29/12/2018 08:10 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Hãng đĩa HMV, do nhà soạn nhạc Edward Elgar thành lập 1921 và góp phần làm nên tên tuổi của ban nhạc Beatles, đã phải tiến hành thủ tục xin phá sản ngày 28/12, trong bối cảnh ngày càng có nhiều người tiêu dùng chuyển sang sử dụng dịch vụ nhạc kỹ thuật số.
HMV, vốn nổi tiếng thế giới với hình ảnh nhãn hiệu là một chú chó đang lắng nghe máy hát, là hãng sản xuất âm nhạc lớn cuối cùng còn tồn tại ở Anh. Những năm qua, hãng phải đối mặt với nhiều khó khăn do doanh thu bán CD và DVD giảm mạnh.
Hilco Capital, công ty từng giải cứu HMV khi hãng này phải làm thủ tục xin phá sản năm 2013, cho biết Hội đồng quản trị của HMV đã quyết định làm thủ tục, xong 125 cửa hàng của hàng tại Anh sẽ tiếp tục hoạt động do các cuộc đàm phán với nhà cung cấp vẫn đang diễn ra. Ước tính có khoảng 2.200 nhân viên đang làm việc cho HMV.
Chủ tịch HMV và Hilco Capital Paul McGowan bày tỏ thất vọng khi chứng kiến thị trường DVD sụt giảm nhanh chóng trong năm vừa qua, do số người chuyển sang các dich vụ âm nhạc kỹ thuật số tăng nhanh chưa từng thấy. Ông cho biết trong dịp Giáng sinh quan trọng, doanh thu của thị trường DVD đã giảm hơn 30% so với năm ngoái.
Nhạc kỹ thuật số đã chiếm lĩnh thị trường âm nhạc tại Anh lần đầu tiên vào năm 2012. Kể từ thời điểm đó, các nền tảng cung cấp nhạc và phim ảnh kỹ thuật số như Spotify, iTunes, Netflix và Amazon Prime ngày càng phát triển mạnh, làm suy yếu các hãng đĩa truyền thống. Ông McGowan nhấn mạnh xu hướng chuyển sang kỹ thuật số đã tăng mạnh trong năm nay. Dự báo thị trường đĩa âm nhạc Anh sẽ còn giảm khoảng 17% trong năm tới. Với diễn biến này, ban lãnh đạo HMV đã nhận định rằng không thể tiếp tục vận hành công ty.
HMV mở cửa hàng đầu tiên trên phố Oxford vào năm 1921 với việc bán máy hát, đài và các bản thu âm nổi tiếng. Hãng đã làm nên lịch sử vào năm 1962 khi mua lại công ty thu âm EMI và ký hợp đồng với ban nhạc huyền thoại The Beatles. Sau lần suýt phá sản trước, HMV đã tổ chức nhiều sự kiện âm nhạc tại cửa hàng với sự góp mặt của nhiều ngôi sao như ca sĩ Kylie Minogue và rapper Stormzy nhằm thu hút thêm khách hàng. Tuy nhiên, các công ty bán lẻ âm nhạc của Anh còn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khác, trong đó có việc tăng thuế.
Bên cạnh đó, những quan ngại liên quan đến việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), sự tăng trưởng của mua sắm trực tuyến khiến các hãng bán lẻ của Anh phải chịu thiệt hại lớn trong năm nay. Lòng tin của người tiêu dùng trong tháng 12 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm.
Trước đó, nhà bán lẻ đồ điện tử Maplin, chi nhánh tại Anh của công ty sản xuất đồ chơi Toys'R'Us, và chuỗi cửa hàng giảm giá Poundworld đều phá sản trong năm 2018. Ước tính 150.000 người đã mất việc làm trong lĩnh vực bán lẻ Anh năm nay.
TTXVN/Đặng Ánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất