Chợ hàng nhái cho... dân hàng hiệu

18/09/2011 13:16 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Ở chợ điện tử Nhật Tảo (quận 10, TP.HCM), từ những tay “cò lái” mua qua, bán lại cho đến những ông chủ cửa hàng lớn chuyên doanh đồ điện tử… đều có chung một điểm giống nhau: người ta cần cái gì thì mình có cái đó.

Nhắc đến chợ điện tử này, thì chắc hẳn không người dân Sài Gòn nào mà không biết. Bởi nó quá nổi tiếng với đủ loại hàng điện tử thật, giả lẫn lộn. Mà đâu chỉ có như vậy, chợ “trời” điện thoại di động chỉ cách chợ điện tử Nhật Tảo vài bước chân cũng là một “thiên đường”... hàng nhái đều cùng xuất xứ Trung Quốc.


Một cửa hàng bán loa và đồ điện tử Trung Quốc tại chợ Nhật Tảo

Thích “nhãn” gì thì cứ nói, có hết!

Chợ Nhật Tảo đã tồn tại ở Sài Gòn hơn 20 năm rồi, từ những ngày đầu chỉ bán những loại đầu băng video, tivi đen trắng, màu “nội địa” (hàng bãi nhập từ Nhật Bản), với đủ loại nhãn hiệu như: Funai, Sharp, Sanyo... Cho đến ngày hôm nay, những thứ đồ “nội địa” đó đã hết thời, thay vào đó là đủ loại tivi “hàng thùng” (hàng lắp ráp trong nước), các nhãn hiệu đầu đĩa DVD của các cơ sở nhỏ trong nước sản xuất và đương nhiên là có đến hàng trăm loại điện tử khác như: loa, máy nghe nhạc mp3, mp4... đều là hàng nhái, nguồn gốc từ Trung Quốc.

Anh L.T là chủ cửa hàng có tên A.T, trên đường Nhật Tảo chuyên bán âm ly, đầu đĩa và các loại loa mang các nhãn hiệu “nổi tiếng” của Nhật, Mỹ như: Bose, JPL... Anh cho biết: “Dân mình khoái cái gì thì bọn này bán cái đó. Thích hàng xịn thì có hàng xịn, còn ít tiền, cứ mua hàng nhái. Nhãn hiệu gì thì cứ nói, có hết!”.

Tại cửa hàng của L.T những chồng loa từ cao ngất với đủ kiểu dáng, mẫu mã trông rất bắt mắt. Trong đó chỉ vài cái được L.T dán mác thương hiệu nổi tiếng, L.T nói: “đây là loa chợ ráp, nhái theo các kiểu loa nổi tiếng của Mỹ, Nhật. Do dân mình khoái “hàng hiệu” mà. Ai vào đây, mình nói thẳng, đây chẳng qua là hàng chợ, linh kiện của Đài Loan, giá từ vài trăm cho đến cả triệu, nhưng đảm bảo đem về nhà ca hát thoải mái, có bảo hành luôn. Nếu đồng ý mua thì thích hiệu gì nói luôn để dán vào”.

Theo lời L.T, ở chợ này có đến hàng chục cửa hàng bán loa, có tiệm tự lắp ráp tại chợ, chẳng cần phải che giấu chi... cho mệt. “Làm những bộ loa này chẳng khó khăn gì, mình chỉ việc đặt thùng, đặt các loại mạch in theo mẫu mình cần, mua loa, linh kiện thì vào lòng chợ mà lấy. Đem về chỉ việc ráp, thế là xong” - anh L.T nói. Được biết, những bộ loa “made in Nhật Tảo” này cũng được các ông chủ cửa hàng điện tử ở các tỉnh khác “ưa chuộng”, chỉ cần điện thoại, những bộ loa này sẽ được đóng thùng và chuyển đi theo yêu cầu, tiền gửi lên sau, miễn là làm ăn phải có... “uy tín”.

Chúng tôi cũng có dịp trò chuyện với “tay buôn” tên V.H, ông bạn này là chủ của cửa hàng chuyên tivi cũng ngay tại chợ Nhật Tảo. V.H cho biết: “Buôn bán tivi ngày trước có “ăn” lắm, cả chợ đua nhau lắp tivi Trung Quốc từ màn hình máy vi tính và vỏ, mạch nhập lậu từ Trung Quốc rồi dán nhãn hiệu nổi tiếng như: Sony, Samsung... Cách 3 - 4 năm về trước, tivi Trung Quốc bán đắt như “tôm tươi”, chẳng qua là do dân mình ít tiền nhưng chuộng hàng hiệu thôi. Đến bây giờ tivi sản xuất trong nước nhiều rồi nên quay sang bán... “hàng thùng””.

V.H cho biết, có đến hàng chục “đại gia” chuyên cung cấp các loại hàng Trung Quốc tại chợ này và hiển nhiên là kiếm được lợi nhuận tiền tỷ. Những thứ trên, dân buôn bán chợ Nhật Tảo gọi là mua ký, bán cái. “Đơn cử như chuyện bán linh kiện điện tử, những “đầu nậu” lớn nhập từ nước ngoài về cả tấn linh kiện. Sau đó sang lẻ qua cho các “đầu nậu” ở dưới và cuối cùng là bán lẻ từng cái linh kiện cho người tiêu dùng. Giá thật của nó chỉ từ vài trăm đồng cho đến vài chục ngàn đồng, nhưng đến tay người tiêu dùng thì lời lãi hàng chục lần”- V.H nói.

“Rác” cũng là... tiền tươi

Cách chợ điện tử không xa, chỉ đi vài bước chân là qua địa bàn phường 7, quận 11. Chỉ từ 2- 3 năm nay, tại khu vực này hình thành cả một khu chợ “trời” chủ yếu bán điện thoại di động.

Có lúc, khu chợ “trời” này thu hút cả hàng trăm người tụ tập, chính quyền địa phương gần như “bất lực” trước tình trạng họp chợ này. Tội nghiệp nhất là tấm bảng phấn đấu thành khu phố văn hóa được treo từ năm 2001 đến nay đã khó trở thành hiện thực, nay lại càng khó hơn vì sự ra đời của... chợ “trời”.

Quán cà phê mang tên Góc Phố nhưng được nhiều người sống xung quanh đây đặt cho cái tên “cà phê di động”. Bởi lẽ mới chỉ khoảng 7 - 8 giờ sáng, đã có từ vài chục đến vài trăm người chuyên bán điện thoại cũ “họp” chợ. Cảnh mua bán diễn ra nhộn nhịp, hàng trăm chiếc điện thoại cũ còn sử dụng được hoặc hư hỏng để đầy trên bàn, dưới đất... rao bán.


Mua bán điện thoại di động tại chợ trời

P “mẹc”, là một “lái” chuyên mua và bán điện thoại cổ, thẳng thắn nói: “Buôn bán chợ “trời”, người bán đàng hoàng có, lừa đảo cũng có. Muốn ra đây mua hàng là phải có “nghề”. Những chiếc điện thoại cùng model, cùng nhãn hiệu hư không dùng được mua về “chế cháo”  và đem ra bán lại ở nơi khác”.

Theo lời P “mẹc”, pin và bo mạch điện thoại ở đây bán theo kiểu tính... ký. Đơn cử như, một ký bo mạch bất kể hàng xịn hay bo mạch Trung Quốc đều bán với giá 800 ngàn đồng/kg. “Không cần biết bo mạch còn xài được hay không, mua về sửa chữa lại, lắp vỏ, pin, màn hình Trung Quốc và giao cho có các tiệm điện thoại ở nơi khác bán như hàng mới 100% hoặc là hàng xài rồi còn đẹp. Do vậy, ai mà không biết là bị “dính” lừa ngay nếu ham “của” rẻ” - P “mẹc” nói.

Không chỉ là những loại điện thoại thông thường, ngay tại lề đường này những điện thoại “xịn” như: Iphone, HTC... cũng được bày bán ngay trên vỉa hè. P “mẹc” phát biểu: “Những điện thoại đó còn ghê hơn, toàn là bị lỗi rồi đem ra đây bán thôi. Đừng có dại mua vào, ở chợ “trời” này, “rác” của cửa hàng bán loa và đồ điện tử Trung Quốc tại chợ Nhật Tảo cũng là... tiền tươi đó! ”.

Thái Nguyên - Anh Đức


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm