09/04/2016 13:36 GMT+7 | Các ĐTQG
(lienminhbng.org) - Xây dựng tương lai lâu dài cho đội tuyển là công việc của đào tạo trẻ, lèo lái giải VĐQG. Còn với đội tuyển là những giải đấu trước mắt, các đối thủ chuẩn bị phải đối diện. Mà với đội tuyển của HLV Hữu Thắng muốn không nghĩ tới việc đánh bại Thái Lan cũng không được.
Còn quá khứ, HLV Henrique Calisto là người được ca ngợi nhiều nhất trong số 9 HLV ngoại từng cầm đội tuyển không chỉ bởi vì ông đã mang về danh hiệu vô địch AFF Cup đầu tiên và duy nhất của bóng đá Việt Nam vào năm 2008, mà còn bởi ông thầy người Bồ Đào Nha đã giúp ĐT Việt Nam đánh bại ĐT Thái Lan trong trận chung kết để lên ngôi quán quân.
Trước và sau chiến tích năm 2008 của HLV Calisto, không có một HLV nào của ĐTQG, dù là nội hay ngoại, đánh bại được Thái Lan ở các giải đấu chính thức. Thay vào đó, suốt từ năm 1995 cho đến năm 2008, ĐT Việt Nam và ĐT U23 Việt Nam đã có 4 lần để thua ĐT Thái Lan và ĐT U23 Thái Lan ở các trận chung kết SEA Games (1995, 1999, 2003, 2005, kể từ năm 2001 chỉ các cầu thủ ở độ tuổi U23 mới được tham dự môn bóng đá nam SEA Games – PV).
Thái Lan vẫn là đối thủ mà đội tuyển Việt Nam khó vượt qua dù trong bất cứ thời điểm nào.Ảnh: V.S.I
Trong 3 đời HLV nội gần nhất của ĐTQG, HLV Phan Thanh Hùng là người nếm trải cảm giác thất bại trước ĐT Thái Lan ở vòng bảng AFF Cup 2012, còn HLV Hoàng Văn Phúc đã mất chức khi chưa kịp trải qua trận đấu mang tính quyết định nào với Thái Lan.
Tuy thế, Thái Lan vẫn là cái tên ám ảnh với bất cứ HLV nào của ĐTQG, mà ngay cả một HLV có tiếng là bảo thủ và cứng đầu như HLV Toshiya Miura cũng phải ngán ngại áp lực từ phía Thái Lan.
Bằng chứng là ở trận giao hữu với Olympic Thái Lan trước thềm vòng loại giải U23 châu Á năm 2016 diễn ra vào tháng 3 năm 2015 tại Bangkok (Thái Lan), HLV Miura đã chỉ sử dụng đội hình không phải mạnh nhất và cũng không sắp xếp các trụ cột đá đúng sở trường để tránh lộ bài trước Thái Lan, nhằm gây bất ngờ cho đối thủ này ở SEA Games 28 diễn ra 3 tháng sau đấy tại Singapore.
Ở trận đấu giao hữu tại Bangkok, Olympic Việt Nam đã thất thủ với tỷ số 1-3, và một lãnh đạo cao cấp của VFF đã tiết lộ với chúng tôi rằng ông đã nhận được báo cáo về việc HLV Miura chủ động giấu bài để che kín thực lực của Olympic Việt Nam trước sự quan sát của Thái Lan.
Kể ra như vậy để thấy trong hành trình hơn 20 năm của bóng đá Việt Nam ở sân chơi khu vực, Thái Lan luôn là trở ngại và đồng thời cũng là nỗi ám ảnh lớn nhất với chúng ta. Vì thế, với bất cứ HLV nào của ĐTQG, chỉ cần đánh bại Thái Lan ở một trận đấu quyết định thì điều đấy đồng nghĩa với việc “lưu danh sử sách”, như những gì HLV Calisto đã làm được?
Vậy làm sao để có thể đánh bại Thái Lan, khi mà cách biệt giữa 2 nền bóng đá là quá lớn, từ giải VĐQG cho tới trình độ chơi bóng của các cầu thủ cũng như mức độ đầu tư và khả năng thu hút tài chính? Câu trả lời là vai trò của người thầy.
Ở thời điểm năm 2008, cầu thủ Việt Nam không trội hơn cầu thủ Thái Lan, và trên băng ghế huấn luyện, HLV Calisto không thể so sánh với danh tiếng của người đồng nghiệp Peter Reid bên phía ĐT Thái Lan, bởi ông Reid từng cầm quân ở giải Ngoại hạng Anh trước khi tới Thái Lan và ông là một HLV tương đối có tiếng.
Thế nhưng, HLV Calisto đã thắng vì phát huy được tốt nhất 2 tố chất nổi bật của mình: chỉ chơi hay khi vào trận với tư thế cửa dưới để áp dụng bài tủ phòng ngự phản công sở trường, và khả năng đọc trận đấu tuyệt vời.
Những điều ấy người ta chưa thấy ở Hữu Thắng, HLV đương nhiệm của ĐTQG, cho dù Hữu Thắng cũng là một nhà cầm quân rất cá tính, cá tính từ khi còn là cầu thủ và đến lúc thành HLV, cá tính ấy đã được nâng cấp lên thành một phẩm chất đặc biệt.
Hữu Thắng có điểm giống HLV Calisto là cá tính mạnh mẽ và sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cầu thủ, nhưng nếu chỉ có như vậy thì chưa đủ để đánh bại Thái Lan, bởi trong những trận chiến mà tương quan lực lượng là 50-50 thì khác biệt ở vị trí HLV sẽ là nhân tố làm nên chiến thắng.
Mà bây giờ tương quan giữa cầu thủ Việt Nam và cầu thủ Thái Lan lại không phải là 50-50 mà nghiêng hẳn về phía Thái Lan thì vai trò của HLV trưởng càng trở nên quan trọng hơn nữa.
Trước đây, dưới thời HLV Alfred Riedl, ĐT Việt Nam và ĐT Thái Lan từng có nhiều thời điểm so kè sát sao, nhưng ở những thời điểm quyết định, ĐT Việt Nam luôn phải nhận thất bại vì HLV trưởng không đủ cá tính và độ quái để đưa ra những quyết định bước ngoặt, biến nhược điểm thành ưu điểm hoặc ít nhất là giấu kín sơ hở.
Chẳng hạn, ở chung kết SEA Games năm 1999, bức tường thép mà HLV Riedl dựng nên cho ĐT Việt Nam đã sụp đổ sau cú sút xa xuất thần của một tiền vệ Thái Lan, còn năm 2003, ĐT U23 Việt Nam có cả thiên thời địa lợi nhân hòa nhưng vẫn không thể thắng được Thái Lan vì HLV Riedl dùng sai một nhân sự cho đội hình xuất phát của trận chung kết.
Trong khi đó, HLV Calisto thì hoàn toàn trái ngược, ông thầy người Bồ Đào Nha được xem là chiến lược gia xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG khi có những phát kiến mới mẻ và hiệu quả cả về nhân sự cũng như chiến thuật.
Nhờ thế, HLV Calisto đã buộc Thái Lan phải ôm hận ngay tại sân nhà Rajamangala trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2008, và đến lượt về, quyết định sử dụng Minh Phương trong tình huống đá phạt cuối trận của HLV Calisto đã mang về bàn thắng quyết định cùng danh hiệu vô địch AFF Cup 2008 cho ĐT Việt Nam.
Trên danh nghĩa, VFF chỉ giao nhiệm vụ cho Hữu Thắng là vào chung kết AFF Cup 2016, nhưng ngay cả nhiệm vụ ấy cũng không dễ dàng, nếu như chúng ta phải đụng độ với Thái Lan ở bán kết. Hoặc nếu có gặp nhau ở chung kết mà thua tan nát thì cũng không thể coi thành công. Ngay cả trong trường hợp Thái Lan không đưa lực lượng mạnh nhất tới AFF Cup 2016 để dành sức cho vòng loại World Cup 2018 thì đấy cũng không phải là đối thủ dễ chơi.
Thế nên, nóng nhất sau khi vòng sơ loại World Cup khu vực châu Á khép lại không phải chuyện gì khác ngoài cái tin Thái Lan có thể chỉ dùng đội hình B để đá AFF Cup còn đội A tập trung cho mục tiêu tối thượng kia.
Cũng cần nói thêm là Việt Nam phải vất vả đi tìm ý nghĩa tích cực từ một trận thua còn Thái Lan thì chỉ hơi tiếc nuối vì họ đã để Iraq ghi bàn phát cuối, chia điểm.
Tương quan này chỉ ra vị thứ của Việt Nam so với Thái Lan và đặt ra thách thức lớn cho Hữu Thắng. Chuẩn bị cho chặng đường dài thế nào nếu như lỡ gặp Thái Lan mà lại thua vỡ mặt cuối năm nay?
Huy Anh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất