16/01/2014 08:55 GMT+7 | Phim
(lienminhbng.org) - Victor Frankenstein và sinh vật gớm ghiếc mà nhà khoa học này tạo ra đang ngày càng trở nên được ưa thích hơn, dù cả hai đã xuất hiện trong tiểu thuyết được cả một thế kỷ. Frankenstein sẽ chuẩn bị trở lại cùng tác phẩm điện ảnh giả tưởng I, Frankenstein.
Nơi dễ nhất để tìm Victor Frankenstein và quái vật của ông trong văn hóa đại chúng luôn là tại thế giới điện ảnh.
"Phá cách" với quái vật
Phiên bản phim Frankenstein nổi tiếng nhất do hãng Universal thực hiện vào năm 1931, có ngôi sao Boris Karloff thủ vai con quái vật Adam. Bộ phim thực tế không giống sách lắm, khi biến quái vật thành một gã thô kệch bị câm và còn tự ý thêm vào nhân vật Igor, vốn không hề có trong truyện. Kể từ sau bộ phim này, vô số diễn viên đã thủ vai quái vật Frankenstein. Lon Chaney Jr., Shuler Hensley và cả Robert De Niro đều đã từng thử sức trong việc lột tả con quái vật.
Nhưng phim chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Truyền hình đã chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt bộ phim dựa trên truyện gốc. Ví dụ như phim Weird Science nói về hai gã mọt chữ đã tạo ra một người phụ nữ hoàn hảo và nhân vật này tình cờ sống lại sau một cơn bão sét. Hay như nhân vật Buffy trong phim Buffy The Vampire Slayer đã chạm trán với ít nhất 2 quái vật kiểu Frankenstein trong thời gian bảo vệ Trái đất.
Tương tự trong truyện tranh và tiểu thuyết, Frankenstein xuất hiện khắp nơi. Dean Koontz đã tạo ra hàng loạt cuốn sách nói về Frankenstein phiêu lưu tới New Orleans (Mỹ) thời hiện đại. Frankenstein còn trở thành "siêu nhân" trong loạt truyện tranh Frankenstein: Agent Of S.H.A.D.E. Chưa hết, trong âm nhạc Frankenstein đã có mặt trong ca khúc Teenage Frankenstein của Alice Cooper, Monster Mash của Bobby “Boris” Pickett, Frankenstein của Edgar Winter Group hay Some Kind Of Monster của Metallica.
Có một thực tế là dù Frankenstein được ưa thích, các tác phẩm văn hóa khác dựa trên cuốn truyện gốc không phải lúc nào cũng bám chặt lấy cốt truyện. Ngay cả các vở kịch hút khách trên sân khấu hoặc các bộ phim đông người xem cũng thường có sự phá cách vượt xa truyện gốc do Mary Shelley viết ra vào năm 1818.
Hiển nhiên việc đi chệch với truyện gốc không phải là yếu tố quyết định một bộ phim, phim truyền hình hay tác phẩm chuyển thể sân khấu có đáng xem hay không. Điều đáng nói ở đây là Frankenstein đã được chuyển thể rất rộng, nhiều hơn mọi cuốn sách khác và khán giả dường như không chán với các câu chuyện liên quan tới đề tài quái vật này.
Frankenstein sẽ không bao giờ chết
Giống như Adam Frankenstein(Aaron Eckhart thủ vai) đã hứa hẹn trong đoạn phim giới thiệu I, Frankenstein rằng : "Tôi sẽ đi theo con đường riêng của mình", nhiều tác phẩm kể lại truyện của Shelley đã thử tìm một góc nhìn độc đáo.
Ví dụ trong năm 2015, phim Frankenstein của đạo diễn Paul McGuigan sẽ có cái nhìn cụ thể hơn vào Victor và sinh vật ông tạo ra, từ góc nhìn từ trợ lý của ông là Igor (Daniel Radcliffe thủ vai). Trên sân khấu cách đây vài năm, vở kịch Frankenstein do Danny Boyle đạo diễn và công diễn tại Nhà hát Quốc gia đã trở thành một trong những vở kịch được ưa thích ở London, một phần bởi kịch đã trao cho sinh vật của Victor một chất giọng hùng biện, cho phép nó tranh cãi với người tạo ra mình.
Đáng chú ý trong đầu năm 2014 này là sự ra mắt của phim bom tấn I, Frankenstein. Ý tưởng về bộ phim bắt đầu xuất hiện từ nhà biên kịch, nhà văn hài và nam diễn viên Kevin Grevioux, người rất say mê truyện Frankenstein. Câu chuyện trong phim xoay quanh sinh vật Adam của Frankenstein đã có 2 thế kỷ sống cô đơn trên Trái đất, ở bên rìa xã hội, băn khoăn với câu hỏi "mình là ai". Nhưng khi mắc kẹt trong một cuộc chiến liên quan tới định mệnh của thế giới, Adam mới tình cờ phát hiện ra rằng mình đang nắm giữ một chiếc chìa khóa có thể giúp tiêu diệt toàn bộ nhân loại.
Bộ phim được sản xuất bởi đội ngũ đã làm ra phim Underworld, do Stuart Beattie làm đạo diễn và có sự tham gia của các diễn viên gồm những gương mặt quen thuộc Aaron Eckhart và Bill Nighy. Cá nhân Eckhart đã đạt được Giải thưởng Quả cầu Vàng và một đề cử giải thưởng Independent Spirit cho vai diễn chính của mình trong bộ phim đầu tay của đạo diễn Jason Reitman Thank You For Smoking.
Có chi tiết đáng chú ý trong đoạn phim giới thiệu I, Frankenstein là diễn viên Miranda Otto đã yêu cầu "Frankenstein phải bị tiêu diệt". Tuy nhiên lịch sử điện ảnh và rạp hát, cũng như hoạt động phát hành băng đĩa cho thấy khả năng giết chết quái vật rất khó xảy ra. Như nhận xét của giáo sư Đại học Delaware Charles E. Robinson, không cần biết sẽ bị biến đổi ra sao, Frankenstein đã "trở thành một phần quá lớn của văn hóa đương đại nên sẽ không thể chết được".
Tường Linh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất