12/08/2015 04:56 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Ở vào độ tuổi 20, con người ta nhiều ước mơ và hoài bão, ai cũng muốn đặt dấu ấn thành công, nhất là với giới cầu thủ. Công Phượng và đồng đội từng có những tháng ngày tươi đẹp trong màu áo U19 Việt Nam, nhưng khi bước vào tuổi 20 cùng đấu trường V-League thì họ phải trải qua quãng thời gian rất buồn.
“Tình đầu” muốn nói đến ở đây không chỉ SEA Games mà còn là V-League.
Nỗi đau “tình đầu”
Quá trình chuẩn bị SEA Games 28, đã có lúc tưởng chừng U23 Việt Nam “bê nguyên” lứa U19 sang Singapore thi thố tài năng, nhưng rốt cuộc, lứa U19 của HAGL chỉ có Công Phượng, Văn Toàn và thủ môn Văn Trường góp mặt. Vậy là, lứa U19 HAGL vốn rất được kỳ vọng đã thất bại ở SEA Games 29, ít nhất về khía cạnh số lượng cầu thủ góp mặt trong đội hình U23 Việt Nam. Những tâm sự của Công Phượng trên trang cá nhân đã khái quát nỗi buồn của không chỉ riêng anh.
Khi HAGL đưa lứa Công Phượng lên chơi V-League, hẳn nhiều người trong chúng ta đã kỳ vọng vào một sự đột phá của bầu Đức. Lứa cầu thủ này của HAGL được đào tạo bằng chuẩn châu Âu, rất khắt khe nên nền tảng kỹ thuật cơ bản. Vì thế, người ta kỳ vọng lứa U20 của HAGL đủ sức khuynh đảo giải quốc nội, có thể đốt cháy giai đoạn và vượt qua giới hạn trưởng thành của cầu thủ Việt.
Còn nữa, thứ bóng đá đẹp, tử tế được HAGL dày công xây dựng và theo đuổi cũng rất kỳ vọng sẽ thành công tại V-League. Thế nhưng, HAGL đang đứng bên bờ vực bởi Công Phượng và đồng đội vẫn chỉ như “những đứa trẻ” giữa sân chơi V-League. Chắc hẳn, bầu Đức cũng rất đau, người hâm mộ không khỏi xót xa.
Trong con mắt dư luận thì Công Phượng và đồng đội vẫn chỉ là những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới”. Ảnh V.S.I.
Bao giờ “các em, các cháu” trưởng thành?
Nếu so sánh độ tuổi trưởng thành với cầu thủ thế giới, cầu thủ Việt rất chậm. Thường thì tuổi trưởng thành của cầu thủ Việt phải 24, 25 tuổi, sau khi họ kinh qua vài kỳ SEA Games hay tham dự mấy mùa V-League. Thế mới có chuyện, lứa cầu thủ HAGL đã 20, 21 tuổi nhưng vẫn được gọi là “những đứa trẻ”, hay “các em, các cháu”. Ở trường hợp khác, cầu thủ Việt tầm tuổi 29, 30 đã được xưng là cựu binh.
Tại sao một cầu thủ như Reece Oxford mới 16 tuổi nhưng đã thi đấu rất chững chạc trong màu áo West Ham ở Premier League và được ca tụng khi “bắt chết” Oezil khiến Asenal bế tắc? Tại sao Raheem Sterling mới qua tuổi 20 đã trở thành bản hợp đồng “bom tấn” của Man City trong kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua? Trước đó, bóng đá thế giới từng chứng kiến sự thành danh rất sớm của nhiều ngôi sao khác. Câu trả lời nằm ở ở môi trường phát triển. Ở những nền bóng đá đỉnh cao, cầu thủ có môi trường tuyệt vời để phát triển và trưởng thành.
Còn lứa Công Phượng thì sao? Ai cũng biết họ không tham dự các giải U trong nước như VCK U17, U19 hay U21. Họ cũng rất ít được thi đấu cọ xát quốc tế. Tham dự giải U19 Đông Nam Á 2013, vòng loại và VCK U19 Châu Á và vài giải giao hữu của lứa U19 là hành trang quá ít ỏi cho Công Phượng cũng như đồng đội trước khi bước chân vào môi trường V-League khắc nghiệt.
Vấn đề của lứa cầu thủ HAGL là vì họ đang phải “tự bơi”, chứ không được dìu dắt như cầu thủ nhiều CLB khác. SLNA năm nào cũng "cấy" hàng loạt cầu thủ trẻ măng vào đội hình nhưng được các đàn anh dìu dắt thì họ dễ trưởng thành. Hơn nữa, cầu thủ xứ Nghệ được rèn luyện trong môi trường “vừa học, vừa hành” nên ra đời sẽ khác.
Vậy, trả lời cho câu hỏi bao giờ Công Phượng và đồng đội trưởng thành chính là thời gian. Bên cạnh đó, HAGL cũng cần "cấy" vào đội hình thêm nội và ngoại binh có chất, để dìu dắt, chứ để “các em, các cháu” tự bơi e rằng rất rễ bị thui chột.
Phạm Tâm
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất