(lienminhbng.org) - Câu chuyện về hai từ cảm ơn tôi nghe từ một sinh viên mỹ thuật tại Melbourne kể lại trong một hội thảo bàn về mối quan hệ giữa con người với nhau…
Một sinh viên Mỹ trong lần gặp gỡ trò chuyện với thổ dân Australia, thì được ông già cho biết: Trong ngôn ngữ của họ không có hai từ cảm ơn. Xưa nay cho nhau gì, giúp nhau gì như lẽ thường phải thế. Cộng đồng họ làm cho nhau như công việc hàng ngày, thiếu thì lấy ăn, lấy đủ dùng. Đỡ nhau công việc như một việc cần làm, như lẽ thường ở đời, như máu chảy trong huyết quản. Sao phải cảm ơn?!
Có lần về quê tôi nghe kể: em anh bạn tôi có con cấp cứu. Tình thế cấp bách, chú em đi một cuốc xe lên nhà anh trai vay tiền. Xong việc, tháng sau chú ấy mang tiền xuống trả như hẹn, nhưng không biết nói lời cảm ơn. Có người biết vậy chê trách thì người anh bảo: chú ấy nhà quê, nhà quê không có thói quen nói cảm ơn, trách làm gì…
Ảnh: Internet
Hai từ cảm ơn vào nước ta từ bao giờ, hai chữ “tri ân” của Hán học khá gần nghĩa với cảm ơn xuất hiện từ bao giờ, có niên đại không, có nhà ngôn ngữ nào nghiên cứu không?
Cuộc trao đổi về hai từ cảm ơn dưới mái trường đại học nọ trở nên sôi nổi. Người cho đó là văn minh. Là sự trọng thị với người quanh mình. Người thì bảo đó là kết quả của cái “tôi” xuất hiện. Cái “tôi” muốn người khác đề cao mình nên thấy cần cảm ơn để tôn vinh nhau, người phải cảm ơn ở vị trí lép hơn, chứ cuộc sống giúp nhau, người mạnh bênh kẻ yếu, người thừa cho người thiếu như một lẽ thường ở đời, sao phải cảm ơn?
Vậy hai từ cảm ơn không phải là dấu hiệu tốt. Phải chăng đó là sự tụt lùi trong mối quan hệ con người với nhau? Ngẫm thấy có cái đúng. Tôi nhớ khi còn bé, lớp cha chú khi nói về công bằng xã hội rất hay nhắc đến thời Nghiêu, Thuấn, Vũ bên Trung Hoa cổ đại với mong muốn bình dị, bình đẳng bình quyền. Ngày ấy Vua Thuấn bắt voi đi cày lấy hạt gạo ăn, vua Vũ cùng dân đi trị thủy, người gầy giơ xương đen đúa vì thiếu ăn… như những tấm gương để mọi người noi theo.
Thì ra phân tích ngôn ngữ người ta thấy ngay thời đại con người đã sống qua. Họ đã hành xử thế nào. Con người từ xa xưa, sống theo tự nhiên, nương theo tự nhiên, ứng xử với nhau như tự nhiên, thật tốt đẹp biết bao. Thời ấy người ta coi của cải trên đời do tay mình làm ra như là thứ trời cho. Trời cho thì được, còn trời không cho thì phải chịu.
Giảng dạy về tạo hình, nhưng bàn đến ngôn ngữ ứng xử, người ta muốn sinh viên nhìn vào tận đáy sâu của cuộc sống để tìm ra giá trị xác thực… Điều đó giúp cho người sáng tác sẽ đi đến những tác phẩm có tính nhân văn cao dâng hiến cho nhân loại.
Giáo dục phải chăng là như vậy?
Hai từ cảm ơn thì ra không phải đơn giản chỉ là quan hệ giao tiếp, mà là câu chuyện về văn hóa mỗi thời. Thời nào văn hóa ấy. Bây giờ con người đã đi quá xa cái gốc gác ngày xưa để có thể ngoái lại mà nhận ra hai từ cảm ơn chỉ là của thời đại chứ chưa hẳn đã là một giá trị văn hóa lớn như ta tưởng… Dù hai từ cảm ơn đã được xác lập như một giá trị văn hóa của nhân loại.
Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa