Biến tấu World Cup: Giọt nước mắt trẻ thơ

11/07/2014 13:05 GMT+7 | Bán kết

(lienminhbng.org) - World Cup 2014 là World Cup của nước mắt khi khóc gần như đã là hình ảnh quá quen thuộc đối với những người theo dõi những trận cầu nảy lửa qua sóng truyền hình.

1. Từ những giọt nước mắt của cầu thủ Brazil xúc động khi hát quốc ca ở ngày khai mạc cho đến nước mắt của James Rodriguez khi anh phải cùng Colombia chia tay sân chơi lớn. Cái việc khóc của những cầu thủ ấy, nhiều khi, đã khiến người xem phát chán vì nó nhàm quá rồi, nó không còn cái cảm xúc mạnh mẽ của một hình ảnh hiếm hoi, bất ngờ bật ra của những mùa World Cup trước.

Nhưng sau những giọt nước mắt đã-quá-thông-thường của những danh thủ trên sân kia, lại có những giọt nước mắt khiến người hâm mộ bóng đá phải chùng lòng mình lại khi chứng kiến nó. Đấy chính là những giọt nước mắt trẻ thơ trên khán đài, nhạt nhòa với màu cờ được vẽ trên khuôn mặt. Những giọt nước mắt đó đã mở ra một thế giới khác hẳn, một thế giới mà dường như bóng đá chỉ là một câu chuyện mang tính ví dụ điển hình.

Khi màn luân lưu giữa Argentina và Hà Lan chuẩn bị bắt đầu, ống kính camera đã kịp bắt lại những khuôn mặt trẻ thơ Argentina với những đôi mắt đỏ hoe, ầng ậng nước. Và ngay cả khi Messi rồi cuối cùng là Maxi dứt điểm thành công cú đá 11m nặng nề của mình, chúng cũng òa khóc như không gì ngăn nổi.

2. Người ta có thể khóc vì lẽ gì? Vì rất nhiều điều. Vì đau. Vì phẫn uất. Vì lo lắng. Vì hãi sợ. Vì hạnh phúc và xúc động. Những đứa trẻ Argentina đã khóc vì hạnh phúc ào đến ở những giây không ngờ sau khi chúng đã ứa lệ vì âu lo quá đỗi. Còn những đứa trẻ Hà Lan thì sao? Chúng đã khóc nức nở vì tất cả, chỉ trừ đúng niềm hạnh phúc, đã được ban tặng rồi, về phía Argentina.

Hình ảnh Robben bước lại phía khán đài vỗ về an ủi con trai mình đang gục đầu vào lòng mẹ tức tưởi có lẽ là hình ảnh đẹp nhất của Hà Lan còn đọng lại ở World Cup này. Robben, cũng như nhiều danh thủ khác cùng màu áo với anh, đã luôn xuất hiện với hình ảnh tay dắt con, tay bế, tay bồng sau mỗi lần chiến thắng. Nhưng họ không dắt trẻ thơ của mình đi được đến tận cùng vinh quang hôm nay dù họ đã rất cố gắng. Họ, cũng như Robben, chỉ còn biết an ủi, xoa dịu phần nào tâm hồn non nớt của những đứa con mình.

Nhưng còn biết bao cậu bé Hà Lan khác đã bật khóc thì sao? Chúng không phải là những người con của các danh thủ, nên chúng không có những bàn tay nổi tiếng vỗ về. Vẫn biết, chúng vẫn còn mẹ, cha, ông, bà để dỗ dành, để an ủi nhưng phải chăng, thế hệ cầu thủ Hà Lan hôm nay lại một lần mắc nợ thế hệ tuổi thơ dù thực tâm chẳng bao giờ họ muốn thế. Cái nợ ấy như cái nợ đồng lần mà thế hệ Hà Lan 1990 đã nợ những người cùng thời với Robben và thế hệ 1974-1978 đã nợ những người cùng trang lứa của Ruud Gullit.

3. Có một câu hát nói rằng ‘khi trẻ con hát, một thế giới mới sẽ được mở ra còn khi trẻ con khóc, hãy cho chúng biết chúng ta đã gắng sức thế nào’. Những đứa trẻ Hà Lan, Argentina đã mở ra một thế giới hứa hẹn về đội bóng trong tim của chúng khi chúng hòa giọng vào cả cộng đồng khi cử quốc thiều và khi chúng bật khóc, những cầu thủ trên sân cũng cần phải để chúng hiểu họ đã nỗ lực đến hết mình.

Nhưng trẻ thơ, không phải lúc nào chúng cũng có thể hiểu những điều ta không nói ra lời. Như con trai của Robben vậy. Nó đã khóc ngon lành đó thôi. Chỉ vì nó không hiểu sao cha của nó đã làm tròn vẹn đến tận phút cuối nhưng vẫn có những người đồng đội lại bỏ lỡ ở thời khắc quan trọng nhất của mình. Nó chỉ biết một điều, duy nhất, World Cup này là World Cup cuối cùng của cha nó, một tài năng…

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm