam Á. Đêm Giáng sinh trên đất Thái Lan năm ấy, chúng tôi đã ăn mừng thâu đêm sau chiến thắng 2-1, và chỉ đợi trận chung kết lượt về để nâng Cúp vô địch. Đội tuyển Thái Lan của đội trưởng Thonglao vào thời điểm đó, được xem là “Dream team”, nhưng tại sao và như thế nào, Như Thành và đồng đội lại là những người chiến thắng nhỉ?
- Datsakorn Thonglao: Anh đã lại gợi ký ức buồn trong tôi (cười). Chuyện cũng qua lâu rồi, chúng tôi dù không muốn nhớ tới, nhưng nó sẽ vẫn là một phần lịch sử của bóng đá Thái Lan, một phần lịch sử của các cuộc đối đầu giữa Thái Lan và Việt Nam trên sân cỏ.
Anh nói đúng, Thái Lan của HLV Peter Reid năm đó tập hợp được những cầu thủ giỏi nhất thế hệ của tôi và thế hệ đàn anh. Chúng tôi có cả Teerasil Dangda, anh em nhà Suree và Surat Sukha vừa trải qua giai đoạn học việc ở CLB Manchester City về, ngoài ra Teeratep Winonthai cũng mới nổi lên như một tiền đạo đầy tiềm năng. Trước đó, thế hệ từng nhiều năm thống trị Đông Nam Á như Niweat Sirigong, thậm chí Therdsak Chaiman…, vẫn còn. Nhưng, chúng tôi gặp vấn đề trong phòng thay đồ và kể cả khát vọng chiến thắng nữa. Đội bóng có quá nhiều cá tính mạnh, trong khi, HLV Peter Reid lại mới đến, không nắm hết được. Sau các trận chung kết thua Việt Nam, Thai League đã cải tổ (với sự ra đời của Thai Premier League) và bóng đá Thái Lan phải mất vài năm sau, mới lấy lại được vị thế số 1 khu vực.
Về phía đội tuyển Việt Nam vào thời điểm đó cũng được tổ chức rất tốt, với rất nhiều cầu thủ giỏi, giàu khát vọng và một HLV tài năng (ông Henrique Calisto). HLV đội tuyển Việt Nam đã làm chiến thuật quá hợp lý trong các trận chung kết với Thái Lan, để giành chiến thắng (chung cuộc 3-2) hoàn toàn xứng đáng và lên ngôi.
Nhưng cũng phải nói thêm, số lần chúng tôi thắng các bạn là nhiều hơn đấy nhé (cười).
- Vũ Như Thành: Trước năm 2008, các đội tuyển quốc gia Việt Nam gặp Thái Lan là toàn thua tới hòa, sau năm 2008, điều này lặp lại, tại sao? Vì chúng ta chơi không hợp lý, tâm lý chiến cũng không tốt, chúng ta luôn sợ thua. Tất nhiên, khách quan mà nói thì đội tuyển quốc gia G Thái Lan luôn nhỉnh hơn Việt Nam ở nhiều thời điểm, nhưng nhỉnh hơn không đồng nghĩa – đi liền với việc họ luôn thắng và chúng ta thì không thể. Chúng ta, bắt đầu từ BHL đội bóng không làm tốt nhất về mặt chuyên môn – chiến thuật chuẩn bị và chiến thuật khi lâm trận, nên chúng ta không có cơ hội chiến thắng.
Và rõ ràng, như anh thấy, dưới thời HLV Park Hang Seo hay 10 năm trước, HLV Calisto đã làm rất tốt và bóng đá Việt Nam nhìn thấy ngay cơ hội, không chỉ thắng mỗi Thái Lan, mà thắng rất nhiều các đối thủ mạnh. Trận chung kết lượt về với Thái Lan trên sân Mỹ Đình, khi đội tuyển Việt Nam bị dẫn bàn (tỷ số chung cuộc lúc đó là 2-2), nếu không có một tâm lý vững và chiến thuật hợp lý, chúng ta sẽ không có bàn thắng của Công Vinh và chức vô địch hàng triệu trái tim hâm mộ đợi chờ.
Về cơ bản, những điều Thonglao nói là không sai, nhưng tôi vẫn cho rằng mấu chốt vấn đề là Việt Nam đã chơi tốt, không chỉ ở 2 trận chung kết năm 2008, mà ở cả giải đấu khi ấy. Nói như Datsakorn Thonglao, thì đội tuyển Thái Lan trước năm 2008, là không có vấn đề sao? Tất cả các đội bóng đều có vấn đề này, hoặc mâu thuẫn kia, và Ban huấn luyện phải làm sao để hạn chế tối đa những nhược điểm, phát triển phần ưu.
Phải hướng đến sự phát triển bền vững
* Thể thao & Văn hóa: Datsakorn Thonglao, vào thời điểm cách đây hơn 2 năm đổ về trước, khi anh còn là đội trưởng CLB mạnh nhất Thai Premier League khi ấy là Muangthong United, gặp anh trên đất Thái, tôi đã đặt câu hỏi rằng, tại sao anh không tiếp tục chơi bóng trong màu áo đội tuyển Thái Lan. Anh còn nhớ mình đã trả lời thế nào không? Anh nói, anh không đủ đẳng cấp để chơi bóng theo cái cách mà đội tuyển Thái Lan của HLV Kiatisuk đã và đang vận hành. Đấy là một sự khiêm tốn chăng? Tuyển Thái Lan của Kistisuk Senamuang (và cả đội tuyển Olympic lẫn U23) đã có nhiều thời điểm khởi sắc, nhưng cuối cùng ông ấy vẫn bị FAT sa thải. Và sau khi “Zico Thái” chia tay đội tuyển quốc gia, năm 2017, ở tuổi 34, anh thậm chí đã trở lại màu áo tuyển Thái Lan. Còn Như Thành, anh có cho rằng phát biểu của Kiatisuk mới đây về bóng đá Thái và Việt Nam đúng với bản chất, hay chỉ là cái nhìn một phía?
- Datsakorn Thonglao: Phải, vào thời điểm tôi và anh trao đổi trên sân SGC Muangthong United, anh thấy đấy, Sarach Yooyen – đồng đội trẻ của tôi trong màu áo Muangthong United, đá tốt như thế nào rồi. Bên cạnh đó còn có Charyl Chappuis, còn “Messi J” Chanathip Songkrasin, Pokklaw Anan…, bóng đá Thái Lan đã và đang sở hữu một thệ cầu thủ đầy tài năng, chơi thứ bóng đá hiện đại, hấp dẫn. Đó cũng là điều mà HLV Kiatisuk hướng tới. Tôi thật sự không thể chơi được thứ bóng đá ấy, nó đòi hỏi nhiều thể lực, di chuyển liên tục.
Mỗi HLV đều có quan điểm làm chiến thuật riêng, vào thời điểm đó, tôi cảm thấy mình không thích hợp với cách Kiatisuk xây dựng đội bóng thôi. Nhiều người nói có những mâu thuẫn giữa HLV Kiatisuk và thế hệ các cầu thủ của tôi, nhưng suy luận là việc của họ. Tôi chỉ cố gắng làm tốt công việc của mình ở CLB, rồi điều gì đến sẽ đến. Năm ngoái tôi trở lại đội tuyển quốc gia, bởi HLV trưởng muốn có tôi.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, đội tuyển quốc gia để có thể vươn tới những tầm cao, phải luôn được trẻ hóa bằng những tài năng mới, chứ không phải là các cầu thủ sắp hoặc đã bước qua đỉnh cao sự nghiệp. Bóng đá Thái Lan và Việt Nam cũng vậy mà thôi, chúng tôi đã tiến trước các bạn, nhưng nếu chúng tôi dừng lại, thì chẳng mấy mà các bạn sẽ vượt qua, chứ không cần đến 10 năm như Kiatisuk nói đâu.
- Vũ Như Thành: Tôi cho rằng, thời điểm Kiatisuk Senamuang “cầm” đội tuyển Thái Lan đổ về trước, thì anh ta nói không có gì sai cả. Nhưng thời thế lúc này khác rồi, khoảng cách giữa 2 nền bóng đá và 2 đội tuyển quốc gia không còn lớn như trước đây nữa, cũng chưa có một thước đo thực sự chuẩn mực nào. Chúng ta đâu biết lứa cầu thủ kế cận của bóng đá Thái Lan chơi như thế nào, nhưng một điều chắc chắn là, họ bị loại từ rất sớm tại VCK U23 châu Á 2018, trong khi U23 Việt Nam đã đi đến trận chung kết. Bản thân giấc mơ, khát vọng có thể tạo ra sự khác biệt ban đầu, nhưng tự chúng không dẫn đến thành công. Ý tôi là, bạn phải làm việc một cách nghiêm túc cho những mục tiêu đó .
Các đội tuyển dưới thời HLV Park Hang Seo lúc này đang rất tốt, cả về khâu tổ chức đội bóng lẫn làm chiến thuật. Đây là cơ hội tuyệt vời, là tiền đề để chúng ta nâng cấp nền bóng đá, cũng như đội tuyển quốc gia, mà như tôi đã nói, mục tiêu không chỉ là thắng Thái Lan đâu.
Chúng ta phải hướng đến sự phát triển bền vững. Ví như ở tầm đội tuyển quốc gia, phải duy trì được sự ổn định về mặt lối chơi, ở trình độ tương tự thời điểm hiện tại. Trước đó, việc chú trọng công tác đào tạo trẻ, phát triển bóng đá cộng đồng và học đường cũng phải song song, điều này là mấu chốt và có lẽ không cần phải nói thêm nữa. Lúc này, tôi đang huấn luyện khoảng 250 trẻ em ở 7 cơ sở của Star Football tại Hà Nội, và tôi phát hiện thấy rất nhiều em có năng khiếu đá bóng. Tôi đã gửi một trong số các em đó cho Học viện PVF và được giữ lại.
Tài năng bóng đá có ở khắp mọi nơi, công việc của chúng ta là phát hiện và đào tạo, nâng cấp năng lực chơi bóng cho các em, để hướng tới sự kế thừa – phát triển bền vững. Tất nhiên, với vai trò đàu tàu thì Liên đoàn và các CLB cũng phải cùng bắt tay vào. Việc nâng cấp V-League, chất lượng mặt sân, đến truyền thông, khán giả, nhà tài trợ…, cũng rất cấp thiết. Chúng ta phải đảm bảo mình có một giải đấu chất lượng hàng đầu, thu hút được những cầu thủ hàng đầu, từ đó phát triển lên.
* Xin cảm ơn hai anh về cuộc trao đổi!
Tùy Phong (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất