08/03/2011 12:01 GMT+7 | Champions League
(TT&VH) - HLV người gốc Catalan không chỉ xây dựng được đội bóng có lối chơi quyến rũ nhất châu Âu, và có lẽ cả thế giới nữa, mà còn là một đội bống với hiệu quả tối đa.
Guardiola không quan trọng lắm?
HLV Guardiola, Ảnh Getty |
Thứ Ba tuần trước có tin xấu ở sân tập Sant Joan Despi của Barcelona. Một chấn thương lưng khiến một thành viên của họ có thể vắng mặt trong chuyến làm khách tới Mestalla gặp đội xếp thứ 3 Valencia. Nhưng lần này người dính chấn thương không phải là Xavi, Leo Messi hay David Villa. Đó là Pep Guardiola. Khi tin tức này đến tai Unai Emery, HLV của Valencia, chiến lược gia trẻ tuổi này đã có một đòn tâm lý rất độc: “Giá như Messi chấn thương thì hay biết mấy!”. Emery, thực ra là người hâm mộ Guardiola và hiểu rõ tầm quan trọng của ông với Barca, nhưng cố tình nói như thể bất cứ ai ngồi vào chiếc ghế của đồng nghiệp Catalan bây giờ cũng sẽ chiến thắng dễ dàng, với những cầu thủ như Messi, người đã ghi bàn duy nhất vào lưới Valencia và có đường chuyền quyết định cho Seydou Keita giúp Barcelona thắng Real Zaragoza 1-0 cuối tuần trước.
Rốt cuộc thì Guardiola cũng tới Mestella, nhưng sau đó ông phải nhập viện, xét nghiệm và chụp phim. Ông vẫn có thể nhìn thấy sân Nou Camp từ bệnh viện của mình, nhưng không thể đến đó và vẫn chưa chắc liệu ông có mặt tối nay khi Barca đón tiếp Arsenal hay không. Nhiều người hẳn cũng sẽ muốn đặt câu hỏi như Emery. Vậy thì có gì khác biệt chứ? Họ đã sai, khác biệt là rất lớn. Thật ra, chính Guardiola là người tạo ấn tượng rằng ông chỉ có đóng góp khiêm tốn vào vẻ đẹp và sự hiệu quả của Barca hiện giờ. Mỗi lần được hỏi về bí mật thành công, ông đều đáp gần giống nhau: Tôi may mắn có những cầu thủ giỏi. Sau trận gặp Zaragoza, ông lặp lại trong cuộc họp báo: “Nếu không có Messi, giờ này chắc tôi đang làm việc ở giải hạng Ba”. Nhưng có đúng thế không?
Nhiều người hẳn tin rằng Barcelona là một tập hợp quá hoàn hảo, đến mức chỉ cần thả các cầu thủ vào sân là họ sẽ biết làm thế nào để chiến thắng. Những kẻ nghi ngờ khác thích trích dẫn phong cách và truyền thống của đội bóng Catalan như lời giải thích cho thành công. Quả đúng là lối chơi hiện giờ của Barca là thành quả và sự kế thừa của hai thập kỷ hun đúc cho lý tưởng bóng đá duy mỹ được xây dựng suốt từ thời John Cruyff. Nhưng cũng nên nhớ rằng, Guardiola chính là đội trưởng của đội bóng dưới thời huyền thoại Hà Lan đó.
Không, Guardiola rất quan trọng!
Khi ông được đề nghị dẫn dắt Barcelona năm 2008, Guardiola đã hỏi trợ lý của mình, Tito Vilanova, rằng liệu cả hai đã sẵn sàng cho một thử thách lớn như thế chưa. “Về phần anh thì chắc chắn”, Vilanova đáp. Charly Rexach, trợ lý thời Cruyff, nhớ lại rằng Guardiola “là người sẽ giúp chúng tôi triển khai các sơ đồ chiến thuật cho toàn đội bóng”. Không chỉ có kinh nghiệm thực tế dày dạn trên sân bóng, Guardiola còn là một người rất ham học hỏi. Ông từng tầm sư học đạo ở Italia và Mexico với Juanma Lillo, một HLV đã làm việc ở La Liga khi chưa tới 30 tuổi. Ông cũng đã lặn lội sang Argentina để gặp Marceloa Bielsa và Cesar Luis Menotti, những HLV huyền thoại của trường phái Mỹ Latin thuần nhất.
Chính từ những người này, Guardiola đã hình thành nên nguyên tắc thực dụng và hiệu quả, để kết hợp nhuần nhuyễn nó với chất lãng mạn và ngẫu hứng vốn là bản chất của Barcelona. Trên nền tảng triết lý đó, lối chơi của Barcelona nhấn mạnh trước hết đến quyền sở hữu bóng. Guardiola yêu bóng đá đẹp, điều đó là tất nhiên, nhưng như mọi HLV khác, ông muốn sự kiểm soát tối đa với thế trận, với sức chống cự của đối thủ và qua đó, với kết quả trên sân bóng. Chỉ có điều, không giống như Jose Mourinho, sự kiểm soát của Guardiola thông qua nền tảng là các đợt tấn công, chứ không phải phòng ngự. Vì lẽ đó, trong khi các CĐV bàn tán rất nhiều về việc Arsenal sẽ chơi ra sao ở Nou Camp ra sao tối nay, ít người nghi ngờ về cách Barca sẽ triển khai thế trận. Họ sẽ phòng ngự bằng cách gây ra nhiều tổn thương nhất cho đối thủ.
“Chúng tôi chơi bóng bên phần sân đối phương càng nhiều càng tốt vì tôi thấy lo lắng khi bóng ở bên phần sân nhà”, Guardiola phân tích, “Chúng tôi là một đội bóng tệ hại nếu không có bóng". Các con số thống kê là bằng chứng hùng hồn cho triết lý bóng đá đó. Dani Alves, một hậu vệ cánh, là cầu thủ có lần chạm bóng trên sân đối phương nhiều thứ tư ở La Liga. Chỉ hai trung vệ và thủ môn của Barcelona là có thời gian trên phần sân nhà trong các trận đấu nhiều hơn 50%.
Về quyền kiểm soát bóng: cả 9 cầu thủ chuyền bóng nhiều nhất ở La Liga đều là người của Barcelona. “Bóng đá không có luật như bóng rổ, rằng bạn phải trả lại quyền kiểm soát bóng hoặc dứt điểm sau một khoảng thời gian nhất định, nên tấn công và phòng ngự thực ra chỉ là những khái niệm tương đối”, Lillo phân tích, “Barcelona là đội bóng duy nhất phòng ngự khi có bóng".
Michael Laudrup, HLV Mallorca, thì nói: “Họ chuyền bóng nhanh đến mức khi các cầu thủ của tôi chạy đến thì bóng đá đi mất và chúng tôi cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng”. Như Rexach đã nhận xét, Barcelona, khi đã dẫn trước, thậm chí câu giờ cũng với việc giữ bóng trong chân tại khu vực giữa sân, giữa các cầu thủ, thay vì chơi trò luẩn quẩn tại cột cờ góc như những đội bóng kém đẳng cấp khác.
Giỏi tính toán Trên thực tế, Guardiola là một HLV rất chú ý đến các tính toán chiến thuật và rất giỏi với các tính toán của ông. Messi bắt đầu chơi tiền đạo lùi như bây giờ chính là dưới thời Guardiola, vào năm 2009 khi ông chuẩn bị cho trận siêu kinh điển gặp Real Madrid, mà Barca thắng 6-2. Christoph Metzelder, trung vệ của Real, nhớ lại: “Các trung vệ chúng tôi rất ghét bị kéo ra khỏi vị trí và không biết liệu có nên đeo bám anh ta hay không”. Đó là một mánh khóe chiến thuật khá nổi tiếng trong bóng đá hiện đại: “Khi bạn không có số 9, các trung vệ đối phương sẽ tự đá nhau”. Nhưng để áp dụng đúng bài bản trước Real Madrid, rõ ràng Barca cần một HLV hết sức tài năng. Hay trước Valencia tuần trước, Barca chơi với 3 trung vệ, 2 cầu thủ đá cánh và 3 tiền đạo, một hệ thống của bóng đá những năm 1950, nhưng lại hết sức phù hợp với lối chơi kiểm soát và chuyền bóng cực nhiều của Barcelona (và có lẽ cũng chỉ duy nhất họ triển khai được chiến thuật này). Ý tưởng chính là ép các đối thủ không dám dâng cao. Thêm một sáng tạo chiến thuật vào loại kinh điển nữa của Guardiola. |
Trần Trọng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất